Trên những nẻo đường nước Pháp: Đi, khi ta còn trẻ

Thứ Ba, 7/6/2016, 6:29 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm trước, trong giấc mơ của tôi trên máy bay từ Sao Paolo trở về Rome khi World Cup 2014 vừa kết thúc, đã vang lên nhè nhẹ tiếng ca của Yves Montand trong bản "Sous le ciel de Paris".

Người ca sĩ huyền thoại đang hát về Paris, về những đêm dưới bầu trời lồng lộng của thủ đô nước Pháp, về những đôi yêu nhau đang đi bên bờ sông Seine...

Tạm biệt Brazil nóng bỏng, giờ là nước Pháp lãng mạn

Khi thời gian trôi như một áng mây tan nhanh dưới nắng, Brazil mãi đã lùi lại phía sau. Những ấn tượng không thể phai mờ về cái thế giới đầy tương phản nhưng nhiều màu sắc dưới chân tượng Chúa cứu thế trên đỉnh Corcovado, với điệu samba bốc lửa cất lên từ một góc Rio de Janeiro nhớp nhúa và đầy bạo lực của những khu ổ chuột chạy dài tít tận chân trời, chứa đựng hàng triệu cuộc đời bên lề, và những "mặt B" (bộ mông các cô gái) ở bãi biển Copacabana, cuối cùng cũng đã nằm trong những ngăn kéo của kí ức World Cup. Bởi cuộc đời tiếp tục trôi, và đôi chân của tôi vẫn phải đi, cho những chuyến đi mới. Và nước Pháp lúc này chỉ còn cách nơi tôi đang viết những dòng này vài bước chân. Vượt qua biên giới Italy, nơi tôi đã sống và làm việc nhiều năm qua, sẽ là EURO, là nước Pháp.

Đấy là nước Pháp giống như một người tình kiếp trước của tôi, ở chặng đời trước khi đến với nước Ý lãng mạn. Nước Pháp của những nhân vật đã khiến tôi say mê một cách lãng mạn và mơ mộng trong các trang sách của Alexandre Dumas cha, từ những chàng hiệp sĩ khiến tôi có lúc mơ ước trở thành như d'Artagnan và Athos trong "Ba người lính ngự lâm". Nước Pháp của những con người cùng khổ như Jean Valjean hay nàng Cosette của Victore Hugo. Nước Pháp trong những vần thơ của Beaudelaire, Rimbaud hay Chateaubriand, trong những tác phẩm đã khiến tôi ước ao đi ra thế giới của Jules Verne, trong những hình ảnh gợi lên ước mơ đi cháy bỏng trong tôi khi nhìn thấy Paris của tháp Eiffel, đồi Montmartre, Cổng khải hoàn, trong những câu hát của Dalida, Edith Piaf hay Mireille Mathieu. Đấy là nước Pháp của những ước mơ mà một đứa trẻ lớp 6 lúc ấy là tôi không biết một chữ tiếng Pháp nào đã dùng từ điển của mẹ để dịch từng chữ cho một phần mà nó quan tâm trong bách khoa Larousse. Phần ấy nói về Cách mạng Pháp và Napoleon, người mà tôi vẫn thần tượng.

Đi, khi ta còn rất trẻ...    

Bây giờ, nước Pháp chỉ còn cách nơi tôi đứng vài bước chân. Nước Pháp tôi đã qua vài lần trong những năm trước đó, đã từng run rẩy vì xúc động khi mở cửa sổ một căn hộ Paris và từ đó nhìn thấy ánh sáng lung linh của Eiffel trong đêm từ xa, nhưng chưa từng ở đó lâu đến thế này, nhờ EURO 2016. Và cái thực tế mà tôi sẽ đối mặt ở đó có thể không giống với những gì đã từng nghe thấy trong ngập tràn lãng mạn của Yves Montand?

Có lẽ là thế, bởi nước Pháp bây giờ rất khác với những gì tôi đã từng đọc trong các trang sách, qua các bộ phim, qua trí tưởng tượng của một kẻ khao khát đi, khi mảnh đất đẹp đẽ và đầy chất văn hóa cùng các giá trị nhân bản ấy đang bị bao vây bởi lũ lụt, bởi những cơn giận dữ của giới cần lao đối với chính phủ xung quanh đạo luật lao động đã biến những cuộc biểu tình thành bạo động, bởi những mối đe dọa khủng bố sau hai vụ tấn công đẫm máu đã khiến Paris hoa lệ đổ máu và nước mắt vào năm ngoái. Nhưng thực tại ấy không thể khiến những câu hát của Yves Montand về Paris trong tôi ngừng vang lên.

Vòng quanh nước Pháp trong một tháng EURO, tôi không phải là Fileas Fogg, anh chàng dũng cảm đã đi vòng quanh thế giới trong 80 ngày trong tác phẩm Jules Verne, cũng không phải chú bé Rémy cũng đi vòng quanh nước Pháp với gánh xiếc nhỏ là những chú chó xù trong "Không gia đình" của Hector Malot. Tôi chỉ là một tay nhà báo ham đi, và không có ước muốn gì hơn trong thời gian này là thực hiện một chuyến vòng quanh nước Pháp trong một tháng EURO.

Phải, một dạng "Tour de France", nhưng không phải bằng xe đạp, mà bằng xe hơi. Một hành trình rất dài, gần 10 nghìn cây số trong hơn một tháng, qua những nơi mà trái bóng lăn và không lăn trên sân cỏ nước Pháp, đất nước mà tôi yêu mến và ngưỡng mộ, đất nước đã cho tôi hiểu biết và kiến thức, đã mở ra một cánh cửa đến với thế giới, và bây giờ, tôi trở lại mảnh đất này để ôn lại những gì đã học, biết thêm những điều mới mẻ, và đưa nước Pháp ngoài sân cỏ lại gần với mọi người.

Đi, khi ta còn rất trẻ...   

Toue de France bằng xe hơi

Cũng giống như cách đây 8 năm, tôi đi EURO bằng xe hơi. Ngồi sau vô lăng của một chiếc xe sẽ là bạn đồng hành với ta trên 10 nghìn cây số đường trường trong hơn một tháng trên đất Pháp luôn là một cảm giác vô cùng thú vị.

Đối với một phóng viên-kẻ lãng du trên những cung đường Châu Âu như tôi, đấy là một chuyến đi dài đặc biệt. Và khi người ta còn trẻ, còn sức khỏe, sự khao khát lao đi trên những con đường, đến những vùng đất mới, với những con người mới sẽ gặp, những câu chuyện mới sẽ kể, những tấm ảnh sẽ chụp, thì những chuyến đi như thế giống như một cuộc chơi của đam mê trên những cung đường mà một phóng viên hiện đại không thể tránh né. Không phải để tạo ra những tác phẩm hư cấu để đời như "On the road" (Trên đường) kiểu Jack Kerouac, không phải để tạo nên một sự lãng mạn cho chuyến đi của bản thân, vốn là rất vất vả và đòi hỏi rất nhiều kĩ năng và vốn sống, sự trải nghiệm, mà đơn giản là để phản ánh lại những gì tai nghe, mắt thấy, trái tim cảm nhận trên những con đường đã đi qua trên mảnh đất này.

Benjamin Disraeli từng viết "Đi dạy ta về lòng bao dung". Tôi đi không chỉ vì bóng đá, mà đi để học, để gặp gỡ, tiếp xúc với những cái mới, đi để xóa bỏ những định kiến, đi để mở mang tầm mắt, đi để hoàn thiện mình. Đi để trở nên khiêm tốn hơn.


Trương Anh Ngọc (từ Ventimiglia, biên giới Ý-Pháp)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến