Nước Pháp lên cơn sốt vì đội Áo Lam

Chủ Nhật, 10/7/2016, 19:27 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - “Les Bleus”, “Les Bleus” và “Les Bleus”, những ngày này, giờ này, nước Pháp chỉ nhắc đến những từ đó. Đấy là đội tuyển Áo Lam của họ, tập hợp những chàng trai đến từ nhiều vùng đất, nhiều màu da khác nhau, dù là Pháp “xịn” hay Pháp nhập cư ở các thế hệ thứ hai thứ ba. 

Đấy là đội bóng mang trong họ niềm tin chiến thắng ở một giải đấu mà Pháp là nước chủ nhà. Lịch sử nói rằng Pháp luôn vô địch ở các giải đấu lớn mà họ đăng cai. EURO 1984, với những màn trình diễn siêu hạng của Michel Platini. World Cup France 1998, với những bàn thắng trong trận chung kết của Zinedine Zidane. 16 năm sau, một trận chung kết nữa trên đất Pháp. Sự vĩ đại của Platini và Zidane thu gọn lại trong tầm vóc của Antoine Griezmann.

Từ sáng trận chung kết, những khu chợ ở Paris dường như đã sơn màu ba màu của nước Pháp. Cờ xuất hiện ào ạt trên các quầy hàng, trên má những người bán hàng và mua hàng, trên các khuôn cửa sổ, cửa hiệu, nhà hàng, trên đùi cả những cô gái. Các kênh truyền hình đếm ngược thời gian đến trận chung kết và tiến hành một chiến dịch truyền hình trực tiếp với các phóng viên đứng nói ở mọi ngóc ngách của đất nước, cho khán giả ngồi nhà cũng có thể hiểu được một cơn sốt Áo Lam đang bùng lên ở khắp nơi. Tại Paris và nhiều nơi, người ta chen chúc đi mua cờ Pháp, các đồ lưu niệm liên quan đến đội tuyển Pháp và hẹn nhau sẽ tổ chức ăn mừng ở đâu sau khi tiếng còi cuối cùng cất lên. Ronaldo rất mạnh. Anh đã khiến người ta rợn người khi bừng tỉnh ở trận gặp xứ Wales. Nhưng người Pháp tin rằng, họ đã có Griezmann, có Pogba, có Payet và chẳng có gì phải sợ hãi cả. Đội Áo Lam sẽ thắng.


Các CĐV Pháp đang mong chờ trận Chung kết EURO 2016

Đấy là một tình yêu được sinh ra sau những năm tháng khó khăn và tranh cãi, từ những nỗi lo lắng vì khủng bố, những rắc rối liên quan đến đội tuyển trong quá khứ, dẫn đến những khối da trắng và da đen đối đầu nhau trong phòng thay quần áo, cho đến scandal đã khiến Benzema bị loại. Và rồi sự khởi đầu tương đối nhọc nhằn của đội quân Deschamps khiến cho những hoài nghi vẫn chưa tan biến, nỗi lo lắng về thất bại vẫn hiển hiện trước mặt. Nhưng đội tuyển càng đi sâu vào giải, niềm tin càng tăng, các lá cờ càng xuất hiện nhiều trên các ban công và cửa sổ, những bài La Marseillaise được hát nhiều hơn nữa ở khắp mọi nơi, để rồi tình yêu ấy bùng nổ sau khi họ thắng Đức để vào chung kết. Bây giờ thì nước Pháp nín thở chờ đợi tiếng còi chung kết cất lên, trái bóng bắt đầu lăn. Giờ thì họ đi ăn trưa và rồi những ai có thể ra được fanzone thì sẽ rủ bạn bè đi, những người khác tổ chức party ở nhà. Có lẽ cả nước Pháp sẽ xuống đường đêm nay nếu họ chiến thắng. Như năm 1998.


Đội tuyển Pháp đang mơ vô địch EURO 2016

Có một cộng đồng người Bồ Đào Nha ở Pháp cũng nín thở chờ Ronaldo chiến thắng. 850 nghìn người Pháp có gốc Bồ Đào Nha đang sống trong vùng Ile de France, vùng có thủ đô Paris, và biến Paris thành một thành phố có nhiều người Bồ chỉ đứng thứ 2 sau Lisbon. Tất cả xảy ra ở những năm 1960, khi hàng vạn người Bồ Đào Nha bỏ nước ra đi vì độc tài Salazar. Những thế hệ đầu tiên chủ yếu là làm công nhân hoặc làm nghề gác cửa. Họ đều đã già. Tôi đã gặp một người Pháp gốc Bồ đã sống ở Paris trên 40 năm. Ông bảo trái tim ông hướng về đội tuyển của Ronaldo, nhưng chỉ 60% thôi, 40% trái tim còn lại ông dành cho đội bóng của Griezmann. “Đấy là một sự lựa chọn nhọc nhằn”, ông bảo. “Nhưng đội nào chiến thắng, tôi cũng ăn mừng”. Đám thanh niên con cái họ thì nhiều chất Pháp hơn, và đương nhiên họ ủng hộ Griezmann. Bồ Đào Nha chống lại Pháp chẳng khác gì những người gác cửa chống lại những người chủ ở các tầng gác cao. Ta có thể ví von như thế. Bồ Đào Nha đấu với Pháp cũng là một trận chung kết của Châu Âu mở rộng vì các yếu tố lịch sử trong một châu lục luôn vận động. Griezmann có nguồn gốc Bồ Đào Nha (ông bà anh là người Bồ). Đội tuyển Bồ Đào Nha có 3 cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Pháp (Lopes, Guerreiro và Silva).

Dù thế nào đi chăng nữa, cũng chỉ có một đội chiến thắng cuối cùng và một cuộc ăn mừng sẽ diễn ra ở khắp nơi, đặc biệt nóng bỏng là ở Paris. Sẽ không có những cuộc diễu hành ở Champs-Elysees, đại lộ đẹp nhất thế giới. Tòa thị chính Paris chỉ cho phép điều này xảy ra ở đại lộ Foch. Không vấn đề gì hết. Cổng khải hoàn sẽ được chiếu đèn màu xanh-trắng-đỏ của nước Pháp, và cả nước Pháp sẵn sàng uống đến say vì thắng lợi đêm nay. Chừng 100 nghìn người sẽ tới khu fanzone dưới chân tháp Eiffel để xem trận đấu với màn hình lớn và cổ vũ hết mình một đội tuyển đang khiến cho quốc gia bị tổn thương ấy tự hào. Sự tự tin lớn lao là rất dễ hiểu, bởi người ta cho rằng, nếu đã đánh bại được Đức, nhà vô địch thế giới, thì họ chẳng còn sợ ai nữa.

Bồ Đào Nha thành công nhờ hàng thủ và Ronaldo

Bồ Đào Nha thành công nhờ hàng thủ và Ronaldo

Nhiều người cho rằng Bồ Đào Nha, với hành trình của mình từ đầu EURO 2016 tới giờ, không thật sự xứng đáng lọt vào Chung kết. Thầy trò Fernando Santos có đáng bị nói như thế không?


Năm 1998, Ronaldo đã thất bại ở Stade de France. 18 năm sau, có một Ronaldo nữa xuất hiện và không muốn đi theo dấu chân của người anh ấy. Lịch sử chờ đợi phán quyết từ Paris.


Chung kết EURO? 

Không, Cúp Châu Phi Có 17 cầu thủ có nguồn gốc Châu Phi trong đội hình hai đội bóng vào chung kết (trong tổng số 40 cầu thủ gốc Phi được triệu tập của 24 đội dự giải). 

Pháp giữ kỉ lục với 10 cầu thủ là Mandanda (Marseille, Cộng hòa dân chủ Congo), Evra (Juventus, Senegal), Mangala (Man City, Cộng hòa dân chủ Congo), Rami (Sevilla, Marocco), Sagna (Man City, Senegal), Umtiti (Lyon, Cameroon), Kanté (Leicester, Mali), Matuidi (PSG, Angola), Pogba (Juventus, Guinea), Sissoko (Newcastle, Mali). Bồ Đào Nha có 7 cầu thủ gốc Phi là Eliseu (Benfica, Bờ Biển Ngà), W. Carvalho (Sporting, Angola), Joao Mario (Sporting, Bờ Biển Ngà), R. Sanches (Bayern, Bờ Biển Ngà), Eder (Lille, Guinea Bissau), Nani (Fenerbahce, Bờ Biển Ngà) và Danilo (Porto, Guinea Bissau). Bồ Đào Nha cũng là đội tuyển đầu tiên đưa vào đội hình cầu thủ da màu, bắt đầu ở EURO 1980. Châu Phi sẽ ăn mừng, bất kể ai chiến thắng.


Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến