Những bài học từ K-pop và điện ảnh Hàn Quốc

Thứ Tư, 27/11/2019, 18:58 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trong thời gian gần đây, làn sóng Hàn Quốc đã có một sự ảnh hưởng không nhỏ, đặc biệt là ở thế hệ trẻ tuổi, từ âm nhạc cho đến phim ảnh. Lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội tối 26/11 là một minh chứng cho sức lan tỏa của Làn sóng Hàn Quốc và nó cũng để lại nhiều bài học cho những quốc gia muốn đưa văn hóa của nước mình ra với thế giới.

TRỰC TIẾP AAA 2019 - Asia Artist Awards tại Hà Nội

TRỰC TIẾP AAA 2019 - Asia Artist Awards tại Hà Nội

AAA 2019 - Giải thưởng nghệ sĩ Châu Á Asia Artist Awards (AAA) diễn ra tối nay 26/11 được truyền hình trực tiếp độc quyền trên truyền hình FPT.

Hồi cuối tháng 5 và giữa tháng 6, bộ phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc đã xuất sắc giành được giải thưởng Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes và đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim Sydney. Vào đầu tháng 6, nhóm nhạc K-Pop BTS đã biểu diễn với thành công vang dội tại sân vận động Stade de France tại Pháp.

Ngành điện ảnh Hàn - tấm gương để noi theo

Vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra hội thảo BTS và Ký sinh trùng: Làn sóng Hàn tại Pháp và Việt Nam, với sự góp mặt của hai diễn giả: ông Patrick Messerlin (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị Quốc tế của châu Âu) và ông Jimmyn Parc (nhà nghiên cứu tại trường Khoa học Chính trị Paris và Viện Nghiên cứu Truyền thông thuộc Đại học Quốc gia Seoul).

Ông Patrick Messerlin cho biết Hàn Quốc đã làm rất tốt giữa sự bảo hộ và toàn cầu hóa ngành điện ảnh nước nhà. Và điều này sẽ mang lại một bài học giá trị cho Việt Nam, cũng như Pháp để có thể phát triển hơn nữa.

Vào những năm 1940, người dân Hàn Quốc đã xem rất nhiều phim ảnh của Nhật Bản hay Hollywood (Mỹ). Chính phủ nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải mở cửa nhập khẩu phim Mỹ, bởi nếu không, Mỹ cũng sẽ áp đặt thuế rất cao lên các hàng hóa công nghiệp khác.

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã có rất nhiều bài học về chính sách bảo hộ nền điện ảnh. Trước đây, Hàn Quốc cho rằng, nếu không hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài hoặc hỗ trợ mạnh mẽ việc sản xuất phim nội địa thì sẽ “mất chân” trên thị trường điện ảnh tại chính quốc gia của mình.

Chú thích ảnh
Ông Jimmyn Parc (trái) và ông Patrick Messerlin (phải) tại hội thảo. Ảnh: Quách Đắc Thành

Khi chưa được mở rộng, Mỹ chỉ có thể xuất khẩu 30 cho đến 40 bộ phim vào Hàn Quốc. Nhưng khi các thị trường được mở rộng hơn, Mỹ đã có thể xuất khẩu hơn 100 bộ phim hàng năm sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, những bộ phim sau này lại không được tốt như những bộ phim đầu. Chính vì vậy, khán giả Hàn Quốc trước đây thì coi tất cả các phim của Mỹ đều hay nhưng sau đó thì họ đã thấy rằng không phải lúc nào phim Mỹ cũng là hay nhất. Vào khoảng thời gian đó, người dân Hàn Quốc cũng quá nhàm chán với phim của Nhật.

Điều này đã thay đổi suy nghĩ của các nhà làm phim của Hàn Quốc. Thay vì trông cậy vào Chính phủ, những nhà làm phim ở Hàn Quốc biết rằng đang ở trong một thị trường tự do và phải chấp nhận sự cạnh tranh từ các phim nước ngoài. Qua đó, các công ty làm phim tại đây đã tập trung vào phát triển những bộ phim có khả năng đột phá cao.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng là một phần lý do khiến cho ngành điện ảnh Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Một ví dụ ở Pháp, trong số các khoản tiền tài trợ sản xuất phim thì 30-40% là cho các rạp chiếu phim. Như vậy, số tiền tài trợ dùng để nâng cấp các rạp chiếu phim và đưa lượng khán giả đến với rạp nhiều hơn, nhưng khán giả vẫn xem phim Mỹ, phim ngoại. Điều đó đã không tác động đến phát triển điện ảnh của Pháp. Trong khi đó, tại Hàn Quốc họ đã tài trợ rất nhiều để tạo ra các studio, trường quay và nó được các nhà làm phim nước này sử dụng. Như vậy, có thể thấy sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc rất có ích cho sự phát triển điện ảnh.

Ngành điện ảnh Hàn Quốc là một minh chứng cho thấy rằng việc đương đầu thành công với sự thống trị của Hollywood không cần phải áp dụng chính sách bảo hộ với phim trong nước.

Thành công của K-pop: “Kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ”

Sự thành công vang dội của các nhóm nhạc Hàn Quốc, đặc biệt là BTS đã “chạm chân” đến nhiều quốc gia trên thế giới. Diễn giả Jimmyn Parc bắt đầu chia sẻ về nền âm nhạc K-pop bằng một câu chuyện của chàng trai người Anh quốc tên Oli London. Anh chàng này đã bỏ ra 75 nghìn bảng Anh (tương đương 2,8 tỷ VNĐ) để phẫu thuật gương mặt giống với thành viên Jimin của nhóm nhạc BTS.

Sự việc này đã nói lên rất nhiều điều, bởi lẽ vẻ đẹp nam tính của người đàn ông châu Á không được đánh giá cao đối với người phương Tây. Thế nhưng, cùng với những xâm nhập từ các sản phẩm văn hóa và dần dần những người Anh hay người Pháp đã có thể nói: “chàng trai người Hàn Quốc này rất đẹp trai”.

“Đó là những gì mà tôi chưa từng được nghe trước đây. Qua đó, chúng ta có thể thấy được một việc rằng kiến tha lâu ngày cũng đầy tổ, dần dần cũng xâm nhập được vào văn hóa của người phương Tây” - ông Jimmyn Parc chia sẻ.

Nền công nghiệp âm nhạc của Hàn Quốc cũng đã thay đổi rất nhiều. Điều lý thú nhất trong sự thay đổi, đó là sự thay đổi về nền tảng công nghệ. Việc nghe nhạc hiện nay khác xa với thời xưa. Các nghệ sĩ hay các công ty phát hành, họ sẽ tập trung vào phát hành trên internet. Việc nghe nhạc mà không phải trả tiền đang rất phổ biển như Youtube, nó rất dễ dàng để đến với người hâm mộ.

Như vậy, các quốc gia đang ứng dụng cách tuyên truyền các sản phẩm âm nhạc bằng cách hiện đại nhất, thì sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Vấn đề tin học hóa cũng đóng góp phần rất quan trọng cho nền âm nhạc hiện nay.

Ông Jimmyn Parc cũng đưa ra những ví dụ về vấn đề bản quyền như trong hội họa để chỉ ra những con đường phát triển, bài học và từ đó áp dụng cho nền âm nhạc của các quốc gia khác. Ông nêu tên của danh họa Vincent Van Gogh, đã vẽ những tác phẩm hội họa để đời của mình theo ý tưởng và các bức tranh gốc từ danh họa Jean Francois Millet. Tuy nhiên, Vincent Van Gogh đã trở nên thành công hơn, nổi tiếng hơn rất nhiều. Qua đó, ông chỉ ra rằng nền âm nhạc Hàn Quốc trước kia cũng đã từng lấy cảm hứng, gần như là sao chép của Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng trong đó vẫn có sự sáng tạo, đồng thời tạo ra sự khác biệt và đa dạng của nền văn hóa. Tuy nhiên, cũng không hẳn là ủng hộ những điều vi phạm bản quyền.

Jimmyn Parc cũng chia sẻ thêm rằng, Việt Nam, Pháp và các quốc gia khác cũng có thể thành công như những gì mà làn sóng Hàn đang thể hiện trên toàn thế giới, bằng những hướng đi đúng đắn của nền âm nhạc K-pop và nền điện ảnh Hàn Quốc.

Thành Quách

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến