(Thethaovanhoa.vn) - Khi trọng tài Rizzoli thổi phạt Schweinsteiger vì lỗi để bóng chạm tay trong vòng cấm, không ít người cho rằng chủ nhà đã được hưởng lợi từ sự khắt khe quá mức của trọng tài.
Thậm chí, còn có ý kiến nhận xét ngay “EURO 2016 là một EURO được ‘cơ cấu’ bởi UEFA” và Rizzoli chỉ rình Đức sơ hở là thổi phạt để biến thế trận có lợi cho Pháp. Những đánh giá ấy hơi “nghiệt ngã”, nhưng nó cũng có lý riêng, nhất là khi Đức đã chơi một thế trận áp đảo và xứng đáng giành vé vào chung kết.
Song, nếu như pha chạm tay kia không phải của Schweinsteiger mà là một tình huống chạm tay Koscielny y chang trong vòng 16m50 của Pháp và Rizzoli không thổi penalty thì sao nhỉ? Những người mới nghi ngờ Pháp được UEFA ‘cơ cấu’ hay ‘thiên vị’ có nhận định như thế?
Không chắc, vì trong số họ, có những người cảm thấy oan ức cho người Đức bởi nhìn vào cả quá trình của Đức ở EURO này nói riêng, và ở hai năm trở lại đây nói chung. Đức là một trong những đội chơi hay nhất thế giới hiện nay. Và chính điều này khiến người ta cảm giác Đức bị oan ức, như một thiện cảm dành riêng cho cái đẹp.
Pháp vào chung kết với Bồ Đào Nha và cách mà báo chí Pháp nhận xét về đối thủ của họ rất đáng suy nghĩ. “BĐN là đội hưởng lợi từ quyết định tăng số đội dự EURO từ 16 lên 24”, tay bút Regis Dupont của L’Equipe đã viết như thế. Và điều đó đúng. Nếu giữ nguyên 16 đội, và BĐN chỉ hòa, để đứng thứ 3, thì giờ này có lẽ CR7 đã nghỉ mát ở đâu đó rồi.
Điều đó khiến chúng ta nhận ra rằng, dù chúng ta luôn mong mỏi sự công bằng, nhưng khi mỗi quyết định được đưa ra, sẽ chỉ có một bộ phận được hưởng lợi.
Nhưng trước cái lợi của người khác được hưởng, thái độ của chúng ta thế nào mới là quan trọng, vì khi ta chưa rõ ngọn ngành, hoặc chưa thực sự giữ sự quân bình trong chính lòng mình, mọi ngờ vực, chê bai, dè bỉu… đều là thái độ phản văn minh.
Hôm nghị viện châu Âu họp ngay sau kết quả trưng cầu Brexit, Chủ tịch nghị viện châu Âu Martin Schulz đã nói một câu rất hay, khi các ông bà nghị la ó nghị sỹ Farage của Anh, rằng “Quý ông, quý bà. Một phẩm chất đặc biệt của dân chủ chính là lắng nghe, kể cả là lắng nghe người mà mình bất đồng quan điểm”.
Nghi ngờ là quyền của mỗi người. Nhưng lắng nghe, kể cả trái chiều, cũng là nghĩa vụ…
HQM
Thể thao & Văn hóa