Đen Vâu khéo nịnh

Thứ Tư, 2/2/2022, 14:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đi về nhàMang tiền về cho mẹ là hai MV được Đen Vâu trình làng trong hai năm liên tiếp đúng vào mùa Tết. Là rapper đình đám nhất hiện nay, đương nhiên hai sản phẩm đều được đón nhận nồng nhiệt và những ngày này Mang tiền về cho mẹ còn đang trở thành “viral” (lan truyền của giới trẻ).

MV 'Mang tiền về cho mẹ' của Đen lấy nước mắt những người con xa xứ

MV 'Mang tiền về cho mẹ' của Đen lấy nước mắt những người con xa xứ

Tối 29/12, Đen đã chính thức phát hành sản phẩm âm nhạc Mang tiền về cho mẹ.

Thực ra, với người viết Đen Vâu là một rapper rất khéo nịnh. Nhân tiết Xuân ngày rộng tháng dài, thử “bóc” nam rapper này ở góc độ nịnh xem sao!

Nịnh mẹ

Mang tiền về cho mẹ, nghe có vẻ hơi thực dụng nhưng nó hàm chứa nhiều ý nghĩa. Câu mở đầu bài cũng chính là tên của ca khúc: “Mang tiền về cho mẹ”. Câu này được hát 3 lần như thêm phần khẳng định trước khi xuất hiện ca từ tiếp theo: “Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Ngay sau đó, toàn bộ câu hát được lặp lại với ca từ y chang thêm một lần nữa rồi mới tới sự xuất hiện của những ca từ tiếp theo.

Những phần ca từ tiếp theo là kể về những hy sinh của mẹ để có thể nuôi con khôn lớn, chắp cho con đôi cánh để bay đi thật xa. Ở đó là những tháng ngày nghèo khó, vất vả, mẹ đổ những giọt mồ hôi để ta có bữa cơm hàng ngày. Cũng có những đoạn gợi lên những hình ảnh về những kỷ niệm không thể thay thế “Tiếng nói đầu tiên là do ai dạy? (Chính là mẹ)/ Nét chữ đầu tiên là tay ai cầm? (Chính là mẹ)/ Sai lầm đầu tiên là nhờ ai sửa (Chính là mẹ)/ Vấp ngã đầu đời là được ai nâng (Luôn là mẹ)”...

Chú thích ảnh
Đen Vâu trong “Mang tiền về cho mẹ”

Cho nên Mang tiền về cho mẹ cũng tựa như một lời tri ân dành cho mẹ của những đứa con đã rời xa vòng tay mẹ mình. Đồng thời nó cũng nói thay cho những người con về quyết tâm thành người để mẹ cha được yên lòng. Có lẽ cũng vì vậy mà ngay lập tức, Mang tiền về cho mẹ tạo trend trên mạng xã hội.

Câu hát đầu tiên của bài đã tạo viral mạnh mẽ. Đồng thời cũng tạo nên những ý kiến trái chiều. Một họa sĩ cho rằng: “Không cần phải mang tiền cho mẹ và cũng không được mang ưu phiền về cho mẹ mới là chuẩn”. Họa sĩ bạn tôi nói thêm: “Nhiều người mệt mỏi, tàn tạ vì gánh nặng mang tiền về cho gia đình và không ít gia đình không chịu làm gì cứ ngồi ngóng tiền con cái gửi về”.

Đúng thực tế có những trường hợp như vậy. Thậm chí không chỉ một mà có khi nhiều. Song, cũng phải khẳng định ngay số người nằm ở trường hợp như vậy chỉ là một phần hết sức nhỏ nếu so với những người được mẹ lo lắng, yêu hơn chính bản thân. Đồ rằng, mỗi đấng sinh thành khi nuôi con đến một độ tuổi nhất định đều nghĩ tới chuyện làm ăn tích cóp để sau này có một chút của nả cho con xây dựng tương lai.

Thôi thì nói đùa theo kiểu dân gian là “vác được cái xác về là vui rồi”. Đấy là đống tiền đống của của mẹ chứ còn đâu nữa. Cho nên Đen Vâu giỏi nịnh mẹ, cũng giỏi nịnh những người con là thế.

MV "Mang tiền về cho mẹ":

Nịnh gia đình

Mang tiền cho mẹ với Đi về nhà cùng một mô-típ nội dung hướng về gia đình. Trong đó, bài ra đời sau như là một sự nối dài của bài ra đời trước. Thông điệp của Đi về nhà thể hiện rõ ngay từ cái tên bài.

Nhà là gia đình của mỗi chúng ta. Ở đó có những người yêu thương ta nhất, có bố có mẹ, có ông bà, có anh chị em ruột thịt, có họ hàng gần xa. Nhà là nơi ta sinh ra, là cả thế giới tuổi thơ đẹp đẽ, là cả trách nhiệm ta mang theo trong suốt hành trình cuộc đời. Vì thế mà nhà quan trọng và thiêng liêng. Đen Vâu đã chọn nhà, tức là chọn vào điều gần gũi nhất với tất cả mọi người trên thế gian này.

Nhà trong mắt Đen Vâu được thể hiện rõ ở ca từ của bài rap Đi về nhà. Theo đó, anh khẳng định nhà chính là trái tim. Có nghĩa nhà là tất cả tình yêu thương. Mở đầu bài rap giai điệu bắt tai, ca từ rất ngọt: “Đường vào nhà là vào tim ta/ Dẫu nắng mưa gần xa/ Thất bát vang danh/ Nhà vẫn luôn chờ ta/ Đường về nhà là vào tim ta/ Dẫu có muôn trùng qua/ Vật đổi sao dời/ Nhà vẫn luôn là nhà”.

Chú thích ảnh
Đen Vâu và JustaTee (phải) trong “Đi về nhà”

Đoạn này được sử dụng làm chất liệu chính xuyên suốt tác phẩm. Ngoài mở đầu, nó còn xuất hiện ở kết thúc và 2 lần trong thân bài. Sự xuất hiện dày đặc khẳng định giá trị quan trọng của nhà. Đan xen giữa những lần nhắc lại là phần phát triển nội dung, khi con người ta lớn lên sẽ lao ra khỏi nhà để tìm kiếm cơ hội. Khi đứng trước những khó khăn thử thách, những cám dỗ thì có những giá trị nằm sẵn trong tim giúp ta có thể vượt qua. Cho nên sướng vui buồn khổ đều có nhà ôm ấp, chở che.

Rõ ràng trong xã hội ngày nay, tính hướng ngoại đang là một xu hướng, người trẻ ngày càng có sự độc lập, sống cách xa gia đình, những giá trị truyền thống cũng dần phai nhạt. Những ngày Tết hiện nay, nhiều gia đình trẻ chọn đón tết bằng một tour du lịch... Tất cả những điều đó thể hiện sự phát triển của xã hội nhưng nó khiến cho giá trị gia đình có những thay đổi. Quan niệm về Tết cũng giảm bớt đi độ đậm đặc mang tên sum vầy cùng cả gia đình hướng về tổ tiên. Vì thế, sự xuất hiện của một số ca khúc đại chúng dành cho giới trẻ đề cao yếu tố gia đình rất được lòng bậc làm cha làm mẹ, những bậc cao niên trong gia đình như ông bà, chú bác... Đồng thời là lời khẳng định giá trị của gia đình đối với người trẻ.

Nói Đen Vâu khéo nịnh gia đình là thế!

MV "Đi về nhà":

Nịnh cũng phải biết cách

Hiệu quả nịnh của Đen Vâu được tạo nên bởi cách chọn và triển khai đề tài. Viết ca từ ấn tượng lại dễ hiểu, ý nghĩa, đánh trúng tâm lý người nghe là một thế mạnh được thể hiện rõ cả trong Đi về nhàMang tiền về cho mẹ.

Góp phần tạo ấn tượng mạnh cho ca từ, đẩy thông điệp của bài lên đến cao trào, tạo sự lan tỏa rộng khắp còn phải kể tới phần âm nhạc. Cùng một tác giả, vẫn là những bài rap nhưng mỗi bài lại có những nét riêng và ẩn chứa những cái mới.

Chú thích ảnh
Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Đi về nhà có sự tham gia của JustaTee, một nghệ sĩ theo đuổi thể loại Melodic. Khi kết hợp giữa thế mạnh âm nhạc của hai nghệ sĩ đã tạo thành một bản nhạc rất mới, tạm gọi là Melodic Rap. Màu sắc nổi bật của bài là smooth, nó “gợi tới sự trẻ trung, tạo cảm giác trơn tru, bằng bằng như băng băng trên đường vậy”, “nếu producer biết điều này hay vô tình có ý đồ này thì quá đỉnh” - nhạc sĩ chuyên hòa âm nhạc điện tử Nguyễn Tân Châu chia sẻ như vậy. Anh hào hứng nghĩ: “Trên đường đi về nhà mà đút tai nghe và hát Đi về nhà thì quá đi phượt rồi còn gì”.

Mang tiền về cho mẹ có nét tương đồng với Hongkong, mang màu sắc âm nhạc R&B và thể hiện hòa âm màu 90s (thập niên 1990). Không chỉ đang hot trong âm nhạc, màu 90s này còn đang rất được giới nhiếp ảnh ưa chuộng. Việc triển khai bài rap với màu sắc này là ý đồ nhằm để tạo màu kỷ niệm. Trong khi ở đoạn sau của bài chuyển điệu sang Trap thể hiện sự cứng cáp, chắc chắn và quyết tâm.

Có thể nói, về cơ bản cả Mang tiền về cho mẹĐi về nhà đều có kết cấu khá chặt cả về màu sắc âm nhạc đến nội dung ca từ và bố cục tác phẩm.

Vĩ thanh

Nịnh không hề xấu miễn nó được đặt đúng bối cảnh và mang những mục đích tốt đẹp. Nhất là khi nịnh những điều thiêng liêng nhất của cuộc đời mỗi chúng ta là mẹ, là cha, là gia đình thì rất đáng chứ, tại sao không? Tuy nhiên, nịnh cũng phải biết cách nịnh nếu không muốn biến người nịnh trở nên vô duyên và nói xạo.

Với người viết, những lời có cánh và những khẳng định vị trí của mẹ cha, gia đình mà Đen Vâu thể hiện thông qua Mang tiền về cho mẹ Đi về nhà góp cho lòng người thêm phần ấm áp, yêu thương nhau hơn. Nó cần cho cuộc sống này.

Mang tiền về cho mẹ có nét tương đồng với Hongkong, mang màu sắc âm nhạc R&B và thể hiện hòa âm màu 90s (thập niên 1990)

Điểm

Đi về nhà: 8,3/10

Mang tiền về cho mẹ: 7,9/10

Nguyễn Quang Long
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến