Nhạc Việt ngày nay: 'Hương' có thơm?

Thứ Ba, 5/10/2021, 18:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hương là trường hợp khá đặc biệt, bởi nó được đón nhận không theo cách thông thường như các ca khúc đại chúng dành cho giới trẻ khác. Hương tỏa hương hơi muộn. Phát hành ngày 30/1 nhưng phải sau chừng hơn nửa năm, nó mới được biết đến rộng rãi và hiện đang là 1 trong những ca khúc được nhiều bạn trẻ yêu thích nhất.

K-ICM bắt tay Văn Mai Hương tung MV 'Chim quý trong lồng'

K-ICM bắt tay Văn Mai Hương tung MV 'Chim quý trong lồng'

K-ICM gây bất ngờ khi kết hợp với Văn Mai Hương và Lê Bống ra MV mới mang tên Chim quý trong lồng lên sóng ngày 12/7 tới.

Hương là một ca khúc của Hứa Kim Tuyền do Văn Mai Hương thể hiện, có sự góp giọng của Negav. Hiện tại, trên kênh YouTube cá nhân mang tên Văn Mai Hương Official sở hữu 221 nghìn subscribers, Hương thu hút gần 4 triệu lượt nghe.

Cả bài có 1 câu

Một khán giả đã phải thốt lên “cả bài cứ hát mãi một câu...” khi nghe Hương. Tất nhiên, đó mới chỉ là vế đầu, vẫn còn 2 từ nữa mới hết câu mà vị khán giả này đã nói. 2 từ đó là: “mà hay”.

Bật cười với câu nhận xét thật thà, dí dỏm, tôi tò mò thử đếm. Quả thật trong một bài hát với thời lượng 3 phút 30 giây mà có tới 19 lần câu “Mùi hương em nồng say”. Hương có khuôn khổ 2 đoạn cộng thêm rap. Trong đó, câu hát này không xuất hiện ngay từ đầu mà nó nằm ở vị trí mở đầu của đoạn thứ 2, tức là bắt đầu vào phần điệp khúc.

Mở đầu “Mùi hương em nồng say” sau đó nội dung được triển khai là: “Một chút martini (một loại cocktail có cồn)/ Hòa cùng một chút armani (một loại nước hoa)/ You will be craving for me”. Ý nhạc này tiếp tục được nhắc lại một lần nữa: “Mùi hương em nồng say/ Hãy đến đây bên em/ Lại gần và cuốn đôi môi em/ Dịu dàng vuốt đôi bờ vai”.

Sang câu thứ 2 của đoạn, mật độ dày hơn, nó được nhắc đi nhắc lại 3 lần xen giữa những lần nhắc lại là từ phụ: “Mùi hương em nồng say/ Ddu-bi-ddu ddu-bi-ddu ddu-bi-ddu/ Mùi hương em nồng say/ Ddu-bi-ddu ddu-bi-ddu ddu-bi-ddu/ Mùi hương em nồng say”.

Chú thích ảnh
Ca sĩ Văn Mai Hương

Rap quyện

Đoạn rap xuất hiện ngay sau khi Văn Mai Hương thể hiện trọn vẹn lần 1. Rap có nội dung ca từ khá quyện với ca từ chính của bài: “Girl, anh đã say mùi hương ấy/ Thôi rồi, tim của anh đã bị em cướp lấy/ Anh thích vị ngọt em chọn cho đêm nay đó! Sà vào lòng anh để ta cùng thơm nhớ/ Trông là biết em FA/ Mà F to the A N C to the Y/ Nghe nói em cần một bờ vai/ Nhưng tính anh rộng lượng cho luôn một đêm never phai”.

Đoạn rap này tác giả có nhiều “đất” để khoe, cũng vì thế khá nhiều ca từ lạ, cá tính, có chút gì đó của kiểu bad boy, làm khán giả trẻ hài lòng như: “Em cần một người đàn ông làm bạn trai/ Không phải là một thằng con trai tập làm đàn ông” hay “Khi em đưa mắt sang nơi anh đây/ Thế giới như đã mất đi một người tỉnh táo”.

Sau rap, đoạn điệp khúc được nhắc lại thêm 2 lần mới kết thúc bài hát. Giữa 2 lần nhắc lại điệp khúc này xuất hiện câu hookchỉ có 1 câu hát bằng tiếng Anh “I know you're now my mistake” được lặp đi lặp lại 6 lần, ở giữa có chen một câu với ca từ “Anh cần em đêm nay my girl”. Câu "hook" (câu nhằm thu hút sự chú ý của người nghe) có chất liệu và ca từ đều liên quan đến chủ đề của bài. Câu này còn giữ vai trò như một cầu nối đẩy về điệp khúc xuất hiện lần cuối ngay sau đó, trước khi khép lại bài hát. Về phần thể hiện, ở câu hooknày, Negav hòa giọng hát cùng Văn Mai Hương.

Chú thích ảnh
"Hương" của Văn Mai Hương

Sôi sùng sục

“Mùi hương em nồng say nghe mà cứ bị cuốn theo luôn ý, một ngày nghe đi nghe lại 30 lần” - tài khoản Nhi Võ thốt lên trong phần bình luận của bài Hương trên kênh YouTubeVăn Mai Hương Official.

Cũng trên phần bình luận này, đa phần khán giả đều có chung cảm nhận. “Bài này hay quá à, nghe chỉ muốn lắc lư theo” - Ngọc Đặng. Hương còn gợi cho những người trẻ nhớ lại, sống lại cảm giác mùi hương của người thương. Tài khoản Anh Vũ chia sẻ: “Nghe bài này lại nhớ đến mùi hương của crush, mùi thơm nhẹ vô cùng thoải mái khiến mình say từ đó đến”.

Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối: “Sao giờ mình mới biết, bài này hay quá” - tài khoản Minh Vỹ bình luận.

Sở dĩ khán giả thốt lên như vậy vì Hương ra mắt được tới 7 tháng thì mới lên xu hướng ở TikTok. Không chỉ có thế, Hương dù tỏa trễ nhưng lại hot trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau.

Chú thích ảnh

Điểm nhấn của “Hương”

Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối và cho rằng nếu như thay vì Negav là Masew thì chắc là Hương sẽ còn tuyệt nữa. Thực tế thì, việc mời ai hợp tác đã nằm trong kế hoạch khi sản xuất của team Văn Mai Hương. Trong khi phần thể hiện của Negav cũng không phải hạng vừa, nếu không nói rằng nó khá lạ và hoàn toàn phù hợp với những phần còn lại, đồng thời giúp cho tổng thể ca khúc trở nên hay hơn.

Hơn nữa, trong phần ca từ do Negav đảm nhận cũng có nhiều đoạn hoàn toàn có thể trở thành trend, nhất là câu: “Em cần một người đàn ông làm bạn trai/ Không phải là một thằng con trai tập làm đàn ông”.

Tuy nhiên, đó chỉ là điểm nhấn thứ 2. Điểm nhất đầu tiên và quan trọng nhất tạo nên sức lan tỏa của Hương đó chính là đoạn điệp khúc với câu “Mùi hương em nồng say” được “hát mãi”. Đó là đoạn giai điệu bắt tai, toàn bộ ca từ dường như dồn vào tạo điểm nhấn duy nhất, khiến khán giả không thể nào quên. Và đây chính là đoạn đã tạo thành trend trên các nền tảng mạng xã hội. Để rồi thông qua đó, khán giả tìm đến và thưởng thức toàn bộ ca khúc.

Có nghĩa, một trong những yếu tố tạo thành công của một bài hát trong “thời đại mạng xã hội” là cần một câu đủ sức hấp dẫn giới trẻ. Vậy những phần còn lại trong một tổng thể Hương chứa đựng những gì?

Ca khúc "Hương":

Hay và…

Cũng như nhiều khán giả, nhạc sĩ Nguyễn Tân Châu, người gắn bó với nhạc điện tử, cho rằng “bài này có 2 điểm nhấn là đoạn rap rất bắt tai và đoạn điệp khúc”. Người viết cũng có chung suy nghĩ này.

Hương mang phong cách Deep Retro 80s 90s (thập niên 80, 90 thế kỷ 20). Nhạc điện tử là chủ đạo của bài nhưng có cảm giác vẫn còn thèm có thêm những màu sắc cho nổi bật phong cách này.

Về vòng hòa âm theo cảm nhận ở mức chưa thực sự ấn tượng, trong khi với cách hòa âm phối khí theo phong cách Deep Retro chưa ra được đậm màu của thập niên 1990 lắm.

Thử đặt giả thiết, để tạo màu của những thập niên cũ rõ nét đoạn đầu nên thêm một số điểm nhấn của dàn kèn brass và xử lý thêm sound (tiếng) của phần drum, đồng thời làm cho phần bass nổi lên một chút có lẽ sẽ còn “phê” hơn.

Tất nhiên, trên đây chỉ là suy nghĩ, là giả thiết của người viết. Còn rất có thể, hiệu quả của bản phối kia là chủ ý của team sản xuất. Và mọi con đường của một tác phẩm khi sản xuất cũng là để đến với khán giả, trong khi trên thực tế Hương đã được đón nhận và lan tỏa một cách mạnh mẽ.

… chạnh nghĩ

Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng rõ ràng,việc một bài hát được đón nhận trong giai đoạn hiện nay rất khác so với một bài nổi tiếng trước đây. Nếu như những bài hát trước đây thường có ca từ mang ý nghĩa nghệ thuật cao thì trong giai đoạn hiện nay, ca từ hầu như dạng văn nói, mang tính tả cảnh, tả cảm xúc theo ngôn ngữ đời thường.

Với Hương có khác hơn một chút, vì nó tạo được một màu sắc khá lạ. Nó cho ta hình dung về bối cảnh một cô gái và một chàng trai xuất hiện trong một không gian giải trí. Ở đó, cô gái có cảm tình với chàng trai sau một lần bắt gặp: “Mắt anh cười, khóe môi cười, cách anh cười”. “Và em tan đi trong phút giây/ Trót say người, muốn bên người, sánh đôi người”. Còn nữa: “Nghe nói em cần một bờ vai/ Nhưng tính anh rộng lượng cho luôn một đêm never phai”. Và còn nhiều những ca từ khác nữa, tất cả gợi lên cách sống và cách yêu khá phóng khoáng.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Bản thân người viết đã từng ngồi trong hội đồng thẩm định các tác phẩm âm nhạc trong nhiều năm nên biết được rằng, nếu ở cách đây hơn 1 thập niên trở về trước, những bài kiểu những bài hát có nội dung và ca từ như Hương rất khó có cơ hội được phát hành.

Tất nhiên, mỗi giai đoạn mỗi khác, và có thể cách nghĩ, lối sống của giới trẻ hiện nay đã khác nhiều so với trước đây, vì vậy, âm nhạc cũng có những thay đổi. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì những bài hát nói về lối sống tình cảm hoặc quá thiên về cảm xúc yêu chỉ là một phần của nhu cầu. Và phần này, dù không nhất thiết cần phải triệt tiêu trong sáng tác âm nhạc nhưng cũng không nên khuyến khích. Đồng thời, cũng nên nói rằng, việc sáng tác những bài kiểu như Hương là người sáng tác đang đi trên một con đường có sự mạo hiểm. Nếu đi đúng, giữ được chừng mực thì mọi chuyện vẫn ổn, nhưng nếu không kiểm soát được mà chỉ nhích hơn chút xíu sẽ đi quá đà và lúc đó sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác.

Hương nằm trong album cùng tên của Văn Mai Hương ra mắt 1/2021 do Hứa Kim Tuyền làm nhà sản xuất âm nhạc album gồm 8 ca khúc: Đốt, Cầu hôn, Tình lãng phí, Đã lâu lắm rồi, Trên cây cầu bên sông, Nghe nói anh sắp kết hôn, Mai đây em thương một chàng trai và Hương.

Ê-kíp thực hiện "Hương"

- Singer: Văn Mai Hương

- Composed: Hứa Kim Tuyền

- Lyrics by Hứa Kim Tuyền, Negav

- Arranged by Jase

- Produced: Hứa Kim Tuyền

Điểm: 7,3/10

Chú thích ảnh

Nguyễn Quang Long

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến