(Thethaovanhoa.vn) - Thi đấu trọn 90 phút trong trận Eintracht Frankfurt thua Mainz 0-2, lão tướng Makoto Hasebe đã có lần thứ 309 ra sân tại Bundesliga, vượt qua kỷ lục do huyền thoại Cha Bum Kun đã nắm giữ suốt 30 năm qua.
Bruno Fernandes sẽ đưa MU trở lại đỉnh cao. Dybala bất ngờ ‘tỏ tình’ với Barca. Bóng đá Italia chốt thời gian mở cửa thị trường chuyển nhượng. Tin tức bóng đá ngày 9/6.
“Tôi rất tự hào khi thi đấu nhiều trận ở Bundesliga hơn bất cứ cầu thủ châu Á nào. Nhưng với tôi, quan trọng hơn cả là đội nhà chiến thắng. Tiếc là chúng tôi đã không có được điều đó”, Makoto Hasebe chia sẻ trên trang web chính thức của Bundesliga. Hiện tại, Frankfurt đang xếp thứ 11/18 đội ở Bundesliga với 35 điểm. Họ khó lòng lọt vào Top các đội dự Cúp châu Âu, song cũng không còn phải lo trụ hạng nữa.
Cái duyên với nước Đức
Tháng 10/2007, sau khi Makoto Hasebe ghi bàn gỡ hòa 2-2 cho Urawa Reds ở bán kết lượt về AFC Champions League gặp Seongnam Ilhwa (4-4 chung cuộc, 5-3 luân lưu), đại diện của AC Siena đã liên hệ với đội bóng Nhật để đưa anh về sân Montepaschi. Nhưng Makoto Hasebe đã không đi theo con đường của những Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Takayuki Morimoto. Tháng Giêng 2008, anh trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên khoác áo Wolfsburg. Một năm sau, tiền vệ này trở thành cầu thủ Nhật thứ hai vô địch Bundesliga, sau Yasuhiko Okudera của Cologne năm 1977.
9 năm sau, Hasebe vượt luôn kỷ lục 234 trận của Okudera để trở thành cầu thủ Nhật thi đấu nhiều nhất ở Bundesliga. Và bây giờ, anh vượt qua nốt cả Cha Bum Kun huyền thoại để trở thành cầu thủ châu Á thi đấu nhiều nhất tại Bundesliga. Sự nghiệp của Hasebe ở Đức chủ yếu là khi anh khoác áo hai CLB Wolfsburg và Frankfurt, bên cạnh chuyến phiêu lưu ngắn ngủi tới Nuremberg ở mùa giải 2013-14. Với Wolfsburg, anh đã có chức vô địch Bundesliga, còn với Frankfurt là chiếc Cúp quốc gia ở mùa giải 2017-18.
Hợp đồng của Hasebe với Frankfurt vẫn còn thời hạn đến hết mùa giải 2020-21, và với phong độ khá ổn định, anh sẽ còn phá sâu kỷ lục của Cha Bum Kun. Trong 6 mùa giải khoác áo Frankfurt, Hasebe chưa bao giờ đá dưới 20 trận/mùa ở Bundesliga cả. Hasebe cũng đã từ giã đội tuyển Nhật Bản sau World Cup 2018 (với 114 trận), nên giờ anh đã có thể toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp ở CLB. Mùa giải này, dù đã 36 tuổi, Hasebe vẫn đá tới 36 trận. Anh có thể chơi tốt ở cả vị trí trung vệ và tiền vệ phòng ngự.
Hasebe đang là đội phó ở Frankfurt, và sắp tới, anh còn vinh dự nhận vị trí đại sứ CLB trong thời hạn 3 năm. Rõ ràng, sau 6 năm cống hiến ở Commerzbank-Arena, và hơn 1 thập kỷ tại Bundesliga, anh hoàn toàn xứng đáng với vai trò này.
Bundesliga là đất lành của người Nhật
Makoto Hasebe không phải cầu thủ Nhật Bản duy nhất ở Frankfurt. Hiện tại, đội bóng này còn sở hữu một tài năng khác của bóng đá xứ mặt trời mọc là Daichi Kamada. Mùa trước, Kamada được cho Sint Truidense – đội bóng mà Công Phượng từng khoác áo - mượn và gây ấn tượng mạnh với 16 bàn sau 36 trận. Tại Bundesliga, có thể kể thêm 2 cầu thủ Nhật Bản nữa là chân sút Yuya Osako (Werder Bremen) và Shinta Appelkamp (Dusseldorf).
