(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà hoạt động vì nữ quyền của Pháp đã lên án mạnh mẽ về một bức thư ngỏ có chữ ký của huyền thoại điện ảnh Pháp Catherine Deneuve và hơn 100 nhân vật nổi tiếng khác, trong đó tranh luận rằng #MeToo, trào lưu có sự hưởng ứng của nhiều phụ nữ nhằm phản đối nạn quấy rối ở Hollywood, đã đi quá xa.
1. Bức thư ngỏ này được đăng tải trên tờ Le Monde của Pháp vào hôm 9/1, trong đó nêu rằng đàn ông đã trở thành mục tiêu một cách đầy bất công của những cáo buộc về hành vi không đứng đắn. Quyền "quấy rầy" phụ nữ của đàn ông là một sự tự do giới tính cơ bản.
"Hiếp dâm là một tội ác, song tán tỉnh, thậm chí là liên tục hoặc vụng về và cục cằn không phải là tội ác khủng khiếp. Người đàn ông thể hiện sự ga-lăng cũng không thể coi là tội phạm. Chúng tôi bảo vệ sự tự do "quấy rầy", việc thể hiện tự do giới tính là không thể thiếu được" - nội dung trong bức thư ngỏ có chữ ký của nhiều nghệ sĩ trình diễn nổi tiếng, học giả, nhà văn và nhân vật danh tiếng khác ở Pháp.
Bức thư này còn tranh luận rằng đang xuất hiện một chủ nghĩa "đạo đức" mới trên thế giới, rằng trào lưu #MeToo đã tạo nên một chủ nghĩa nữ quyền mang hình thức "hận thù đàn ông và tình dục", mà khởi nguồn là những cáo buộc tấn công tình dục của ông trùm sản xuất Hollywood Harvey Weinstein. Bức thư còn chỉ trích về "chủ nghĩa thuần khiết" mà trào lưu này tạo ra.
"Phụ nữ có thể đủ mạnh để không bị tổn thương bởi những kẻ sàm sỡ" - bức thư viết và mô tả bầu không khí ở Hollywood kể từ khi bê bối của ông trùm sản xuất Weinstein bị phanh phui. "Nhiều người đã bị trừng phạt, đã buộc phải thôi việc hoặc bị sa thải khi họ chỉ chạm vào đầu gối hoặc cố gắng hôn trộm ai đó".
Bức thư ngỏ còn viết rằng, mặc dù việc này là bất hợp pháp và cần thiết được nói ra để chống lại việc lạm dụng quyền lực của nam giới, nhưng các tố cáo liên tục dường như vượt ra khỏi tầm kiểm soát, điều này tạo ra một tâm lý chung mà theo đó, phụ nữ bị nhìn nhận như là những người không có quyền lực, là những nạn nhân vĩnh viễn.
"Là phụ nữ, chúng ta còn không nhận ra bản thân trong chủ nghĩa nữ quyền này, nó vượt xa khỏi việc tố cáo việc lạm dụng quyền lực, gây ra thù hận nam giới và tình dục" - bức thư viết.
2. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì bình quyền phụ nữ ở Pháp đã nhanh chóng lên tiếng phản đối bức thư ngỏ này, cáo buộc những người ký tên đang tầm thường hóa nạn quấy rối tình dục.
"Với bức thư ngỏ này họ đang cố gắng xây lại một bức tường im lặng mà chúng ta đã phá bỏ. Những người ký vào bức thư này là những người phạm lại (tội) bảo vệ những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em, như đạo diễn Roman Polanski, người đã trốn tránh ở Pháp trong hàng chục năm qua sau vụ cưỡng dâm một bé gái 13 tuổi hồi năm 1977" - một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Pháp viết trong bức thư được đăng trên trang web franceinfo.
Trên trang mạng xã hội, nhiều nhân vật khác cũng tức giận bày tỏ về bức thư ngỏ. "Catherine Deneuve có thể có những quan điểm khác về quấy rối nếu như bà không phải là một phụ nữ da trắng vô cùng xinh đẹp, vô cùng giàu có, được sống với nhiều đặc ân. Hãy có chút cảm thông đi" - Colleen Doran, họa sĩ của tờ New York Times viết trên trang Twitter.
Nhà văn Laila Lalami còn chua cay hơn và cho rằng "suy nghĩ như vậy là lời giải thích rõ ràng nhất để hiểu tại sao những "yêu râu xanh" như nhà làm phim Roman Polanski, Woody Allen và Harvey Weinstein có thể tiếp diễn hành động của họ trong hàng chục năm. Liệu Catherine Deneuve có vội vàng bảo vệ những người đàn ông từng cố gắng hôn trộm mình nếu như đó là những người đàn ông Bắc Phi?".
"Nữ hoàng" truyền thông Oprah Winfrey được tán thưởng
Bức thư ngỏ này khiến Deneuve đi ngược lại với nhiều tiếng nói trong nền điện ảnh. Chỉ vài ngày trước khi bức thư được công bố, nhiều ngôi sao Hollywood đã đoàn kết ủng hộ các nạn nhân bị quấy rối bằng việc mặc đồ đen xuất hiện trên thảm đỏ lễ trao giải Quả cầu Vàng 2018.
Trong khi đó, "Nữ hoàng" truyền thông Oprah Winfrey đã được tán thưởng với bài phát biểu khi bà lên nhận giải Quả cầu Vàng Cecil B. DeMille Thành tựu trọn đời.
Trong bài phát biểu này, Winfrey ca ngợi những người phụ nữ đã dám nói ra những câu chuyện mình bị lạm dụng như thế nào và khẳng định "một ngày mới đang ở đường chân trời".
"Trong một thời gian dài, phụ nữ không được tin tưởng nếu như họ dám nói sự thật. Điều ấy đến từ quyền lực của những người đàn ông. Nhưng thời điểm của họ đã tới" - Winfrey nói trong bài phát biểu.
|
'Indochine' (Đông Dương) là bộ phim khiến bà rất dỗi quen thuộc với khán giả Việt Nam. Tháng 11 này, 'Nữ hoàng băng giá' Deneuve là khách mời tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 năm 2016.
Việt Lâm (tổng hợp)