(Thethaovanhoa.vn) - Tây Ban Nha đã thất bại trước Italy tại vòng 1/8 EURO 2016, trở thành cựu vương. 4 năm kể từ sau chức vô địch cuối cùng, giờ thì có lẽ họ nên chính thức nói lời từ biệt với “thế hệ vàng” và lối chơi tiqui-taca nổi tiếng.
“Tiqui-taca”, “tiki-taka”, hay “tích-tắc” trong tiếng Việt, là danh từ để chỉ phong cách chơi bóng của Barcelona và Tây Ban Nha trong giai đoạn “hoàng kim” 2008-2012. Barca giành tổng cộng 14 danh hiệu, Tây Ban Nha vô địch EURO 2 lần liên tiếp và xen giữa là một chức vô địch thế giới.
Sẽ là rất dễ dàng để nói rằng, lứa cầu thủ nào thì cũng có thời của họ và đơn giản là “thời” của Tây Ban Nha đã qua đi. Nhưng sẽ có người nói rằng, vì sao Barcelona đang tiếp tục thành công trong 2 năm qua mà Tây Ban Nha vẫn trong giai đoạn khó khăn?
Không còn đủ mảnh ghép
Tây Ban Nha đã chinh phục thế giới với một thế hệ cầu thủ hàng đầu trong lịch sử đất nước này. Nổi bật và xuyên suốt là Xavi, Andres Iniesta, David Silva, David Villa, Fernando Torres, Sergio Ramos, Iker Casillas, Cesc Fabregas. Một số cầu thủ khác tuy không đóng góp trong cả 3 chức vô địch nhưng cũng đáng nhắc tới là Sergio Busquets, Xabi Alonso, Carles Puyol, Gerard Pique, Jordi Alba.
Nhìn vào những cái tên nói trên, có thể dễ dàng nhận ra rằng phần lớn trong số này đến từ CLB Barcelona. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đội bóng thành công nhất Tây Ban Nha giai đoạn này cũng chính là đội bóng mang tới bộ khung trụ cột cho ĐTQG.
Kèm theo đó là cả lối chơi. Tây Ban Nha được xem là một phiên bản khác của Barcelona, với lối chơi thậm chí có phần chậm rãi hơn và khó chịu hơn.
Xét nhóm các cầu thủ đá chính chủ yếu tại VCK EURO 2016, có thể thấy rằng dù không còn Xavi và Xabi Alonso, nhưng những Busquets, Iniesta, Fabregas, Silva thì vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, điều khác biệt lớn nhất nằm chính ở hai cái tên còn lại trên hàng công. Ai cũng có thể thấy rõ rằng Nolito và Alvaro Morata khác xa David Villa và Fernando Torres.
Chưa bàn tới đẳng cấp hay thành công trong sự nghiệp, nhưng lối chơi của Nolito và Morata rõ ràng có sự khác biệt rất lớn với Villa và Torres. Nhìn lại những bàn thắng của Tây Ban Nha từ 2008 tới 2012, có thể thấy rõ rằng họ giành rất nhiều chiến thắng bằng những cú chọc khe, xẻ nách. Để làm được điều đó, họ cần Villa và Torres chạy cắt mặt, di chuyển chéo trước vòng cấm địa.
Nolito và Morata thì không thực sự quen thuộc với điều đó. Ở cấp CLB, Nolito thường đứng sát biên dọc, xa vòng cấm để nhận bóng trước khi rê dắt hoặc đập nhả vào phía trong. Morata cũng ưa thích những đường chuyền thẳng vào vị trí của anh hơn là những cú tỉa bóng vào khoảng trống. Trong 27 bàn thắng Morata ghi được cho Juventus, chỉ có 4 lần Morata thực sự đã chạy chỗ để nhận bóng, 2 trong số đó là những pha phản công - dĩ nhiên phải chạy.
Và đó là chưa nhắc tới việc Fabregas và Silva cũng đã thay đổi phong cách thi đấu. Trước đây, khi còn trẻ trung, họ cũng không ngại ngần có những pha di chuyển chéo để tiến vào khoảng trống, tìm cơ hội hoặc thu hút hậu vệ đối phương. Nhưng giờ thì cả hai thường có xu hướng tới gần trái bóng để làm người điều phối.
Ai cũng điều phối thì ai sẽ di chuyển? Tây Ban Nha đã thiếu đi những mảnh ghép cần thiết để phục vụ cho lối chơi cũ. Thế nhưng...
Liệu có nhất quyết phải chơi như Barcelona?
Hay nói chính xác hơn là chơi như Barcelona 2008-2012. Bởi chính Barcelona hiện tại cũng không còn chơi bóng như vậy nữa.
Luis Enrique kể từ khi dẫn dắt Barcelona thường bị cho là hưởng lợi từ tài năng của tam tấu hàng công Luis Suarez - Lionel Messi - Neymar. Tuy nhiên, cần đánh giá đúng về những gì ông đã làm được. Enrique đã phá bỏ rất nhiều những nề nếp chiến thuật từ thời của Pep Guardiola. Cái khung triết lý CLB từ thời Johan Cruyff vẫn còn nguyên, nhưng thay vào đó, hệ thống của Barca có những thay đổi khá quan trọng. Giờ đây họ đã chơi bóng ít chi tiết hơn, nhưng cơ bản hơn, dẫn đến dễ dàng mua người và dùng người hơn.
Và sau cùng, ở Barca, bộ ba “MSN” chơi cao nhất trên hàng công. Tây Ban Nha không có những con người này.
Sử dụng chiến thuật tương tự một đội bóng thành công trong nước không phải điều gì đó lạ lẫm. Tây Ban Nha và Barca như “chị em” từ 2008 tới 2012. Anh ở World Cup 2014 chơi giống Liverpool. Đức thời gian qua luôn tương đồng Bayern Munich. Cesare Prandelli và Antonio Conte đều lấy Juventus làm gốc cho ĐT Italy.
Ở Tây Ban Nha hiện tại, nếu có một đội dùng nhiều người Tây Ban Nha ở tất cả các tuyến, lối chơi phù hợp với con người mà đội tuyển có, thì đó là Atletico Madrid.
Nhưng làm HLV trưởng không chỉ có công việc chuyên môn chiến thuật. Hãy tưởng tượng Vicente Del Bosque thuyết phục những cầu thủ của Real Madrid, Barcelona phải chơi như Atletico...
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa