(Thethaovanhoa.vn) - Ra mắt tối 13/5, chỉ sau một đêm, MV Trốn tìm của Đen Vâu lập tức lọt top thịnh hành trên YouTube và nhanh chóng đứng vị trí thứ 2 Bảng xếp hạng nhac.vn tuần 19 (tính từ 10 – 16/5). Cho tới thời điểm này (17/5) Trốn tìm vẫn “sáng bừng cõi mạng” và dự báo còn chưa biết chừng nào mới “hạ nhiệt”.
Tối 14/5, MV "Trốn tìm" của Đen Vâu đã chính thức giành Top 1 Trending của YouTube Việt Nam sau 26 tiếng phát hành. Hiện MV "Trốn tìm" đang vượt qua cột mốc 6,5 triệu lượt xem, hơn 460 nghìn lượt yêu thích và hơn 37 nghìn lượt bình luận.
Trốn tìm lập tức trở thành trend ngay sau khi ra mắt. Đâu đâu cũng thấy nhắc đến cụm từ này một cách đầy hào hứng.
“Cơn lốc” trốn tìm
Bất ngờ nhất, bản tin Chuyển động 24h (VTV1) trưa thứ Bảy ngày 15/5/2021 hào hứng dành hẳn một phóng sự “bắt trend” trốn tìm. Lấy tên là Khi người lớn chơi trốn tìm và nằm trong mục điểm tuần, có nghĩa đây là phóng sự “đinh” của bản tin, cũng là của tuần.
MC VTV dẫn dắt khán giả vào phóng sự theo cách ví von dí dỏm đầy ẩn ý rằng trò chơi thuộc top phổ biến nhất của trẻ con, vậy mà nhiều người lớn lại có suy nghĩ như trẻ lên 10 “vẫn thích chơi trốn tìm như trốn cách ly hay ôm tiền ảo rồi bỏ trốn”. Câu hình đầu tiên trong phóng sự thuộc về những hình ảnh của MV Trốn tìm. Câu hình tiếp ngay sau đó liên quan đến công tác phòng chống dịch ở khắp nơi, cùng với thông điệp “Đừng trốn vì sẽ được tìm” và lời bình: “Muốn trốn nhưng không ai tìm thì chắc chỉ là niềm cô đơn của người trưởng thành trong tình yêu mà thôi. Còn trong mùa dịch, nếu đã trốn cách ly hay trốn tránh trách nhiệm khai báo y tế, thì cứ an tâm, sẽ có rất nhiều người tìm đến bạn, vấn đề là sớm hay muộn mà thôi".
Đáng nói, đây là phóng sự xã hội đề cập tới 2 tồn tại đang rất “nóng” nhưng lại được dẫn dắt bằng những hình ảnh và nội dung ca từ của một MV âm nhạc có nội dung không phải là đề tài xã hội. Trong khi, Chuyển động 24h là bản tin thời sự chính luận. Điều này cho thấy những chuyển động của báo hình cả về phong cách cũng như nội dung.
Quan sát thấy Trốn tìm đang được nhắc nhiều trên báo, mạng xã hội nên người viết nảy ý tưởng về một khảo sát nhỏ những người xung quanh. Tất nhiên, nếu hỏi: Đã nghe Trốn tìm chưa, chắc là thừa, nên chỉ hỏi câu duy nhất: Cảm thấy thế nào khi nghe Trốn tìm?
Đạo diễn Thạch Hồng Ngọc (VTVcab) thay vì trả lời, chị tủm tỉm đọc câu hát trong bài: “Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”.
Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Đức Huy, trưởng một team thiết kế khẳng định: “Các bạn ở trong team của Huy ai cũng thích bài này”. Trong khi Thanh Cường, một ca sĩ chuyên dòng nhạc trữ tình và doanh nhân ở Hà Nội không chần chừ: “Sướng! Đã lỗ tai”. Nam ca sĩ này còn chỉ cho tôi xem “bạt ngàn” những hình ảnh liên quan đến MV Trốn tìm cộng đồng mạng chế. Từ các kiểu chế “cây Đen Vâu”, cho đến những đúc kết kèm ảnh minh họa dí dỏm khiến người đọc phải phì cười, rằng: “Ngồi im một chỗ (Anh đếch cần gì nhiều ngoài em). Bơi im một chỗ (Hai triệu năm). Bay im một chỗ (Trời hôm nay nhiều mây cực). Đứng im một chỗ (Trốn tìm)” rồi kết luận: “Việc nhẹ lương cao: Cameraman của Đen Vâu”...
Thanh Cường khẳng định: “Đây là hot thật sự, khán giả yêu mến thật sự chứ không phải chiêu trò”.
Chất lừ ca từ!
Không màu mè với phần hòa âm theo kiểu âm nhạc điện tử, không cuốn người nghe bằng tốc độ, rap của Đen Vâu hầu như có phần âm nhạc khá mộc, trong khi tốc độ khá chậm, thiên về trữ tình. Một trong những đặc trưng của rap là nhịp điệu tác phẩm thường không phụ thuộc vào trường độ hay cao độ cụ thể mà phụ thuộc vào cách đọc chậm hay nhanh và cách thể hiện giọng điệu cũng như gieo vần của mỗi rapper. Đen Vâu đã tạo một nét riêng trong rap Việt.
Trốn tìm vẫn là sự kết hợp giữa rap và acoustic. Bản hòa âm nổi bật với tiếng đàn guitar, trống và melodica (đàn phím thổi bằng hơi)... Trong sự mộc mạc được tạo nên bởi nhạc cụ, kết hợp với những giai điệu du dương tạo nên âm hưởng man mác buồn... cứ lặp đi lặp lại, đều đặn xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Theo rapper trẻ Tobby Quốc Trung (Hà Nội): “Trốn tìm thuộc dòng rap love, thể loại phối là acoustic đồng quê”. Rapper này nhấn mạnh, đặc trưng nổi bật nhất trong Trốn tìm là: “Lyrics/ lời bài hát đầy chất thơ”.
Quả thật, nếu như Đen Vâu đã từng được mệnh danh là rapper có lời ca độc đáo, hàm chứ nhiều ý nghĩa thì ở Trốn tìm những lợi thế này còn được đánh giá tiến thêm một bước dài. Cách gieo vần ở Trốn tìm chủ yếu là vần 2 và vần 3. Vần 2, vần 3 là những câu lyrics có vần 2 chữ, vần 3 chữ giống 2 chữ, 3 chữ câu trước đó. Dễ thấy vần 2 trong lyric, chẳng hạn: “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm/ Lòng em không gợn sóng, cuối cùng anh mất công chìm”. “Không tìm” và “công chìm” là vần 2. Vần 3 cũng vậy: “Hé cửa sổ ra mà xem/ Có một chàng thi sĩ đứng ở ngay nhà em/ Viết nhạc tình mát ngọt tựa như cây cà rem”. Thậm chí vần 3 xuất hiện ở 4 câu liên tiếp: “Hồi đó anh rụt rè như đám cây mắc cỡ/ Gần em làm anh hồi hộp tới mức gây tắc thở/ Ta đều không biết có điều gì sau đám mây sắp nở/ Trò chơi trốn tìm ngày đó, sau này đầy trắc trở”...
Thực ra bất cứ rapper nào cũng phải thành thạo kỹ thuật gieo vần, nhưng nếu đọc kỹ những phần lyric trích dẫn ở trên sẽ thấy sự khác biệt của Đen Vâu là cách gieo vần để xây dựng nên phần lyric luôn đậm chất trữ tình và đầy chất thơ. Nói cách khác, với Đen Vâu, dường như không phải là viết rap mà giống như kiểu chơi rap, giống như các cụ thời xưa lắm chữ hiểu vần luật nên thoải mái chơi thơ.
Rapper Tobby Quốc Trung chỉ những chi tiết nhằm khẳng định quan điểm rằng: “Trốn tìm mang nặng tính nghệ thuật”. Chẳng hạn việc sử dụng điệp từ cái - “Có một cái cây trong một cái vườn” - nhằm nhấn mạnh sự cô đơn trong cái cô đơn. Sử dụng phép đối “trốn” và “tìm” tạo ra mâu thuẫn trong ý văn, miếng bi hài, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác vô hình thành hữu hình. Lyric “đám cây mắc cỡ” chính là thủ pháp nhân hóa, một thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển. Trong khi “săn bắn những khát vọng”, “hái lượm những giấc mơ” là việc sử dụng động từ mạnh nhằm nhấn mạnh khát vọng mãnh liệt. “Gọi tên em làm anh mất giọng hoài” là cách nói quá, phóng đại. Việc sử dụng từ đồng âm khác nghĩa cũng hết sức thú vị. Trong lyric: “Nỗi buồn vàng rực cứ như là chứa đồng thau/ Hệt như là Beckham vậy, em chỉ giỏi cứa lòng nhau”. Ở đây “cứa lòng” là từ đồng âm khác nghĩa. Đen Vâu đã nhắc tên một cầu thủ bóng đá nổi tiếng với những cú sút cứa lòng để ám chỉ cô gái cũng có khả năng cứa lòng, nhưng ở đây là cứa vào lòng chàng trai.
Việc sử dụng từ đồng âm khác nghĩa nhằm gia tăng cảm giác đau đớn cho nhân vật nam trong bài. Nhưng “cái trữ tình của Đen Vâu thường thơ hóa, gia tăng nỗi buồn để rồi chuyển đổi những cảm giác buồn đau sang một dạng cảm giác tưởng nặng nề nhưng lại rất bồng bềnh”, Tobby Quốc Trung chia sẻ. Và vì thế, Đen Vâu có nhiều điều để nam rapper này cũng như nhiều rapper trẻ học hỏi.
Ngoài ra, thông điệp của Trốn tìm cũng đáng để suy ngẫm. Nó hiện hữu ngay chính trong lyric. Chẳng hạn, nói về sự chiêm nghiệm cuộc đời: “Ta gieo trồng cây ước mộng, thứ mà lấy đi nhiều thì giờ/ Ta đào những cái hố mà không biết có ngày bị lọt/ Để rất lâu sau này chúng ta cau mày nhận ra không phải tất cả bông hoa thì đều sẽ có những nhụy ngọt”.
Có những điều tưởng chừng như là số phận, đừng nên tìm mãi những cái đã thuộc về quá khứ: “Người đi tìm cái người đi trốn, người đi trốn cái người đi tìm/ Tình yêu từ những ngày xưa đã ngủ quên dưới tán cây im lìm”.
Có những câu vừa diễn tả tâm trạng, vừa hàm chứa ý nghĩa xã hội: “Ai đó đã chặt hết cây và cũng chẳng thấy vườn (chẳng thấy cây trong vườn)/ Ai đó đã xây một ngôi nhà rất to (chặt hết cây đi rồi)”. “Đắt” nhất vẫn là: “Niềm cô đơn của những người trưởng thành/ Là khi muốn trốn nhưng không ai tìm”, cùng ước muốn không bao giờ thành hiện thực: “Nhiều khi ta muốn ta được bé lại/ Để khi đi trốn có người đi tìm”.
Điều khiến Trốn tìm tạo sự đồng cảm mạnh nhất từ giới trẻ có lẽ là thông điệp bao trùm tác phẩm như nói thay nỗi lòng người trẻ vừa bước ra khỏi thế giới trong sáng để bước vào thế giới của người lớn và phải đương đầu với mọi thử thách cuộc đời.
Một hướng mới?
Rõ ràng sau một Trời hôm nay nhiều mây cực không thỏa nỗi mong chờ thì với Trốn tìm, Đen Vâu đã lại chiến trọn cảm tình của khán giả. Không cần dùng tới những từ gây ý kiến trái chiều như trong Anh đếch cần gì ngoài em, với chất nghệ thuật chứa đựng trong tác phẩm, Trốn tìm đã thuyết phục được giới chuyên môn. Không chỉ vậy, thông qua Trốn tìm còn thấy một Đen Vâu vừa quen vừa lạ.
Quen bởi chất liệu âm nhạc vẫn mang đặc trưng của Đen Vâu. Quen bởi cách thể hiện hình ảnh trong mỗi MV đều thống nhất trong sự riêng biệt. Lạ ở chỗ, MV mới này dù vẫn theo phong cách tối giản nhưng phần hình đã được chăm chút hơn, có nội dung câu chuyện. Trong MV, ngoài Đen Vâu đóng cái cây còn có thêm nhân vật nữ. Việc xuất hiện khách mời boyband MTV cũng là một cái lạ.
Những điều lạ này phải chăng báo hiệu giai đoạn mới của Đen Vâu, ở đó đầu tư hơn về nghệ thuật cũng như hình ảnh? Và biết đâu sự kết hợp với các nghệ sĩ cũng là một hướng đi? Biết đâu những lần sau sẽ là nghệ sĩ của nhiều dòng nhạc khác, dân ca hay thính phòng, nhạc đỏ? Tất nhiên điều đó chỉ Đen Vâu mới biết, nhưng có một điều chắc chắn, sự thú vị mang tên Đen Vâu vẫn còn tiếp diễn.
MV "Trốn tìm":
Điểm Cống hiến: 8,5/10
|
Nguyễn Quang Long