Ghế HLV của tuyển Đức: Ai thay thế Joachim Loew?

Thứ Hai, 15/10/2018, 13:56 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng Chín vừa qua, Joachim Loew có nói rằng, ông sẽ quan tâm đến việc thử sức ở Premier League sau EURO 2020. Có điều, sau thất bại thảm hại trước Hà Lan ở UEFA Nations League, ông có lẽ sẽ phải cân nhắc lại.

Bóng đá Đức tệ hại: Tuyển Đức, Bayern khủng hoảng, không ai được đề cử Quả bóng vàng

Bóng đá Đức tệ hại: Tuyển Đức, Bayern khủng hoảng, không ai được đề cử Quả bóng vàng

Thảm bại 0-3 trước Hà Lan ở UEFA Nations League đêm qua là minh chứng gần nhất cho sự tệ hại toàn diện của bóng đá Đức hiện nay, từ cấp câu lạc bộ cho đến đội tuyển quốc gia.

Bài học Hà Lan và Tây Ban Nha

Phải thừa nhận rằng, khi vinh quang đã tuột khỏi tay Loew thì việc níu kéo chiếc ghế của ông ở đội tuyển Đức là vô nghĩa. EURO 2016, World Cup 2018 và giờ là những trận đầu tiên tại UEFA Nations League, nếu chiến thắng không còn đến, hoặc thi thoảng, với Mannschaft thì chuyện ông ở lại chỉ càng khiến tình hình thêm tồi tệ. Và khiến cuộc cải tổ lực lượng của người Đức từ nay cho đến EURO 2020 hay World Cup 2022 càng mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Để thấy rõ hơn, thất bại của Hà Lan và Tây Ban Nha trong 4 năm qua là những bài học rất mới. Tiếc là ở thời của Loew, chức vô địch World Cup 2014 và Confederations Cup 2017 đã không giúp ông nhận ra thực tế này. Bằng chứng là Hà Lan sau World Cup 2014 đều không thể vượt qua vòng loại EURO 2016 và World Cup 2018. Và họ đã mất chừng đó năm trước khi từng bước gượng dậy dưới sự dẫn dắt của Ronald Koeman. Thậm chí, trong một đêm ở Amsterdam mà đội bóng của Loew chơi quá dở, đội chủ nhà có thể ghi 5-6 bàn thắng thì chính người Đức đã biến Hà Lan của Koeman trở lại là một đội bóng đẳng cấp thế giới.

Tây Ban Nha hiện tại cũng vậy. Vicente Del Bosque đã có cả World Cup 2010 và EURO 2012, vậy ông còn muốn gì nữa khi cùng Tây Ban Nha đến World Cup 2014, rồi EURO 2016. Chẳng lẽ ông muốn trở thành HLV vĩ đại nhất trong lịch sử, khi mà một danh hiệu World Cup là quá đủ để làm nên tên tuổi của bất cứ ai.

Giống như Del Bosque, Loew đã đi vào vết xe đổ đó. Nói gì thì nói, khi đội tuyển Đức đã vươn tới đỉnh cao là danh hiệu World Cup 2014 thì thất bại tại EURO 2016 báo hiệu rằng, họ chỉ có đi xuống chứ không thể đi lên. Đành rằng không ai phủ nhận chiến thắng ở Confederations Cup 2017, đội tuyển Đức năm đó chỉ là đội B, thay vì là đội A có mặt tại Nga sau đấy 12 tháng.

Quan trọng hơn, khi Loew đã cạn kiệt ý tưởng, khi tình cảm và sự trung thành biến thành những quyết định thiên vị thì việc Đức thất bại với sự cũ kĩ là điều không thể tránh khỏi. Mỉa mai là nếu Loew dũng cảm đưa đến Confederations Cup 2017 với rất nhiều gương mặt trẻ và nhiều thử nghiệm, ông lại không dám duy trì và thay đổi sau World Cup 2018 mà Đức trở thành kẻ thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử của họ.

Đã đến lúc thay đổi

Nếu đủ bản lĩnh và sự tỉnh táo, Loew hiểu rằng ông nên rút lui vào thời điểm này, thay vì để DFB làm điều đó và càng không với người hùng đã giúp đội tuyển Đức lần đầu vô địch World Cup sau 24 năm chờ đợi.

Bởi một quyết định như vậy từ Loew sẽ dễ dàng cho tất cả, giúp DFB không phải mang tiếng là sa thải ông, giúp đội tuyển Đức có thể tránh được những thảm họa tương tự trong tương lai gần và để cuộc cải tổ của người thay thế ông sau đó diễn ra nhanh hơn.

Quan trọng nhất, bóng đá Đức không thiếu những HLV giỏi cho vị trí của Loew. Tạm bỏ qua các ứng cử viên như Zinedine Zidane hay Arsene Wenger mà vì niềm tự hào dân tộc, người Đức khó chấp nhận để một HLV ngoại dẫn dắt Mannschaft, họ đang có những cái tên sáng giá như David Wagner (Huddersfield), Juergen Klopp (Liverpool) tại Anh; Julian Nagelsmann (Hoffenheim), Ralf Rangnick (RB Leipzig), Dieter Hecking (Monchengladbach) hay Florian Kohfeldt (Werder Bremen) tại Đức và nhất là Stefan Kuntz, HLV của U21 Đức hiện nay.

Thực tế thì cho dù là ai, đội tuyển Đức không thể không thay đổi trong những trận đấu còn lại ở UEFA Nations League và xa hơn là EURO 2020, World Cup 2022, để những Julian Draxler, Leroy Sane, Julian Brandt, Niklas Sule hay Leon Goretzka cảm thấy họ chính là tương lai của Mannschaft, chứ không phải kẻ thất bại như Thomas Mueller, Mats Hummels, Jerome Boateng…

Sự ổn định trên băng ghế huấn luyện

100 năm qua, đội tuyển Đức chỉ có 10 HLV dẫn dắt. Con số rất thấp này cho thấy sự tin tưởng của DFB vào mỗi quyết định bổ nhiệm và ít nhiều thành công mà các HLV đội tuyển đạt được. Thực tế thì chỉ có giai đoạn khủng hoảng vào cuối những năm 90 và đầu 2000, đội tuyển Đức có 3 người dẫn dắt chỉ trong 6 năm từ 1998 đến 2004 là Erich Ribbeck, Rudi Voeller và Juergen Klinsmann. Riêng với Joachim Loew, ông dẫn dắt Mannschaft từ năm 2006 đến nay.

Mạnh Hào

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến