(Thethaovanhoa.vn) - Với người Việt từng một lần sang Paris thì Quận 13 đã trở nên quen thuộc bởi nơi đây có nhiều quán ăn, nhà hàng, tiệm kinh doanh của người Việt, hoặc bán đồ ăn Việt.
1. Người ta gọi Quận 13 là “Quận châu Á”. Bất cứ nơi đâu trên thế giới, xu hướng hội tụ của các cộng đồng dân nhập cư là tất yếu. Ở Quận 13, hơn 30 năm trước, người Việt đã định hình được vị thế nơi đây. Thành phần đến “Quận châu Á” thì nhiều, đấy là những cuộc thiên di nhọc nhằn và thẫm đẫm sóng gió ba đào.
Chúng tôi tiến vào những con phố mà người Việt buôn bán nhiều như Avenue d’lvry, Rue Baudricourt, khi hoàng hôn vừa buông xuống.
Những con đường đều sạch sẽ và phồn thịnh. Lòng không khỏi tự hào bởi những tấm biển đề biển hiệu tiếng Việt rất sang trọng, giữa những tòa nhà đẳng cấp.
Gặp anh Đoàn Ngọc Sinh, người Quảng Ngãi, chủ quán Phở Sài Gòn. Anh sang từ năm 1990. Từ một người làm thuê, bằng sự cần cù, anh Sinh đã dần trở thành ông chủ một nhà hàng ăn nên làm ra.
Trong một buổi chiều nắng dát vàng, trời se se lạnh, cảm giác như nghẹt thở khi được nhìn ngắm dòng sông Seine thơ mộng. Xa xa là tháp Eiffel lừng lững. Dưới sông, những chiếc du thuyền ngược xuôi như mắc cửi.
Anh Sinh cho rằng nếu một người nhanh nhẹn, siêng năng thì ở Paris không khó để tồn tại. Nói về cơ hội kinh doanh ở EURO, ông chủ gốc Quảng Ngãi cho biết sau vụ khủng bố hồi tháng 11 năm ngoái, dịp EURO này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của anh.
Người Việt xung quanh Paris cũng có thói quen cuối tuần đi ăn tiệm ở Quận 13. So với thu nhập của họ thì ăn ở đây rẻ. Quan trọng là ngoài tình đồng hương sâu nặng, còn hun đúc văn hóa dân tộc cho các thế hệ con trẻ. Ở đây cũng có bia Hà Nội, bia Sài Gòn, các món ba miền không thiếu thứ gì, thậm chí đến ăn cháo lòng buổi sáng cũng có.
2. Đã 35 năm sang Paris, anh Nguyễn Thành Đồng, chủ nhà hàng Ớt Việt cũng đã tạo được một cơ ngơi khá bề thế. Vợ anh là cô gái phố cổ Hà Nội, rất tinh tế và giỏi nấu ăn. Tuy nhiên, nỗi nhớ quê hương đã bắt đầu gặm nhấm người đàn ông miền Tây đã có tuổi này. “Bố mẹ đang ở quê, thương lắm!”, nhắc đến đó mắt anh Đồng rớm lệ. Anh đã lo lắng cho hai đứa con bằng kỹ sư. Đấy là tâm nguyện lớn nhất của vợ chồng. Cả hai cũng đã mua nhà ở Sài Gòn, sẽ chọn thời điểm thích hợp để về với quê hương. Anh Đồng bảo EURO cũng không làm cho quán Ớt Việt tăng thêm khách.
Ở Quận 13, không chỉ người Việt mà nhiều ông chủ châu Á khác cũng bán các món ăn Việt. Điều đó chứng tỏ văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tạo dựng được vị thế ở kinh đô ánh sáng.
Như trường hợp anh Francois Pen, chẳng hạn. Ông chủ nhà hàng My Canh khá nổi tiếng với các món ăn Việt, đến mức siêu sao Thành Long từng phải tìm đến quán này. Lý Nhã Kỳ nhân dịp hãng Mỹ Phẩm Chanel tổ chức lễ hội cũng đến đây thưởng thức các món ăn Việt. Francois Pen cứ một mực khoe hình các yếu nhân từng đến quán. Trong anh hòa trộn cả dòng máu Việt và Campuchia, anh luôn đau đáu về những ký ức từng sinh sống ở Sài Gòn thở bé.
“Tôi sinh ra ở Campuchia và theo cha mẹ sang Việt Nam sinh sống. Gia đình tôi sang Pháp năm 1975. Năm 1981 bố mẹ mua cho cái nhà hàng này. Tôi vẫn giữ lại những món ăn truyền thống Việt Nam và trong số khách hàng tôi có giới nghệ sỹ ở nhiều nước. Quán tôi có các món ăn ba miền như thịt kho tàu, phở, bún…Tôi rất yêu Việt Nam vì đó là đất nước tốt và đẹp. Với EURO, tất nhiên tôi cầu mong Pháp sẽ vô địch đợt này. Tôi không coi EURO là dịp để làm ăn tốt”.
3. Chúng tôi cảm nhận ở phố Việt, các ông bố bà mẹ đã có xu hướng cho con em mình đi học, không muốn phải khổ cực như thế hệ phụ huynh chúng.
Vâng, dù ở đâu, những người con đất Việt cũng thể hiện những phẩm chất chịu thương chịu khó, đoàn kết đồng lòng để tạo dựng sự nghiệp cho cá nhân và góp phần kiến thiết quê hương. Chúng tôi không thể tiếp xúc hết với những đồng hương, đành phải chào tạm biệt khi Paris đã sắp sửa bước qua ngày mới. Tạm biệt những cánh chim Việt ở Paris và cầu chúc mọi may mắn sẽ đến với các anh, các chị.
Việt Sơn- Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa