Phim 'Thưa mẹ con đi': Xóa tan hoài nghi bằng câu chuyện dung dị

Thứ Bảy, 31/8/2019, 11:35 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Khai thác hình ảnh người đồng tính, nhất là đồng tính nam, vốn không hiếm trên màn ảnh Việt, nhưng có góc nhìn mới: Không cười cợt đối tượng, không bi kịch hóa vấn đề… thì dường như chỉ Thưa mẹ con đi làm được. Phim công chiếu từ ngày 16/8/2019.

Phim 'Thưa mẹ con đi' sẽ kể chuyện tình đồng tính ngọt ngào và chân thật

Phim 'Thưa mẹ con đi' sẽ kể chuyện tình đồng tính ngọt ngào và chân thật

Bộ phim tình cảm gia đình chủ đề LGBT Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vừa tung teaser trailer hé lộ những hình ảnh đầu tiên.

Phim điện ảnh đầu tay của Trịnh Đình Lê Minh nói về trắc trở tình yêu của hai chàng trai khi về nước ra mắt người thân. Nhưng nhìn tổng thể, phim mang hơi thở một tác phẩm tình cảm gia đình hơn là một phim “đam mỹ”.

Hóa giải nhẹ nhàng mâu thuẫn

Phải nói ngay sự xuất hiện của Thưa mẹ con đi vào thời điểm này khiến người xem lấy lại phần nào niềm tin về phim Việt, bởi thời gian qua phim nội ra rạp vừa thiếu vừa yếu.

Có nhiều yếu tố để trước khi xem Thưa mẹ con đi, khán giả giữ trong lòng sự hoài nghi về phim: Đạo diễn mới toanh, hai diễn viên chính chưa đóng phim điện ảnh lần nào, đề tài đồng tính không phải là điều gì mới mẻ, nếu không muốn nói đã quá ngán với cách khai thác kiểu mua vui là chính. Thế nhưng Thưa mẹ con đi đã xóa tan những hoài nghi ban đầu đó bằng một câu chuyện dung dị, tinh tế và thuần Việt.

Chú thích ảnh
Sự tươi mới trong diễn xuất của dàn diễn viên góp phần đáng kể vào thành công của “Thưa mẹ con đi”

Lấy bối cảnh là một miền quê Việt Nam, phim mở đầu bằng việc Văn, một kỹ sư ở Mỹ về nước, dẫn theo người yêu của mình là Ian, một chàng trai trẻ cũng xa quê khá lâu. Cùng với niềm vui đoàn tụ gia đình là tâm trạng phân vân khó xử của Văn giữa chữ hiếu và chữ tình.

Ngay từ đầu, Thưa mẹ con đi đã tạo cảm giác gần gũi, thân thương giữa người xem với các nhân vật, cùng câu chuyện, bằng việc xây dựng bối cảnh, tình tiết, nhân vật… hợp lý hợp tình. Một gia đình tam đại đồng đường sống chung với nhau trong một ngôi nhà với các vật dụng cũ kỹ của thời thập niên 1990. Trong gia đình đó có người bà hồn hậu như bà nội Văn, có người phụ nữ góa chồng một mình gánh vác cả nhà chồng như mẹ Văn, hoặc có bà cô “ế chồng” lâu năm hơi cằn nhằn nhưng vui tính, đáng yêu như cô Út. Gánh nặng vai trò một người cháu đích tôn của dòng họ, tư tưởng con trai lớn lên phải lấy vợ có con nối dõi tông đường - những vấn đề mà Văn phải đối diện trong phim cũng rất phổ biến ở nước ta.

Không chú trọng vào việc miêu tả mối quan hệ đồng tính giữa Văn và Ian, hoặc xoáy vào mối tình bi kịch của họ, phim tập trung khai thác tâm tư, tình cảm, ứng xử của người thân với Văn và ngược lại. Đây cũng là điểm khác biệt của Thưa mẹ con đi với nhiều phim Việt trước đây có nhân vật đồng tính. Người đồng tính giờ đây không còn bị xã hội nhìn với ánh mắt kỳ thị như trước nữa, nhưng những tổn thương đến từ trong gia đình, dòng tộc không hẳn đã hết. Nhưng cách giải quyết của các nhân vật trong phim mở ra góc nhìn lạc quan: Họ đã không vì mâu thuẫn thế hệ, tư tưởng mà đẩy bi kịch lên cao, mà tìm cách hóa giải nhẹ nhàng bằng tình thương yêu, trách nhiệm, bởi suy cho cùng đó là người thân của mình, hạnh phúc con là niềm vui của mẹ và ngược lại.

Tên bộ phim, không chỉ là một câu chào gửi của Văn trước khi rời quê hương, mà còn là câu trả lời ý nhị của Văn trước sức ép, sự kỳ vọng của gia đình.

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Thiện (phải) vào vai người bà “lầy lội”, đáng yêu

Diễn xuất tươi mới

Góp phần thành công vào việc truyền tải cảm xúc câu chuyện, thông điệp của phim đến người xem là diễn xuất ăn ý của cặp đôi Lãnh Thanh (vai Văn) và Gia Huy (vai Ian). Việc chưa xuất hiện trên màn ảnh rộng lần nào hóa ra là lợi thế của hai diễn viên trẻ này, vì khi không bị “đóng khung” vào hình tượng nhân vật nào trước đó, người xem dễ đón nhận sự tươi mới đến từ người diễn hơn.

Mặc dù mới đóng chung lần đầu, nhưng Lãnh Thanh và Gia Huy cho thấy “phản ứng hóa học” về diễn xuất, điều đó khiến những cảnh thân mật giữa Văn và Ian không rơi vào sự phản cảm, dung tục, ngay cả mấy lần cả hai ôm nhau mùi mẫn trong phòng tắm. Nếu ở Lãnh Thanh có sự rắn rỏi, nam tính thì Gia Huy thể hiện nét mềm mại, nhất là trong ánh mắt.

Hồng Ánh cũng đem lại sự mới lạ trên phim khi thoát khỏi hình ảnh những vai diễn nhiều nước mắt để hóa thân thành một bà cô ế lâu năm, tính tình bộc tuệch, nhưng giàu tình cảm. Cô Út của Hồng Ánh tuy chỉ là dạng vai khách mời, nhưng mỗi khi xuất hiện khiến người xem thích thú vì khả năng hài rất duyên của chị, nhất là cảnh cô Út hát trong buổi tiệc.

Một vai diễn khách mời nhưng gây ấn tượng mạnh nữa về độ duyên là vai bà nội do NSƯT Lê Thiện đảm trách. Dạng vai những người bà “lầy lội” khá quen với nghệ sĩ lão thành này, nhưng trong phim nhờ sự nhầm lẫn đáng yêu vì bệnh tuổi già, khiến bà ngỡ Ian là Văn, cùng việc ủng hộ mối tình của Văn và Ian, khiến vai diễn của Lê Thiện mang màu sắc… tuy cũ mà mới.

Dương Ngọc

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến