Với bộ phim điện ảnh Kẻ đào mồ, đạo diễn Công Hậu đã thử sức với đề tài có chút yếu tố ma mị, lấy bối cảnh thời Pháp thuộc, với 2 tháng quay tại Việt Nam và 6 tháng làm hậu kỳ tại Ấn Độ. Nữ chính do Trương Thị May thủ vai là một cô gái làm công việc lao công ở nghĩa trang bên người mẹ mắc bệnh cùi (phong).
Ngày 2/3 tới, "Giấc mộng giàu sang" - phim nhựa đầu tay của Công Hậu - sẽ công chiếu, đánh dấu một lối đi mới của diễn viên này, kể từ lúc vào nghề năm 1989.
Phim vừa công chiếu trên toàn quốc từ ngày 1/7. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với đạo diễn Công Hậu về bộ phim có kinh phí đầu tư khoảng 15 tỷ đồng này.
* Với kinh phí 15 tỷ đồng, con số không phải nhỏ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi nhiều phim Việt đã chịu cảnh lỗ nặng. Anh có bị áp lực nhiều không trong vai trò là một đạo diễn?
- Công Hậu từng có 33 năm là diễn viên song hành cùng nghề đạo diễn. Áp lực nhất với Công Hậu chính là với kinh phí nhà sản xuất đưa ra, mình phải biết cách thu vén sao cho vừa đủ, không phát sinh, gây lạm chi.
* Nhưng doanh thu phòng vé cũng là một yếu tố sống còn. Phim “Kẻ đào mồ” được quay trong bao lâu? Cảnh quay nào trong phim làm khó anh nhiều nhất? Yếu tố ma mị toát lên từ tên phim, nhưng liệu đã đủ thuyết phục những khán giả mê phim kinh dị?
- Phim được quay trong 2 tháng và hậu kỳ được làm bên Ấn Độ gần 6 tháng. Khó khăn nhất là đoàn phim phải chọn cho được nghĩa trang thật giống thời Pháp thuộc. Khi tìm được nghĩa trang Tà Nung (Đà Lạt), đoàn phim đã làm việc ròng rã từ 19h tối đến 4h sáng hôm sau, suốt nhiều tuần. Nhiều cảnh ma mị không chỉ gặp trong phim, mà còn gặp ở nghĩa trang này.
Cái khó thứ hai, là đoàn làm phim phải quay ở khu đồi Cát, ở Bàu Trắng (Bình Thuận). Cả đoàn phim 120 người phải kéo, vác máy móc thiết bị vô những sa mạc cát lún rất khó đi, trong thời tiết nắng nóng gần 40 độ.
* Phim lấy bối cảnh thời Pháp thuộc, nói về nỗi bất hạnh của hai mẹ con bị phong (cùi) dọn vệ sinh ở nghĩa trang. Trương Thị May diễn một vai nội tâm, bí hiểm, khá “nặng ký”. Vì sao anh lại chấm May - một diễn viên tay ngang - mà không phải một nữ chính nào khác?
- Vai diễn mà Trương Thị May thủ vai đòi hỏi nội tâm sâu lắng và ý chí, nghị lực mạnh mẽ. Một người con gái có tâm hồn thanh cao, hiếu hạnh với mẹ đẻ của mình trong hoàn cảnh khốn cùng. Trương Thị May ngoài đời ăn chay trường, sống hiếu thảo với mẹ rất mực. Bằng con mắt của một đạo diễn, tôi nhận thấy May phù hợp với vai diễn này.
* Phim truyền tải thông điệp về lòng hiếu thảo, tình yêu thương, nhưng lại lấy đề tài ma mị như lớp màng bao bọc giá trị thật sự của cốt truyện. Nỗi sợ hãi bao trùm cả nghĩa trang vì những hài cốt bị đào trộm để cướp vàng bạc chôn theo người chết. Nghe thật ám ảnh. Anh làm bộ phim này bằng cảm xúc từ đâu vậy?
- Phim này dựa trên một câu chuyện có thật, khi đất nước mình vừa mới hòa bình. Thông điệp chính của phim nói về chữ hiếu của con cái đối với cha mẹ. Đó là điều cần thiết trong cuộc sống, bất kể thời nào.
* Phim được làm hậu kỳ tại Ấn Độ. Cơ duyên nào đưa anh và nhà sản xuất Ấn Độ bắt tay nhau trong dự án phim này?
- Phim có 5 cổ đông hùn vốn, trong đó có anh Raja và vợ là người Việt Nam. Chính anh Raja đã giới thiệu đơn vị làm hậu kỳ bên Ấn Độ, nơi có kinh đô điện ảnh Bollywood.
* Nghe đồn có một diễn viên sẵn sàng trả cho anh gần 1 tỷ đồng để có vai nữ chính. Dù phải tiết kiệm tiền để làm phim trong bối cảnh kinh tế eo hẹp, nhưng anh lại lựa chọn diễn viên bằng đôi mắt đạo diễn. Trong hoàn cảnh hiện nay, diễn viên “mua vai” như vậy nhiều không?
- Trong quá trình chọn vai nữ chính, có bạn diễn viên giấu tên, vì yêu thích nhân vật Bạch Liên nên có ý đầu tư kinh phí để được diễn vai đó. Tôi không nghĩ đây là “mua vai”, nhưng tôi nghĩ vai nữ chính rất quan trọng, nên không thể phiêu lưu hoặc làm ẩu. Nếu diễn viên chính đóng hỏng, cả bộ phim sẽ bị hư hỏng theo. Vì thế, tôi quyết định từ chối đề nghị thực dụng đó.
Mỗi một diễn viên đều có cách tiến thân riêng của họ. Nhưng tôi rất nghiêm khắc với bản thân mình. Tôi nghĩ diễn viên phải là hợp vai. Đặc biệt là diễn viên đó phải có thái độ làm việc thật nghiêm túc, có như vậy thì chúng ta mới có được sản phẩm nghệ thuật chỉn chu.
* Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Hoàng Thủy (thực hiện)