Azzurri, đầu óc người Italy & nghệ thuật của thành công

Chủ Nhật, 19/6/2016, 13:16 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Italy có thể không đi hết con đường ở EURO 2016 nhưng chỉ cần 2 trận thắng trước Bỉ và Thụy Điển một lần nữa cũng đủ cho ta thấy nghệ thuật bóng đá của người Italy đẳng cấp cỡ nào.


Eder với pha lập công vào lưới Thụy Điển
Đa số người Việt khi nói đến bóng đá nghệ thuật là lập tức nghĩ ngay và chỉ hình dung đến những pha xử lý kỹ thuật cá nhân điêu luyện, những pha phối hợp bóng ngắn nhuần nhuyễn, những cú sút phạt điệu nghệ hay tóm lại là tất cả những gì có thể kích thích thị giác cũng như dây thần kinh của họ.

Đó là bởi vì chúng ta xem bóng đá bằng mắt quá nhiều và bằng đầu quá ít. Đó là bởi vì đa số người Việt chịu quá nhiều ảnh hưởng của những “hội chứng Barca”, “hội chứng Arsenal”, “hội chứng Tây Ban Nha” hay một hội chứng nào đó tương tự, biểu trưng cho thứ bóng đá tấn công dễ xem và nuông chiều thị giác.

Bóng đá của người Italy mang đến một định nghĩa khác về nghệ thuật, về cái đẹp. Nghệ thuật bóng đá của Azzurri không nằm trong những pha xử lý bóng mang đậm tính trình diễn hay ngẫu hứng, không nằm trong những pha phối hợp nhóm, không nằm trong thứ bóng đá tốc độ và lúc nào cũng hướng về phía trước.

Italy của Antonio Conte chơi thứ bóng đá đề cao sức mạnh tập thể, khoa học trong chọn vị trí và đột biến trong nghệ thuật “ru ngủ” đối phương. Trong sơ đồ 3 trung vệ mà Italy triển khai ở EURO này thì sự phân công nhiệm vụ rất rõ ràng. Chiellini và Barzagli chủ yếu kèm người và cản phá trong cả tình huống bóng sống lẫn bóng chết. Bonucci chủ yếu quét ngang với nhiệm vụ cơ bản là bọc lót, yểm trợ cho Chiellini, Barzagli và phát động tấn công từ tuyến dưới. Khi đối thủ tấn công trực diện Italy thì De Rossi (hoặc Motta) sẽ lùi về truy cản còn 3 trung vệ của Juventus sẽ chụm lại tạo thành bức tường chặn phá trước khung thành Buffon.


Ibra đã bất lực trước hàng thủ Italy

Rõ ràng việc vượt qua được 4 cầu thủ giàu kinh nghiệm và chơi ăn ý với nhau thế này là cực khó với bất kỳ ngôi sao tấn công nào. Nếu đối thủ sút xa thì dù bóng có xuyên qua được các hậu vệ Thiên Thanh cũng rất khó đánh bại Buffon vì thủ môn có biệt danh “siêu nhân” hiếm khi để thua trong những tình huống như vậy.

Nếu đối thủ tấn công vào cánh hoặc vị trí lệch cánh của Italy thì sẽ vấp phải sự đeo bám và truy cản của ít nhất một trong hai người Candreva, Parolo (phải) hoặc Florenzi, Giaccherini (trái) cộng với sự ngăn chặn của Barzagli (lệch phải) hoặc Chielini (lệch trái) tùy theo hướng tấn công của đối phương, nghĩa là thường thì họ sẽ phải đối mặt với 2 cầu thủ Thiên Thanh đứng gần nhau và so le với nhau. Nếu tạt bóng thì đã bị chắn hướng nên rất khó qua. Nếu đi bóng đột phá thì dù có qua được một người sẽ lập tức có người thứ 2 dập ngay vào truy cản. Nghĩa là đối phương hầu như không có không gian để đi bóng và không có thời gian để xử lý bóng nếu cứ cố đâm từ cánh vào trong.

Họ thường chỉ có giải pháp chuyền bóng và như thế hướng tấn công từ cánh bị hóa giải. Trong những trường hợp cần thiết hơn nữa, khi phải đối mặt với những đội bóng mà Conte nhận định là tấn công “nguy hiểm”, kể cả các tiền đạo của Italy cũng được huy động tham gia phòng ngự như chúng ta đã thấy hình ảnh Eder lùi về tận vòng cấm truy cản Lukaku trong chiến thắng trước Bỉ. Đấy là mô tả cơ bản cách tổ chức phòng ngự của Azzurri mà Conte đang cho triển khai.

Lối chơi phòng ngự này huy động sức mạnh tập thể để bù đắp cho thực tế là Italy hiện tại không có hậu vệ hay tiền vệ thủ đẳng cấp cao. Nhưng hiệu quả nó mang lại không hề thấp hơn khả năng phòng thủ xuất sắc của những cá nhân đơn thuần. Từng cầu thủ đều đã được phân giao nhiệm vụ rất rõ ràng nên khi nhập cuộc họ vận hành giống như cỗ máy đã lập trình. Nhưng Italy của Conte đang thành công không chỉ nhờ cách tổ chức phòng ngự đạt độ hợp lý cao mà còn nhờ nghệ thuật “ru ngủ” đối phương trứ danh của họ.


Italy của Conte đang thành công nhờ nghệ thuật “ru ngủ” đối phương trứ danh của họ.

Chính lối đá làm đa số người Việt (ở đây là những người không hiểu và không cảm được tính đầu óc trong lối chơi của Azzurri) xem cảm thấy buồn ngủ theo đúng nghĩa đen ấy lại là lối đá rất đặc trưng của Azzurri mà phiên bản do Conte dẫn dắt hiện nay vẫn đang triển khai đúng kiểu chơi truyền thống ấy.

Đặc trưng của lối chơi ấy là gì? Italy đá với nhịp độ chậm hoặc trung bình trong phần lớn thời gian của trận đấu nhưng sẽ bất ngờ tăng tốc trong những khoảnh khắc hoặc tình huống cụ thể và “ru ngủ” đối phương bằng khá nhiều...đường chuyền hỏng. Làm gì có đối thủ nào cứ chăm chăm đề phòng mãi một đội bóng đá chậm và luôn tỏ ra “vô hại” suốt quãng thời gian dài với nhiều đường chuyền nhiều khi rất vu vơ, không chính xác?

Có thể là lúc đầu họ sẽ đề phòng nhưng khi Italy cứ đá mãi một kiểu như thế thì thường là sẽ có lúc đối thủ của họ mất tập trung, sơ hở. Đó chính là lúc Azzurri tung ra nhát kiếm tử thần. Bàn thắng của Eder ghi vào lưới Thụy Điển là minh chứng. Cho tới trước tình huống ấy, Eder tỏ ra hoàn toàn “vô hại” và Italy cũng chỉ có đúng pha đánh đầu dội xà của Parolo. Những ai đã xem Eder đá với Bỉ thì chỉ thấy cả trận anh không tung ra cú sút nào mà thường xuyên lùi về sân nhà phòng ngự như một hậu vệ.

Nhưng rồi bất ngờ Eder bỗng nhiên đi bóng thật nhanh và quyết đoán rồi tung cú sút hạ gục Thụy Điển. Nếu một tiền đạo lúc nào cũng tỏ ra nguy hiểm hoặc ít nhất đã nổi tiếng về tài săn bàn thì đối thủ của anh ta sẽ luôn luôn được đặt trong trạng thái báo động cao suốt cả trận đấu. Nhưng Italy của Conte hiện tại lại không có cái tên nào nổi bật thực sự (không kể vị trí thủ môn của Buffon) ở cả trung tuyến lẫn hàng công nên đối thủ...không biết kèm ai hay đề phòng đặc biệt với ai!

Những con người hiện nay dĩ nhiên không phải là mong muốn của Conte nhưng chính hạn chế khách quan mà Azzurri đang gặp phải vô tình tạo ra lợi thế nhất định cho họ. Và nữa, khi không có bóng thì các tiền đạo Italy cũng không “cắm chốt” trong vòng cấm mà thường lùi về tận giữa sân nên theo kèm cũng khó.

Trong trận gặp Bỉ thì Bonucci phóng ra một đường chuyền đẳng cấp thế giới cho Giaccherini ghi bàn. Đối thủ nào có thể hình dung ra miếng đánh đó của Italy cho tới lúc ấy? Nó quá bí mật, quá bất ngờ bởi Giaccherini và Bonucci đâu phải là những người được chờ đợi sẽ đâm nhát kiếm sát thương vào trái tim người Bỉ.

Nếu là Andrea Pirlo ở trung tuyến thì đối thủ của Italy có thể sẽ nghĩ đến một miếng đánh như thế. Nhưng khi Pirlo không có mà lại là Bonucci cầm bóng lên thì không dễ để đề phòng. Mà một khi Italy đã dẫn bàn rồi thì họ lại càng có lí do để chơi thứ bóng đá phản công ưa thích của mình. Rất chắc chắn và khó chịu.

