Thư EURO: Đề thi Tú tài “kiểu Pháp”

Thứ Bảy, 18/6/2016, 11:32 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - “Tháng Sáu mùa thi/ Con đường học trò anh đưa em đi/ Trong suy nghĩ chín dần bao dự định/ ngọn đèn đêm thao thức suốt canh khuya…”. Vâng, tháng Sáu bên Pháp cũng đang là mùa thi.

Mấy ngày này, các em học sinh trung học (tương đương cấp III bên mình) hết sức tất bật, căng thẳng cho kỳ thi Tú tài.

Từ đề thi thấy nể kiến thức học sinh Pháp

Trong khi người hâm mộ đang thưởng thức EURO 2016, các bạn học sinh cuối cấp trung học lại phải “đương đầu” với kỳ thi Tú tài. Với Pháp, kỳ thi Tú tài là bước ngoặt lớn của cuộc đời mỗi con người. Thậm chí, còn quan trọng hơn cả thi đại học, bởi với học sinh ở Pháp, 12 năm được đào tạo hết sức toàn diện. Cho nên, đỗ kỳ thi này, cả phụ huynh lẫn học sinh đều vô cùng hạnh phúc, tự hào.

“Liệu làm ít có làm người ta sống tốt hơn?”. Đấy là đề thi môn triết học Tú tài, ban S (tức Ban khoa học). Một đề thi có tính rất mở, không chỉ chạm đến một phạm trù triết học thú vị, mà còn có tính thời sự của nước Pháp. Cho nên, ngay sau buổi thi, đã nổ ra một làn sóng tranh luận trên báo chí cũng như giới học thuật.

Trong số đó, có một giáo viên trung học dạy triết gợi ý rằng: các em cần phải nêu được rõ các khái niệm “làm việc, công việc” là gì ? Làm việc là sự chuyển đổi một dữ kiện đầu vào có thể là tự nhiên, có thể là thô cứng thành một thực thể vật chất có mục đích phục vụ cho cuộc sống của con người. Giáo viên này nhấn mạnh làm việc có mục đích chính là điểm khác biệt lớn nhất của con người với các loài vật khác.

Thư EURO: Nỗi niềm tri thức

Thư EURO: Nỗi niềm tri thức

Việc Đà Nẵng kiện “nhân tài”, truy thu hơn 10 tỷ từ các nhân tài không chịu về nước đóng góp cho thành phố bên sông Hàn như cam kết; cùng thực trạng như nhiều địa phương, vẫn là câu chuyện không dễ giải quyết một sớm một chiều.

Một nhà triết học uy tín người Pháp, ông Roger-Pol Droit, cũng đăng đàn tham gia. Ông này trích nhận định của một nhà triết học khác từ thế kỷ 19: làm việc là tiêu dùng một lượng đáng kể nguồn lực thần kinh, trí não và tinh thần. Như thế, cuộc sống cần phải hài hòa giữa vật chất và tinh thần. Và một điều quan trọng là cuộc sống tốt hơn cần phải hiểu trên các khía cạnh từ sức khỏe, tài chính, vật chất, tinh thần, an ninh. Có lẽ, yếu tố con người cần được đảm bảo tốt hơn, sống tốt hơn về an ninh đang là thách thức vô cùng lớn đối với người Pháp.

Roger-Pol Droit nhấn mạnh: làm việc nhiều vẫn là tốt, nếu công việc đó làm cho cá nhân cảm thấy phát huy được sở trường, cảm thấy được tự do sáng tạo, thấy đam mê, và quan trọng là cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, mang lại điều tốt đẹp cho cuộc sống. Tất nhiên, là mang lại thu nhập tốt. Chắc chắn, chẳng ai muốn làm việc ít, nếu có được môi trường làm việc hội đủ cơ bản các yếu tố trên.

Đề thi bám sát vấn đề thời sự

Nếu xét sâu xa hơn, đề thi đưa các em học sinh liên tưởng đến một xu hướng đang nổi lên trong xã hội Pháp - giảm số giờ làm việc của người lao động. Pháp là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc giảm giờ làm động với lập luận là để cho cuộc sống tốt hơn, để tạo ra thêm nhiều việc làm mới hơn, nhất là trong bối cảnh Pháp đang là quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp khá cao (10%).

Và nóng bỏng hơn nữa, đề thi gián tiếp đề cập đến Dự luật về việc làm mới của chính phủ Pháp, vốn đã khiến các nghiệp đoàn, người lao động và chính phủ đối đầu nhau từ nhiều tháng qua. Một trong những lý do mà chính phủ Thủ tướng Pháp M. Valls đưa ra trong Dự luật lao động mới là tạo sự linh hoạt cho các chủ doanh nghiệp, trong bố trí công việc, tuyển dụng và sa thải người lao động. Trong đó, có nói đến việc người lao động có thể được giảm giờ làm.

Tóm lại, việc ra đề thi sẽ phản ánh trình độ chung của ngành giáo dục đang ở mức nào. Và, hẳn các thầy cô ở ta, đọc đề thi Tú tài trên của học sinh Pháp, cũng rất đáng suy ngẫm về cách dạy, học và ra đề thi.

Việt Sơn- Hữu Quý (Từ Paris)
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến