(Thethaovanhoa.vn) - Dù Có chắc yêu là đây công phá lượt view trên YouTube nhưng đó cũng chính là mảnh kính soi chiếu âm nhạc của chính Sơn Tùng M-TP. Rằng, anh vẫn hút thị trường, rằng vẫn catchy (bắt tai) nhưng… có gì mới không? Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu bài viết của tác giả Đông Nghi – một music producer và vocal coach – như "cách nghe" của một người làm nghề.
Ngay khi công chiếu, MV Có chắc yêu là đây vừa ra mắt của Sơn Tùng M-TP đã thu hút 901.000 người xem trực tiếp, đứng vị trí thứ 4 trên thế giới và vượt qua kỷ lục mà MV Hãy trao cho anh từng thiết lập tại Việt Nam trước đó với 635.000 người xem công chiếu.
1. Về âm nhạc, có thể nói Có chắc yêu là đây là một sản phẩm âm nhạc dễ nghe, dễ nhớ và bắt tai nhưng ca từ của sản phẩm lần này nếu so với chính những ca khúc trước đây của Sơn Tùng M-TP thì có vẻ đuối hẳn về mặt trau chuốt câu chữ. Đôi câu viết như thể đang chắp vá để xong một bài nhạc, ngữ nghĩa thì không có sự liên quan các câu khác trong bài. Đây thật sự rất khác với những sản phẩm trước đây vốn khiến Sơn Tùng ghi điểm mạnh với khán giả bởi cách chơi chữ dùng từ táo bạo và sáng tạo.
Phần giai điệu của ca khúc RnB (có ý kiến cho rằng đây là ca khúc Pop (synth-pop) - BTV) lần này thì tác giả vẫn viết khá ổn bởi đã tạo được một mạch giai điệu dù quãng không rộng và không có nhiều nốt cao đột phá như những sản phẩm trước nhưng vẫn cuốn hút và dễ nghe dễ thuộc.
Yếu tố quan trọng nhất giúp tạo được sự cuốn hút và dễ nghe trong bài này chính là đoạn "Có chắc yêu là đây/đây/đầy", tiết tấu làm nhớ đến chùm tiết tấu được dùng ở câu "yeah you got that yummy yum me yumme yum" trong bài Yummy của Justin Bieber hay kỹ thuật "đáp/hồi" (call & response) mà Run The World (Girls) của Beyoncé Knowles sử dụng từ chất liệu Phi châu. Sự kế thừa có sáng tạo ấy cho thấy sự thông minh trong vận dụng của Tùng. Nó mang tính quyết định như thể chìa khóa để mở cánh cửa gần gũi, quen thuộc đến với thính giả.
Trong các bài dạy cho học trò tôi rất thường hay gõ đoạn tiết tấu của 2 ca khúc cũng từng là hit trước đây để dạy các em về sự kế thừa tiết tấu trong âm nhạc, đó là ca khúc Tâm sự cùng người lạ và Hongkong 1.
Yếu tố giúp Hongkong 1 nhanh chóng đi vào lòng khán giả chính là sự kế thừa có thể vô tình hoặc cố ý từ ca khúc Tâm sự cùng người lạ vốn rất quen thuộc và từng làm mưa làm gió một thời gian dài tại V-pop. Tiết tấu mà người viết muốn nói đến chính là đoạn "và giờ em khóc thì cũng chẳng để làm gì, đâu phải cho anh chuyện tình mình mà là vì". Nếu không hát giai điệu mà chỉ gõ nhịp thì các bạn sẽ thấy nó kế thừa đến 69% đoạn nhịp của câu “một người không biết gì về đôi ta, không kêu lên ôi sao anh ngốc quá sao còn yêu cô ta" (Tâm sự cùng người lạ). Điều này minh chứng cho thấy sự kế thừa tiết tấu trong một ca khúc được các nhạc sĩ V-pop rất ưa dùng và dùng rất thông minh.
Quay lại với ca khúc của Sơn Tùng M-TP lần này. Tôi cho rằng đó là điểm cộng duy nhất theo quan điểm cá nhân, dù rằng tôi thích một Sơn Tùng vừa đột phá vừa lãng tử nhưng lại đưa vào âm nhạc được nhiều chất liệu ngũ cung dân gian Việt Nam như ở Lạc trôi hay đầy phá cách, thể nghiệm và mạo hiểm của Chạy ngay đi hơn.
2. Về phần hòa âm phối khí, tôi không đánh giá cao bản phối của ca khúc lần này, bởi ê-kíp của Tùng dường như đã quá cầu toàn. Những sản phẩm trước đây vốn dĩ rất bắt trend (xu hướng), rất hợp thời thì giờ đây, sản phẩm mới, lại không mang một cá tính hay màu sắc nào cụ thể.
Tôi nghĩ nếu bài hát này ra mắt vào khoảng thời gian đầu hoặc giữa mùa Hè thì còn tạm chấp nhận được bởi màu sắc âm nhạc RnB tươi vui, tích cực và năng lượng. Nhưng cách lựa chọn sound (âm thanh) cho bản phối lần này thật sự thiếu hẳn “mùi” trend.
Nếu để ý sẽ thấy, từ đầu 2020 đến nay không chỉ ở trên thế giới mà ngay cả trong nước các nghệ sĩ làm nhạc đều mang hơi hướng retro (quay ngược). Từ Dua Lipa, Lady GaGa, The Weeknd, Sam Smith… cho đến Cung đàn vỡ đôi (ChiPu) hay những ca khúc của Bích Phương cũng được hòa âm theo tinh thần của retro những thập niên 1980, 1990. Nên, theo xu hướng ấy, bố cục của bản phối lần này sẽ dễ khiến người nghe trôi tuột cảm xúc, nhất là đoạn kết ở cuối bài tạo nên một cảm giác rất hời hợt.
Hy vọng rằng Sơn Tùng sẽ sớm cho ra mắt thêm những bản phối khác của ca khúc này như cách Tùng đã từng làm với Chạy ngay đi để tái tạo cảm giác của thính giả, những người đang thật sự mong chờ cú hích mới của anh.
Phần ca (vocal) của ca khúc này lần này, đáng tiếc, vẫn lại là một điểm trừ khi không cho thấy được sự công phu và đầu tư lớp lang như những ca khúc trước đây của Sơn Tùng. Những người yêu nhạc Sơn Tùng M-TP đều dễ dàng nhận ra những câu bè ở phần background trong bài bị trùng với những ca khúc cũ. Vì thế phần dựng vocal ca khúc lần này gây thất vọng, như thể có một sự vội vàng ở đây, có sự chu toàn nhưng thiếu tinh tế trong sản phẩm.
Về phần mix và master của Có chắc yêu là đây cũng là môt dấu hỏi đối với nhiều người khi cảm nhận được phần âm thanh bị khó nghe, mờ âm, thiếu sự trau chuốt nhất định.
Vấn đề không nghe rõ giọng rõ lời có thể thấu hiểu được. Nhưng với sản phẩm Có chắc yêu là đây của chàng trai gốc Thái Bình lần này, hẳn nhiều người sẽ khá mông lung về quyết định chất lượng master âm thanh của Tùng ở lần này.
3. Về phần MV, tôi vẫn có cảm giác thần sắc Sơn Tùng M-TP không được rực rỡ như những MV trước, có nét gì đó khá mệt mỏi và ráng diễn trong những shot hình dễ thương. Với tôi, MV này đẹp nhưng không tạo cho tôi cảm giác một Sơn Tùng M-TP đầy cá tính và nam tính. Các bố cục và cảnh quay làm tôi nghĩ vui trong đầu rằng MV này mà cho Amee đóng thì tuyệt.
Có chắc yêu là đây xem là mang sứ mệnh thông báo màn comeback của Sơn Tùng. Nhưng với tôi màn thông báo này chưa thật sự mạnh mẽ. Nó không cho thấy Tùng mới hơn so với chính mình, thiếu quyết đoán và đủ mời gọi. Mong rằng sản phẩm tiếp theo và chính thức comeback của "Sếp" sẽ là một sản phẩm chỉn chu hơn về nhạc, đẹp và chất riêng hơn về hình ảnh, "xịn sò" hơn nữa về âm thanh...
Áp lực ở vị trí hiện tại của Tùng là rất nhiều nhưng tôi tin rằng với bản lĩnh và tài năng của Tùng, chàng trai này sẽ trở lại với những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn vươn ra thế giới.
Đông Nghi