(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội đua voi huyện Buôn Đôn 2016 được Sở văn hóa Thể thao và Du Lịch phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn tổ chức từ ngày 12/3/2016 đến 14/3/2016.
Đua voi vượt sông Sêrêpôk
Tham gia lễ hội đua voi năm nay có 18 con voi khỏe nhất, đại diện cho 18 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Tại lễ hội năm nay, các “VĐV” voi sẽ tham gia thi tài đá bóng, thi chạy tốc độ trên cạn và thi bơi vượt sông Sêrêpốk.
Buôn Đôn là một làng trên cao nguyên Đắk Lắk, nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, cách Buôn Ma Thuột khoảng 40 km về hướng Bắc. Buôn Đôn mang sắc thái của nhiều dân tộc cộng cư ít đâu có được như Lào, Khơme, Êđê, M' Nông, Gia Rai..... rồi dân tộc Kinh và cả một số dân tộc phía Bắc cũng đến lập nghiệp nơi đây.
Xưa kia nói tới Buôn Đôn là nói tới cả một khu vực rộng lớn, vươn dài theo dòng sông Sêrêpôk quanh năm nước chảy hiền hòa, con gái, con trai, người già, trẻ nhỏ say sưa với những vũ điệu dân gian trong lễ hội cùng nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng.
Đua voi đá bóng
Ngày nay, nói tới Buôn Đôn không thể không nói tới hội đua voi, một lễ hội độc đáo và chỉ có ở Đăk Lăk. Du khách gần xa nên đến Buôn Đôn từ những ngày trước đó để tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, sinh hoạt của nhiều dân tộc; vừa thăm thú các điểm du lịch sinh thái, thắng cảnh đẹp như thác Bảy nhánh, du lịch Cầu treo, hồ Đức Minh, nhà sàn cổ, mộ vua voi…
Ở đây, có vườn quốc gia Yok Đôn nổi tiếng là vườn quốc gia rộng nhất Việt Nam với hệ sinh thái rừng khộp đầy tiềm năng khai thác du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và đặc biệt là bản sắc dân tộc của các buôn làng với các bến nước còn giữ được các nét nguyên sơ...
Đến ngày hội đua voi, đồng bào các buôn xa gần nườm nượp đổ về buôn Đôn. Dân làng tại đây cùng du khách cũng náo nức tham gia ngày hội đua voi. Họ kéo về nơi đua voi với chiêng, trống đánh dồn dập liên hồi như thúc giục các chú voi, làm cuộc đua thêm hào hứng và sôi nổi. Các chàng trai, cô gái mặc áo thổ cẩm thêu hoa văn của dân tộc bản địa mở màn với điệu múa Soan theo nhịp trống và chiêng dồn dập, ngân vang khắp đại ngàn như thúc giục những người ở xa nhanh chân đến với lễ hội.
Đua voi chạy tốc độ
Cuộc đua diễn ra trên một khu đất rộng rãi, bằng phẳng. Mỗi đợt đua thường có từ 3 đến 5 chú voi tùy thuộc vào số lượng voi tham gia. Những chú voi chạy về nhất mỗi đợt sẽ giành quyền vào đua vòng sau. Cứ như thế cho đến khi chọn được chú voi về nhất, nhì và ba của cuộc đua.
Điều khiển mỗi chú voi có 1 Gru (nài voi) ngồi trên cổ, hai chân quặp vào cổ voi và dùng chân điều khiển, một người phụ giúp ở phía sau đuôi. Bước vào cuộc đua, các chú voi chậm chạp, lững thững tiến về vị trí tập kết. Khi có lệnh xuất phát, lập tức, những chú voi nặng nề lay động rồi dũng mãnh lao về phía trước, chiếc vòi cuốn nguợc lên trời, tiếng gầm rú đanh và dài của các chú voi, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên cùng với tiếng cổ vũ, hò reo của du khách thúc giục những chàng khổng lồ của núi rừng hăng hái phóng thật nhanh đến đích làm náo động cả một góc trời, phá vỡ sự yên tĩnh vốn có hàng ngày ở nơi đây…
Đua voi chạy tốc độ
Trong lúc này, nài voi phải thật dũng cảm và bình tĩnh, lúc dịu dàng nhưng có lúc phải dứt khoát để điều khiển, khéo léo để đưa voi mình giành thắng lợi. Nài voi ngồi phía trước phải vận dụng đôi mắt thật tinh, cùng cặp chân điều khiển thật thành thạo, gò cho voi lao nhanh đến đích. Người giúp việc phía sau, một tay nắm sợi dây giữ cho mình khỏi rơi xuống đất chồm người ra phía trước, tay kia cầm chiếc búa gỗ, gõ vào mông voi nhanh chậm tùy theo tốc độ của đối phương.
Đây là những người dũng cảm và nhiều kinh nghiệm trong nghề thuần dưỡng voi. Những chú voi chạy đến đích khéo léo ghìm chân. Nài voi hãnh diện điều khiển cho nó quay đầu trở lại, chú voi vung chiếc vòi lên cao vẩy qua lại như để chào khán giả.
LKV