Makoto là một tượng đài của bóng đá Nhật ở Bundesliga, và anh cũng là minh chứng cho việc cầu thủ Nhật dễ thích ứng và tỏa sáng ở giải đấu này như thế nào. Đặc biệt, với tổng cộng 32 cầu thủ đã và đang thi đấu ở Bundesliga, Nhật Bản chính là quốc gia châu Á đóng góp nhiều cầu thủ nhất tại giải đấu này. Ngoài Hasebe, chúng ta còn có thể dễ dàng kể ra nhiều cái tên đáng chú ý khác như Hiroki Saka, Gotoku Sakai, Shinji Kagawa, Shinji Okazaki…
Tại sao Bundesliga lại thích cầu thủ Nhật, và cầu thủ Nhật lại thích đến đây? Thứ nhất, Bundesliga không giới hạn đăng ký lẫn chuyển nhượng các cầu thủ ngoài EU như các giải đấu lớn khác. Thứ hai, bóng đá Đức được biết đến với lối chơi tập thể, kỷ luật và tinh thần mạnh mẽ, và đó là điều tương đồng với người Nhật vốn rất có tinh thần mạnh mẽ, chăm chỉ và sẵn sàng đặt lợi ích của tập thể lên trên hết. Và thứ ba, Bundesliga không đòi hỏi quá nhiều thể lực như ở Anh, không quá nặng về chiến thuật như ở Ý, hay thiên về kỹ thuật như La Liga. Lối chơi tập thể và cách quản lý của người Đức giúp cho các cầu thủ người Nhật phát triển và phát huy tốt nhất điểm mạnh của mình.
Kỷ lục gia thầm lặng
Bất chấp vừa vượt qua kỷ lục của Cha Bum Kun, Makoto Hasebe chưa bao giờ được xem là hay nhất trong thế hệ của mình. Lý do có lẽ nằm ở vị trí tiền vệ phòng ngự, được xem là "ăn no, vác nặng", cũng như sự đa năng của anh.
Đó cũng là điều dễ hiểu khi những cầu thủ ghi bàn luôn được đánh giá cao hơn hẳn những vị trí ít ghi bàn. Hasebe có thể đã vượt Cha Bum Kun, thậm chí sẽ còn bỏ xa về số trận thi đấu, nhưng với vỏn vẹn 7 pha lập công sau hơn 13 năm thi đấu tại Bundesliga, chắc chắn anh không thể vượt qua nổi thành tích 98 bàn thắng của huyền thoại người Hàn Quốc.
"Tôi có nghe về kỷ lục này, và nó làm tôi tự hào. Cha Bum Kun là một cầu thủ lớn, và tôi rất tôn trọng ông ấy", Hasebe cho biết, "Tôi nghĩ mình sẽ đá thêm nhiều trận nữa, nhưng chắc chắn không thể ghi bàn được hơn Cha".
Hasebe gây dựng sự nghiệp của mình bằng lối chơi quyết liệt và cách phòng ngự gan lì. Anh nổi tiếng với lối đeo bám không biết mệt mỏi để giành lại bóng. Nhưng rõ ràng, đó là những điểm không dễ nhận thấy như cách các cầu thủ tấn công phá lưới đối phương. Anh còn sẵn sàng thi đấu ở mọi vị trí, khi được yêu cầu.
Năm 2011, khi còn đá cho Wolfsburg, Hasebe đá chính trên sân Hoffenheim ở vị trí hậu vệ phải, chuyển sang đá tiền vệ trung tâm sau giờ nghỉ. Và trong 15 phút cuối, anh được HLV Felix Magath bố trí chơi ở vị trí... thủ môn, do thủ thành Marwin Hitz bị đuổi, còn đội thì đã hết người thay. Về lý thuyết, Hasebe trở thành... thủ môn Nhật Bản đầu tiên ở Bundesliga.
Khi nói đến những cầu thủ vĩ đại nhất châu Á, rõ ràng những cái tên như Cha Bum Kun, Hidetoshi Nakata, Ali Daei và Son Heung Min sẽ được nhắc đến đầu tiên. Họ đều là những ngôi sao tấn công, nhưng sẽ công bằng hơn nếu ghi nhận thêm vai trò thầm lặng của Makoto Hasebe.
|
Tuấn Cương