(Thethaovanhoa.vn) - Trận thua tối thiểu tại Bắc Âu không phải là một điều gì đó quá tồi tệ cho Italy khi họ còn nguyên 90 phút lượt về tại San Siro. Nhưng những gì mà người Ý cần lúc này, là một cuộc cách mạng.
Cú đánh gót không tưởng của Ibrahimovic vào lưới Buffon tại Euro 2004 là gián tiếp tiễn Italy về nước ngay từ vòng bảng. Các tifosi chắc chẳng thể nào quên những giọt nước mắt của Cassano sau khi ghi bàn thắng ấn định tỉ số 2-1 vào lưới Bulgaria ở lượt trận cuối. Cassano đã khóc, vì biết rằng những nỗ lực của mình cũng không thể giúp đội bóng quê hương đi tiếp.
Và mặc dù sau này người Ý vẫn đổ lỗi cho thất bại ấy bằng việc cáo buộc Đan Mạch và Thụy Điển bắt tay nhau thì giải đấu năm đó vẫn là một vết đen trong lịch sử của Azzurri. Làm sao màc biện hộ được khi Italia đã không thể thắng cả hai đối thủ được đánh giá thấp hơn trong 2 lượt đầu. Hình ảnh Totti lầm lũi tiến vào phía đường hầm sau khi nhận thẻ đỏ trong trận ra quân cũng phản ánh đúng tâm trạng của người Ý ở kì Euro năm đó: Thất vọng não nề.
Vậy mà cũng đã 13 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Cassano, Totti đều đã giải nghệ còn Ibra cũng đang vật lộn với những chấn thương trong quãng cuối của sự nghiệp. Italy giờ đã không còn là một thế lực khiếp sợ ở các giải đấu lớn nữa. Họ liên tục gây thất vọng ở World Cup 2014 rồi Euro 2016.
Làng bóng đá có câu: "Đừng coi thường người Ý, đừng để ý người Anh". Đại ý là việc tuyển Anh luôn có những ngôi sao hàng đầu nhưng lại không thể kết hợp lại thành một tập thể mạnh. Trong khi người Ý, càng những lúc được đánh giá thấp nhất là lúc họ mạnh nhất. Rất có thể, kì World Cup 2018 tại Nga cũng sẽ là một giải đấu mà đoàn quân Thiên thanh thi đấu thành công. Nhưng để đến được Moscow, Azzurri phải vượt qua Thụy Điển - đội bóng đáng ghét đã gián tiếp khiến họ phải theo dõi phần còn lại của Euro 2004 qua ti vi.
Thụy Điển chắc chắn không thể có sự phục vụ của Ibrahimovic - sát thủ đã kết liễu người Ý 13 năm trước. Nhưng so về sức mạnh tổng thể vào lúc này, chắc chắn họ không yếu hơn Italy vào. Tỉ số 1-0 là vừa đủ để khẳng định với đội bóng Nam Âu rằng: Thụy Điển sẵn sàng chơi sòng phẳng, chứ không còn thi đấu với tư tưởng cầu hòa như cách đây 13 năm nữa.
World Cup 2006, Italy lên ngôi vô địch. Ở đó, họ có một Buffon chắc chắn trong khung gỗ, một Cannavaro chắc chắn ở hàng hậu vệ, một Pirlo nghệ sĩ nơi trung tuyến và ngay cả những Materazzi hay Grosso đều biết tỏa sáng những lúc đội bóng cần. Còn nếu nhìn vào đội hình xuất phát của Italy vào đêm qua, chắc hẳn các tifosi sẽ không khỏi buồn lòng. Ngôi sao sáng nhất trong đội hình có lẽ là Verratti, nhưng anh chưa (thậm chí là không bao giờ) đạt tới đẳng cấp của Pirlo năm nào. Những De Rossi hay Bonucci cũng không còn là chính mình trong quá khứ. Hai người duy nhất còn sót lại từ thế hệ 2006 đó là Buffon và Barzagli thì cũng đang chơi những năm cuối cùng trong sự nghiệp.
Việc trẻ hóa tuyển Ý không phải lần đầu tiên được nhắc tới. Ngay từ thời Conte còn nắm quyền, ông cũng ý thức được điều này, nhưng lại bất lực trong việc cải tổ. Trong khi những đội bóng hàng xóm là Anh, Bỉ hay Đức có một lứa trẻ đầy triển vọng thì Belotti và Donnarumma là hai cái tên hiếm hoi nổi lên ở Serie A những năm gần đây. Chính sách cấm vận những cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài (dù những năm gần đây chính sách này đã bớt cực đoan hơn) cũng là nguyên nhân khiến Italy khan hiếm nhân tài. HLV Ventura sẽ giải thích ra sao về trường hợp của Balotelli, người đang tỏa sáng rực rỡ trong màu áo Nice?
Italy đã tự làm khó chính mình khi thua 0-1 trước Thụy Điển ở trận lượt đi vòng play-off World Cup 2018 khu vực châu Âu.
Đã đến lúc người Ý cần xem lại cách làm bóng đá của mình. Dù có thắng hay thua Thụy Điển sau loạt play-off này thì Azzurri vẫn sẽ cần một cuộc cách mạng. Có thể bắt đầu từ việc thay HLV. Những tài năng trẻ cần được đặt niềm tin nhiều hơn, thay vì cứ trông chờ vào những "ông lão". Việc cải tổ này có thể mất không ít thời gian, nhưng chỉ có làm như vậy thì Italy mới có một thế hệ đủ sức lên ngôi tại các giải đấu lớn.
Thích Mây Đỏ