Liên hoan phim Quốc tế Berlin lần thứ 70: Đánh dấu một 'triều đại' mới

Thứ Tư, 19/2/2020, 8:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan phim Quốc tế Berlin (Berlinale) là một trong bộ ba liên hoan phim điện ảnh quan trọng nhất trong thế giới, bên cạnh Liên hoan phim Venice và Liên hoan phim Cannes. Diễn ra từ ngày 20/2 tới 1/3, LHP Berlin năm nay hứa hẹn mang nhiều điều mới mẻ tới cho khán giả và có phần đa dạng hơn trong phần tranh cử.

LHP Berlin 2019: Gấu vàng thuộc về phim của đạo diễn Israel

LHP Berlin 2019: Gấu vàng thuộc về phim của đạo diễn Israel

Chủ tịch Ban giám khảo Juliette Binoche đã trao giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Berlin 2019 cho "Synonymes", của đạo diễn người Israel - Nadav Lapid.

Nhân dịp lần thứ 70, Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Berlin muốn đánh dấu một “phiên bản” mới lạ. Đây là năm đầu tiên “tiếp quản” Berlinale của bộ đôi đạo diễn Mariette Rissenbeek (Giám đốc điều hành) và Carlo Chatrian (Giám đốc nghệ thuật).

Diễn ra muộn hơn và kéo dài hơn thường lệ

LHP Quốc tế Berlin lần đầu diễn ra tại Đức vào năm 1951, tới nay đã trải qua 70 năm tổ chức thường niên. Theo thông báo của ban tổ chức Berlinale, kể từ năm 2020, sự kiện điện ảnh lớn của châu Âu này sẽ diễn ra muộn hơn và kéo dài hơn thường lệ. Cụ thể, Berlinale từ trước tới nay đều được diễn ra trong khoảng thời gian 10 ngày (năm ngoái là từ 7 đến 17/2).

Nay, có 2 lý do dẫn đến quyết định thay đổi này của ban tổ chức.

Berlinale 2019 đã đánh dấu kết thúc 18 năm điều hành của cựu Chủ tịch Dieter Kosslick. LHP Quốc tế Berlin lần thứ 70 sẽ mở ra một “triều đại” mới, lần điều hành đầu tiên của Chủ tịch Carlo Chatrian (49 tuổi) cùng với bà Mariette Rissenbeek (64 tuổi). Carlo Chatrian là một nhà báo người Italy và là cựu giám đốc nghệ thuật của Liên hoan phim Thụy Sĩ Locarno.

Trang Variety cho biết, Carlo Chatrian sẽ mang phần lớn ê-kíp, ý tưởng và phong cách làm việc của ông tại LHP Locarno để thực hiện LHP Berlin. Không những vậy, vì đây là năm đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này, nên ông rất muốn tạo một điểm nhấn khác biệt cho nó.

Chú thích ảnh
Biểu tượng giải thưởng Gấu Vàng của LHP Quốc tế Berlin

“Đó thực sự là một vinh dự rất đặc biệt đối với chúng tôi, trên cương vị là giám đốc mới trực tiếp chỉ đạo cho một sự kiện kỷ niệm tuyệt vời và quan trọng như vậy. Chúng tôi mong muốn tiếp tục giữ Berlinale như một lễ hội cho công chúng và cho cả Berlin, chúng tôi đang đối mặt với nhiều thách thức cùng những ý tưởng mới mẻ. Berlinale lần thứ 70 này nên bắt đầu cùng nhiều sự tương tác hơn với các địa điểm và tổ chức văn hóa khác” - ông Carlo Chatrian chia sẻ.

Vì lý do này, một loạt các sự kiện đã và đang được diễn ra vào nửa đầu tháng 2 vừa qua, như một phần tiền khai mạc của LHP lớn nhất châu Âu. Cụ thể như triển lãm Theatre of Cinemas (11/2) với tác giả, nhà triết học, đạo diễn học thuật và điện ảnh người Đức - Alexander Kluge. Thảo luận “Liên hoan phim để làm gì?” (12/2); chiếu phim và trò chuyện với đạo diễn từng giành giải Gấu Vàng (2004) - Fatih Akin (17/2); ra mắt phim của nhà văn, nhà làm phim Oleg Sentsov (18/2) và đối thoại “On Transmission” (21-27/2). Những sự kiện này sẽ mang đến cái nhìn bao quát từ quá khứ, tới hiện tại và cả tương lai của điện ảnh với trọng tâm đặc biệt về Berlinale.

Cùng với đó, lễ trao giải Oscar cũng là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khai mạc của LHP này. Tháng 8 năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ công bố sẽ tổ chức lễ trao giải Oscar 2020 sớm (ngày 9/2 vừa qua, sớm hơn 2 tuần so với thường niên). Điều này dẫn đến việc “đụng chạm” khá gay cấn với Berlinale, buộc Ban tổ chức phải lùi lịch và quyết định kéo dài thời gian lên đến 11 ngày. Đây cũng được cho là một dấu ấn mới mẻ của Berlinale “dưới tay” ông Carlo Chatrian.

Đa dạng trong tranh cử Gấu Vàng và Gấu Bạc

Có thể nói Berlinale là “thiên đường” dành cho những khán giả yêu thích điện ảnh trên khắp thế giới. Với hơn 400 bộ phim thuộc mọi thể loại, thời lượng và định dạng được trình chiếu, cùng với một loạt các sự kiện kể trên, chắc chắn sẽ thỏa mãn được cơn “thèm” nghệ thuật điện ảnh của mọi khán giả.

Chú thích ảnh
Kim Min Hee nhận giải Gấu Bạc cùng người tình Hong Sang Soo tại LHP Quốc tế Berlin 2017

Nổi bật hơn cả tại Berlinale 2020, cuộc tranh tài của 18 bộ phim đang khiến nhiều người mong chờ nhất. Con số này cao hơn 2 bộ phim nếu so với năm 2019. Cùng tranh giải Gấu Vàng và Gấu Bạc Berlinale năm nay có sự tham gia của nhiều bộ phim chính kịch (drama film) - thường tập trung nói về cuộc đời hoặc một giai đoạn trong cuộc đời của nhân vật chính. Tuy nhiên, sự đa dạng của nó còn ở chỗ, 18 bộ phim không chỉ đến từ châu Âu mà còn từ châu Phi, châu Mỹ và châu Á.

Năm nay có sự góp mặt của phim The Woman Who Ran của đạo diễn Hong Sang Soo (Hàn Quốc), phim There Is No Evil của nhà làm phim Mohammad Rasoulof (Iran). Bộ phim Irradiated của đạo diễn Rithy Panh (Campuchia) cùng với phim Days của đạo diễn Tsai Ming-liang (Đài Loan, Trung Quốc) đều là những tác phẩm của điện ảnh châu Á nhận được lời mời tranh giải năm nay. Vì diễn biến căng thẳng của “đại dịch” Covid-19 tới từ Trung Quốc, nên LHP Berlin khá hiếm phim từ Đại lục. Chỉ có duy nhất Swimming Out Till The Sea Turns Blue của đạo diễn Giả Chương Kha (Trung Quốc), nhưng không nằm trong danh sách tranh giải mà ở danh sách Berlinale Special.

Vừa qua, làm chấn động toàn cầu là thành công vang dội của bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) với 4 chiến thắng quan trọng tại Oscar 2020. Điều này khiến người dân Hàn Quốc rất tự hào, đến nay The Woman Who Ran của Hong Sang Soo cũng đang được kỳ vọng rất nhiều. Đây là tác phẩm tiếp theo do người tình của ông - nữ diễn viên Kim Min Hee thủ vai chính. Trước đó, Kim Min Hee từng thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Berlin 2017 nhờ vai diễn trong On The Beach At Night Alone, cũng do Hong Sang Soo làm đạo diễn. Nếu thắng cử, đây sẽ là một năm “đại thắng” của ngành điện ảnh Hàn Quốc trên thị trường quốc tế.

Danh sách phim tranh giải tại LHP Quốc tế Berlin 2020

All the Dead Ones (của Caetano Gotardo và Marco Dutra)

Bad Tales (của Damiano D'Innocenzo và Fabio D'Innocenzo)

Berlin Alexanderplatz (của Burhan Qurbani)

DAU. Natasha (của Ilya Khrzhanovskiy và Jekaterina Oertel)

Days (của Tsai Ming-liang)

Delete History (của Benoît Delépine và Gustave Kervern)

First Cow (của Kelly Reichardt)

Hidden Away (của Giorgio Diritti)

Irradiated (của Rithy Panh)

My Little Sister (của Stéphanie Chuat và Véronique Reymond)

Never Rarely Sometimes Always (của Eliza Hittman)

Siberia (của Abel Ferrara)

The Intruder (của Natalia Meta)

The Roads Not Taken (của Sally Potter)

The Salt of Tears (của Philippe Garrel)

The Woman Who Ran (của Hong Sang Soo)

There Is No Evil (của Mohammad Rasoulof)

Undine (của Christian Petzold)

Thành Quách

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến