(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan hát then - đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái toàn quốc lần thứ 5 được tổ chức tại Tuyên Quang vừa kết thúc, như tạo thêm một sức sống mới cho nghệ thuật dân gian đặc sắc này khi có tới 70 tiết mục của 13 tỉnh, thành phố tham dự. Thực tế hát then luôn có sức sống riêng của nó.
1. Từ xưa, khi nhắc tới hát then người ta thường nghĩ tới Cao Bằng và Lạng Sơn. Không biết có phải là “vùng lõi” hay không nhưng then của hai địa phương này dường như đã vượt ra khỏi không gian văn hóa để đến với khán thính giả cả nước từ hàng chục năm trước đây.
Tôi có một sự lạc quan cho then khi thấy mô hình bảo tồn và phát triển then có những nét tương tự như quan họ. Đó là một sự kết hợp hài hòa giữa dân gian và đưa then lên chuyên nghiệp.
Ngay từ những năm 1960-1970 ở vùng Kinh Bắc đã có những sự thúc đẩy để quan họ trở thành một nghệ thuật ca hát dân gian chuyên nghiệp khi đoàn dân ca quan họ Hà Bắc được thành lập.
Nghệ nhân Hà Bảo Cao, đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Tuyên Quang biểu diễn bài "Cúng Then". Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Trong bối cảnh khi ấy, nhiều lễ hội truyền thống gắn với tục hát quan họ ở vùng Kinh Bắc dần bị lãng quên do những lý do khách quan và cả chủ quan, thì việc xuất hiện một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để giữ lại vốn quý của quê hương và phát triển nó lên thêm một bước chuyên nghiệp là một đóng góp đáng được ghi nhận. Với then cũng tương tự. Từ hàng thập niên trước đây người ta đã quen với hình ảnh những cô gái Tày mặc trang phục dân tộc đứng thành hàng tay cầm đàn tính miệng hát. Cách đàn tương đối đơn giản, chỉ vài âm lúc đệm cho hát và ở những câu nhạc dạo thì có giai điệu phong phú hơn.
Trong khi mặc dù các câu nhạc có nhiều cao độ khác nhau nhưng cách hát cũng không quá phức tạp, hát đồng bè và chủ yếu giai điệu rất bình ổn. Ngoài cách hát này, then còn có thể hát đôi, hát đơn… Cái đẹp của hát then chính là ở sự giản dị nhưng lại mở ra một không gian mênh mông, một cảm giác phóng khoáng, chân thành.
2. Hát then là một trong những “đặc sản” của các đoàn nghệ thuật và hệ thống các nhà văn hóa khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Đông Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang… nên loại hình âm nhạc đặc sắc này còn có một đội ngũ nghệ sĩ tương đối đang hoạt động.
Tuy nhiên, chuyên nghiệp chỉ là phần nổi của cả một nghệ thuật hát then trải dài trong nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và cho tới thời điểm này vẫn đang còn hiện hữu trong đời sống tinh thần mang yếu tố tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Nó giống như một chỗ dựa tinh thần đối với đồng bào. Thậm chí, hát then còn được dùng để thực hiện các nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời, cầu mong được khỏe mạnh, cuộc sống bình yên…
Trong một cuộc thực hành nghi lễ, người thực hành hát then (gọi là bà then hoặc ông then) phải thành thục tất cả các khâu như đàn, hát, gõ nhịp, múa và phải thành thạo cả nội dung các bài cúng…
Nói cách khác, nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật thì người thực hành hát then trong dân gian xứng đáng là một nghệ sĩ đa năng tài năng. Vì thế họ rất được coi trọng trong cộng đồng. Song, muốn thực hành hát then phải trải qua một quá trình học tập, phải được sự đồng ý của các bậc thầy trong nghề và chỉ chính thức được hành nghề khi đã hoàn thành lễ cấp sắc. Và trong dân gian thường nó còn mang yếu tố kế thừa trong một số gia đình.
Dẫu thế, cũng như hầu hết các nghệ thuật truyền thống khác, hát then đang đứng trước nguy cơ mai một trong đời sống hiện đại, trong xã hội thông tin, trong cơn bão truyền hình và công nghệ số đã tràn về tới tận các làng bản, tràn vào mỗi gia đình.
Vì thế, việc bảo tồn hát then là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Thiết nghĩ với then, cách bảo tồn hữu hiệu nhất là kết hợp hài hòa giữa dân gian và yếu tố chuyên nghiệp. Việc tổ chức các Liên hoan hát then, đàn tính chính là mô hình chuyên nghiệp hóa yếu tố dân gian của hát then. Nhìn vào con số đoàn, tiết mục và diễn viên tham gia ở Liên hoan vừa rồi cho thấy hướng bảo tồn hát then đang phát huy được hiệu quả.
Nguyễn Quang Long (nhạc sĩ)
Thể thao & Văn hóa