Đấy, nghệ thuật chơi bóng của người Italy diễn giải ra nó đơn giản như thế nhưng để thực hiện được thì nó đòi hỏi sự tinh tế đến vô cùng. Thứ bóng đá ấy chắc chắn trái với gu cảm thụ thông thường của phần lớn người Việt về cái đẹp nhưng với những ai đã đã yêu Calcio đủ lâu và đủ sâu thì tất nhiên sẽ thẩm thấu được cái hồn của nó và càng thêm yêu mến màu áo này. Trong vinh quang và cả trong cay đắng. Italy đơn giản là khác biệt và duy nhất.

Trọng Tuệ

nhiemttn  (24/06/2016 10:42:19)
Tuetinhnghia@gmail.com
Nói chung xem ý đá là phải kiên nhẫn. Các bác đều là những tifosi thì cãi nhau làm gì. Em thấy bác nào cũng có ý đúng. Chỉ mong ý vô địch là được.
Hà Nguyễn  (19/06/2016 10:59:56)
nguyenvietha2310@gmail.com
trình độ xem bóng đá của tức giả cũng ngang những cổ động viên mà tác giả chê thôi. Về chiến thuật và nhận thức chiến thuật cầu thủ Ý thuộc hàng số 1 thế giới. Nhưng bài viết nhiều sạn quá, vd như: cố tình chuyền hỏng (làm j có ai muốn điều này??), hàng thủ Ý hiện tại là thuộc loại giỏi của giải đấu chứ k phải vô danh nhé, còn tiền đạo của Ý tham gia phòng ngự do yêu cầu chiến thuật, chứ k phải để khó theo kèm, Eder vật vờ cũng là do phải phòng ngự nhiều, tập trug phá lối chơi đối thủ, toả sáng xuất thần chứ cũng k phải do "ru ngủ". Túm lại tôi là fan của Ý, của bóng đá phòng ngự phản công, của lối chơi đề cao chặt chẽ và khoa học nhug k thik bài viết theo tư duy thần thoại hoá như này
tuấn anh  (19/06/2016 09:42:13)
type317@gmail.com
Bình luận như đúng rồi! Làm như mỗi mình ông hiểu bóng đá ý trong khi bình luận sai bét.
Long Bùi  (19/06/2016 09:21:05)
honglongmt@gmail.com
Cả bài báo dài ngoằng mà k thể hiện đc điểm j. Đối với những ng đã xem, yêu bóng Ý thì chả cần tác giả phải phân tích hộ (mà thật ra tác giả phân tích cũng có hay đâu). Còn với những ng thích tiki-taka, hay kick-run, hay là gì gì đi nữa, thì cũng là sở thích của họ. Đoạn đầu thì chụp mũ "số đông ng Việt", đoạn sau thì phân tích dài dòng, nản.
forzadt  (19/06/2016 07:47:07)
thientandtk30@gmail.com
Quá hay. Quá chuẩn. Một góc nhìn quá sâu sắc chỉ có thể đến từ một tifosi đích thực. Cám ơn anh Trọng Tuệ.
Tam  (19/06/2016 07:13:53)
Omertarule@yahoo.com
Bài viết hay ! Mặc dù hơi quá nhưng tifosi rất thích.
gin  (19/06/2016 04:55:23)
thainguyentr97@gmail.com
Về việc tác giả viết rằng đẳng cấp chiến thuật của Azzurri nằm ở .... những đường chuyền hỏng(!??) hình như hơi nhầm, bỏi lẽ với đội bóng chú trọng phòng ngự như Italy thì nhũng đường chuyền phản công còn quý hơn mạng sống, họ chỉ cần 1 đến 2 đường chuyền là kết liễu đối thủ. Việc chuyền hỏng nhiều trong các trận đấu đã nói lên điểm yếu của họ : 1 Italy bình dân không có những ngôi sao xuất chúng, đặc biệt là tuyến giữa, buộc họ phải tấn công biên với những cầu thủ mà tốc độ và kỹ thuật không thể so với đối thủ. Conte sẽ phải để ý rất nhiều 2 biên, nếu ko muốn đòn hồi mã thương xuyên thủng lớp giáp kỳ công của mình
Phạm Hà  (19/06/2016 04:25:35)
ha75december@gmail.com
Bài viết thường quá.
tieunhupha  (19/06/2016 03:18:12)
tieunhupha@yahoo.com.vn
Tác giả mải mê kể về những cái yếu kém của khán giả mag quên đi rằng Bonucci chính là hậu vệ phát động tấn công hàng đầu thế giới hiện nay.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến