GÓC CHIẾN THUẬT: Đỉnh cao của người Đức... là thua

Thứ Bảy, 9/7/2016, 5:39 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tại bán kết EURO 2016, Đức đã trình diễn một lối chơi tấn công khoa học, tính tổ chức thượng hạng và xứng đáng để đi vào mọi bộ sách giáo khoa về chiến thuật. Thế nhưng, chính hoàn cảnh ấy đã làm lộ rõ nét điểm yếu của họ...

“Chúng tôi đã chơi trận hay nhất tại EURO lần này”, Toni Kroos nghẹn ngào sau trận đấu. “Nhưng thế là không đủ. Thật cay đắng... Chúng tôi đã áp đảo Pháp rõ ràng, nhưng rồi chúng tôi bị dẫn trước vì một lỗi bóng chạm tay ngớ ngẩn”.

Dĩ nhiên Toni Kroos không có ý chỉ trích nặng nề gì Bastian Schweinsteiger trong lời chia sẻ này. Anh trả lời phỏng vấn của một tờ báo Đức. Và người Đức thì không có thói quen tránh né sai lầm. Nhưng việc anh khẳng định rằng Đức đã chơi trận hay nhất thì không phải một biện pháp tự khen, tự vui. Ông thầy Joachim Loew cũng đồng ý: “Hai lần bị loại khỏi bán kết trước đây (World Cup 2010 và EURO 2012), chúng tôi đã thua những đội mạnh hơn mình. Còn lần này thì chúng tôi hay hơn Pháp”. Rất nhiều người đồng tình với Kroos và Loew.

Trước Pháp, trên sân Velodrome, Đức đã thể hiện một màn trình diễn hoàn hảo về chiến thuật tấn công. Bóng đá vốn dĩ là môn thể thao mà tấn công khó khăn hơn phòng ngự - không ngẫu nhiên mà những cầu thủ giỏi nhất, những danh hiệu cá nhân lớn nhất lại thường xuyên thuộc về các cầu thủ tấn công. Thế nên, để bù lại việc chênh lệch kỹ năng đá bóng, người ta đã tổ chức phòng ngự một cách hệ thống. Kể từ thập niên 1950 tới nay, một suy nghĩ kinh điển vẫn tồn tại trong bóng đá là: Phòng thủ thì do hệ thống, do chiến thuật, còn tấn công là do sự sáng tạo, ngẫu hứng của cầu thủ.

Pháp lọt vào Chung kết: Les Bleus, và bình minh tới...

Pháp lọt vào Chung kết: Les Bleus, và bình minh tới...

Khi La Marseillaise vang lên dữ dội từ Velodrome cho tới Khải Hoàn Môn tại Paris, cùng pháo sáng đỏ rực và những cái xiết tay thật chặt, người Pháp đã chiến thắng.

Đức đã đánh đổ suy nghĩ ấy. Hai năm qua, họ đã thể hiện một trường phái tấn công đậm chất tổ chức khoa học. Cự ly giữa các cầu thủ Đức khi tấn công luôn là hoàn hảo. Khả năng phối hợp nhóm, luân chuyển vị trí gần như đã được các cầu thủ nằm lòng. Nhìn cách Joshua Kimmich, Emre Can và Mesut Oezil xoay đảo vị trí mà như thể mắt xích máy móc vận hành. Toni Kroos và Jerome Boateng luôn có mặt đúng vị trí để đồng đội thuận lợi chuyền, đối thủ khó truy cản, để rồi tung ra những pha tỉa bóng chính xác từng centimet.

Thứ bóng đá ấy của người Đức không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào. Nhưng ở chiều ngược lại, nó cũng đòi hỏi mọi cá nhân phải chơi tốt nhất có thể. Tổ chức ra một hệ thống cũng đồng nghĩa rằng một mắt xích trục trặc cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới những mắt xích còn lại - khác hẳn với việc tấn công tự phát, không cá nhân này thì còn cá nhân khác.

Ở đó, điểm yếu lớn của Đức về vị trí trung phong lộ rõ mồn một ở giải đấu năm nay. Trước Pháp, nó bị vạch trần. Mario Gomez chấn thương, Đức không còn bất kỳ tiền đạo thực sự nào. Thomas Mueller phong độ thấp, họ bế tắc trong việc dứt điểm các đợt lên bóng.

Khi Anh hay Bỉ bị loại khỏi vòng chung kết EURO 2016, chúng ta đều thấy rõ sự kém cỏi về hệ thống chiến thuật của họ. Không giỏi chiến thuật thì sẽ chẳng thể làm nổi việc lớn. Nhưng khi Đức thua Pháp, người ta mới nhận ra rằng, giỏi chiến thuật không thôi vẫn là chưa đủ.

Đức rồi sẽ có những tiền đạo tài năng trẻ bước lên những năm tới. Davie Selke, Donis Avdijaj đang tỏa sáng ở màu áo các đội tuyển trẻ. Người Đức sẽ hướng tới hoàn thiện cỗ máy của mình…

Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến