(Thethaovanhoa.vn) - Dịch Covid-19 đang khiến các hoạt động văn hóa trên thế giới phải chịu hậu quả nặng nề. Tất nhiên, các rạp chiếu phim cũng không phải là ngoại lệ.
Rạp chiếu phim Megabox nổi tiếng ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vốn nhộn nhịp là thế trong mỗi dịp cuối tuần, giờ bỗng trở nên im ắng lạ thường, xung quanh không một bóng người lai vãng.
Và chúng ta thử quan sát thực tế này tại Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia có thị trường điện ảnh lớn, nhưng đang là tâm điểm của đại dịch.
Ngành kinh doanh 15 tỷ USD của Mỹ đang “đóng băng”
Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia - khi cơ quan y tế Mỹ đã ghi nhận hơn 43.000 ca nhiễm và hơn 500 trường hợp tử vong, tính đến ngày 23/3. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp điện ảnh và kinh doanh rạp chiếu tại đây.
Chính vì lý do này, Đảng Cộng hòa đã đề xuất một gói cứu trợ kinh tế nhằm “bảo vệ” cho hàng triệu người lao động Mỹ trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, dự luật này đề ra 1.800 tỷ USD cấp cho các hộ gia đình, hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở y tế đang thiệt hại và thiếu thốn trầm trọng. Được biết, các hệ thống rạp chiếu phim tại Mỹ đóng cửa gây ra tổn thất nghiêm trọng nên rất cần nguồn trợ giúp này.
Chia sẻ với tạp chí Variety, Tổng giám đốc của Hiệp hội chủ sở hữu các rạp chiếu Quốc gia (NATO) - John Fithian cho biết nếu: gói cứu trợ kinh tế gần 2 nghìn tỷ USD này không được thông qua thì nhiều cụm rạp sẽ có nguy cơ phá sản. “Chỉ sau một thời gian ngắn, từ một ngành công nghiệp kiếm được 15 tỷ USD mỗi năm, trong đó 11 tỷ USD từ tiền bán vé và 4 tỷ USD từ các thỏa thuận, chúng ta đang sắp sửa có một ngành công nghiệp không thu được xu nào trong 3 hoặc 4 tháng nữa” – John nhấn mạnh.
Người đứng đầu NATO cho biết, hiện tại, hầu hết các rạp chiếu đang phải “vật lộn” để duy trì mà không có bất kỳ nguồn thu nhập nào. Giải pháp sa thải nhân viên cũng không “ăn thua”, bởi những rạp chiếu này vẫn phải trả tiền thuê đất và các tiện ích khác. Và theo lời ông, họ có thể phải đối mặt với việc phá sản nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ. Thực tế, nhiều chuỗi rạp chiếu như AMC Theatres, Regal Cinemas và Cinemark... đều đã đóng cửa khắp cả nước.
Thêm vào đó, các bộ phim bom tấn được ra mắt hàng năm vẫn là nguồn thu chính của các rạp chiếu. Nhưng các hãng sản xuất phim đã chọn cách hoãn công chiếu vô thời hạn nhiều bộ phim để tránh tổn thất về doanh thu. “Tình hình hiện giờ rất khốc liệt” - John Fithian khẳng định.
Và sức ép đã càng thêm nặng nề khi gói cứu trợ cuối cùng vẫn không được thông qua với 47 phiếu thuận và 47 phiếu chống.
Trung Quốc dần “phục hồi” thời hậu đại dịch
Trung Quốc là quốc gia từng có hơn 80.000 ca nhiễm bệnh. Tại đây, Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) cũng đưa ra thông báo tới các công ty sản xuất phim và truyền hình nhằm tạm dừng tất cả các dự án. Các rạp chiếu phim Trung Quốc cũng buộc phải đóng cửa để “chống chọi” với đại dịch.
Dù vậy, trái ngược với Mỹ, quốc gia đông dân nhất thế giới đang dần ở vào giai đoạn “hậu đại dịch” – khi có hơn 70.000 ca nhiễm đã điều trị khỏi hoàn toàn, và chỉ còn lại hơn 5.000 ca vẫn dương tính. Trong ngày 23/3, Trung Quốc chỉ nhận thêm 39 ca bệnh mới trong khi Mỹ tăng 10.168 ca và Italy tăng gần 4.700 ca.
Do vậy, hơn 500 rạp chiếu phim Trung Quốc đã hoạt động trở lại sau khoảng thời gian dài “đóng băng”. Theo tạp chí Variety, thứ 6 tuần qua, đã có 486 cụm rạp mở cửa lại. Con số đã tăng lên 507 cụm rạp vào đầu tuần này. Tuy chỉ chiếm 5% trong tổng số các rạp chiếu đã đóng cửa, đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng cho ngành kinh doanh của nước này.
Theo nguồn thông tin từ công ty bán vé Maoyan, các rạp chiếu tái hoạt động chủ yếu nằm ở 5 tỉnh: Tân Cương, Sơn Đông, Tứ Xuyên, Phúc Kiến và Quảng Đông. Tuy nhiên, đến cuối tuần qua, tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc chỉ vỏn vẹn dưới 2.000 USD. Tại Phúc Kiến và Quảng Đông, các rạp đã không bán được một vé nào bởi người dân vẫn còn lo lắng khi đi đến nơi đông người.
Các phim đang được chiếu tại Trung Quốc hầu hết là những phim nổi tiếng đã từng ra mắt. Đáng kể như bộ phim kinh dị tội phạm Sheep Without A Shepherd (2019) - đang dẫn đầu phòng vé, theo Maoyan. Thêm vào đó, tuần qua, hãng sản xuất Warner Bros. cũng thông báo sẽ ra cho ra mắt phim Harry Potter Và Hòn Đá Phù Thủy (2001), nhưng ở định dạng 3D và 4K tại Trung Quốc. Tuy chưa ấn định ngày ra mắt, nhưng đây là động thái tích cực trong việc hồi phục thị trường quan trọng của lĩnh vực điện ảnh.
Người Đức yêu cầu “dứt khoát” với các hoạt động văn hóa
Việc phong tỏa các hoạt động thu hút đông người được xem là phương án đẩy lùi sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19. Do vậy, tại Đức, một số nhà làm phim và diễn viên đang lên tiếng yêu cầu chính phủ tạm dừng tất cả các hoạt động quay phim.
Dù vậy, việc quay phim vẫn đang được cho phép, nhưng chỉ dừng lại ở những trường quay trong nhà. Không bằng lòng với điều này, đạo diễn người Đức Markus Goller đã chia sẻ một bức thư với mong muốn dừng các hoạt động quay phim. “Xin hãy dừng ngay mọi hoạt động quay phim tại Đức ngay lập tức! Nếu nhà cầm quyền không có những hành động dứt khoát và ngăn chặn nó, thì nghĩa là những nhà làm phim đang làm những điều trái với lương tâm và đạo đức”.
Bên cạnh đó, một nữ diễn viên người Đức có tên Katja Riemann cũng chia sẻ trên mạng xã hội những mong muốn tương tự để tránh lây lan dịch bệnh. “Thật điên rồ khi việc quay phim vẫn đang tiếp tục được diễn ra trong khi một số thành phố và thị trấn tại Đức đã thực hiện lệnh cách ly” - Katja Riemann viết trên Instagram – “Tôi mong rằng các nhà cầm quyền sẽ ra lệnh cấm quay phim trên toàn quốc. Như vậy, các nhà làm phim có thể để nhân viên của họ được về nhà với gia đình và cùng nhau chung tay bảo vệ xã hội”.
|
Thành Quách (tổng hợp)