Cặp vợ chồng 9X Việt Nam phượt Maldives nổi tiếng thế giới chỉ sau 1 tuần

Thứ Hai, 24/4/2017, 6:57 (GMT+7)

(Du lịch - Thethaovanhoa.vn) - Cặp vợ chồng 9X Việt Nam Nguyễn Công Hoàng và Nguyễn Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm du lịch bụi Maldives cực kỳ chi tiết sau chuyến đi gây sự chú ý đặc biệt trên cộng đồng Phượt thế giới.

Công Hoàng đã làm video dài hơn 4 phút ghi lại những hình ảnh đáng nhớ nhất trong chuyến đi tới đảo quốc ở Ấn Độ Dương của hai vợ chồng. Video phượt Maldives của bạn được website UNILAD Adventure ( Cộng đồng với hơn một triệu thành viên)  chia sẻ và nhận được hơn 500.000 lượt xem chỉ sau một tuần. Mời các bạn xem video của Công Hoàng và những chia sẻ chi tiết của bạn về kinh nghiệm du lịch tự túc tới thiên đường biển đảo Maldives.


Video du lịch Maldives của Công Hoàng được cả website quốc tế đăng tải lại và gây tiếng vang lớn

*Kinh nghiệm phượt Maldives

Từ bé xem phim nhiều mình đã nghĩ có 3 nơi nhất định phải đến. Đó là Bali, Hawaii và Maldives. Bali thì mình đi đợt 2015 rồi vì nó khá rẻ. Maldives và Hawaii thì chưa dám nghĩ tới vì trước giờ mình nghĩ 2 chỗ này rất là xa xỉ. Đi rồi mới biết nó đúng là thiên đường và không quá đắt như mình nghĩ.

Ông nào bảo nước ở đâu trong xanh hơn Maldives là nói phét. Cát ở các nơi khác vẫn là cát vàng lẫn phù sa chảy từ sông ra. Sóng biển đánh vào là cuộn đục ngàu. Còn cát ở Maldives là xác san hô chết qua hàng ngàn năm tạo thành nên rất trắng, sóng đánh thoải mái ko có vẩn đục. Nước biển xanh bích được hay ko chủ yếu do cát và phù sa sạch hay không.


Vợ Nguyễn Công Hoàng tại Maldives

*Đi Maldives như thế nào?

Máy bay! Đương nhiên là máy bay rồi! Maldives là quần thể hàng nghìn hòn đảo mà không có đường bộ để đến. Dĩ nhiên bạn có thể bơi hoặc đi phà nếu muốn thành người nổi tiếng lên Tivi.

Mình khuyến khích đi Tiger Air (transit ở Singapore) là rẻ nhất mà hãng này rất đúng giờ (trước đi Bali cũng vậy). Bạn có thể tham khảo Air Asia (transit ở Kuala Lumpur) hoặc Thai Airway (transit ở Bangkok). Nếu không săn được đúng đợt như mình thì các hãng giá rẻ khứ hổi cũng phải 12-14tr/1 người. Còn VN Airline chắc 30tr/1 người. Mình đi từ Hà Nội nên đắt hơn, bạn nào book vé đi từ HCM chắc còn rẻ hơn nữa.

Một ngày đẹp trời đầu tháng 10/2016, đang ngồi rảnh tự dưng ma xui quỷ khiến thế nào chui vào Avia xem vé đi Maldives, giật mình thấy khứ hồi 1 người 7,1 triệu của Tiger Air. Thấy ham ham mà sợ đắt đỏ nên về nhà....hỏi ý kiến vợ.  Vợ chồng cứ lùng bùng mãi 1 tuần sau mới quyết đi, vào Avia book xong xuôi cả thuế lên tầm 7,6tr/1 người.

Được một lúc sau anh nhân viên Avia gọi lại tưởng để confirm hóa ra báo là hết vé 7,6tr chỉ còn vé 10,5tr. Thế là 2 vợ chồng lại lăn tăn.... May quá nhờ người quen của u mình làm bên phòng vé, không những không mua được với giá 7,6tr mà là giá 6,7tr (vẫn ngày giờ, số hiệu chuyến bay y chang mà Avia dám báo hết vé, tăng giá, láo thật)

Maldives không cần VISA nếu bạn đi dưới 30 ngày. Nhập cảnh bạn nhớ điền Immigration Form, qua Immi người ta sẽ xé một nửa đưa bạn một nửa, nhớ giữ đến lúc về phải xuất trình.

Hải quan Maldives rất dễ tính, họ không kiểm tra tiền mặt hay đặt phòng như đồn đâu, cứ đóng dấu cạch cạch thôi. Mình thậm chí còn quay phim chụp hình khi họ làm việc (ở Sing với Việt Nam là thu máy luôn).

Đi lúc nào: Mùa cao điểm để du lịch Maldives là từ tháng 1 đến hết tháng 4. Giá cả tuy có đắt đỏ hơn 1 chút nhưng bù lại trời trong xanh ít mây, ít mưa, biển không động rất đẹp, đi tầm này còn tránh đc rét ở Miền Bắc gửi nắng về nhà cho lũ bạn GATO nữa. Mùa thấp điểm là tháng 6 đến tháng 10. Nếu đi mùa này giá phòng  và vui chơi chắc sẽ rẻ hơn 20-30%.



*Ở đâu? Có 2 lựa chọn phổ biến nhất

Một là ở các resort để nghỉ dưỡng đúng nghĩa, hơn nữa các resort này rất đẹp vì có công nhân dọn rác bãi biển 2 tiếng 1 lần (toàn dân Banglades vs Srilanka, Ấn độ sang làm thuê, đen trũi nhìn rất thương. Có 2 ông khuân vali hộ vợ chồng mình vào phòng rồi cứ đứng cười cười, mình tip cho mỗi ông 10$ cho đỡ khổ).

Ở các resort 4 sao trở lên thì giá phòng Standard từ 200$ trở lên (chưa bao gồm thuế, phí. Cái này các bạn phải cẩn thận vì Maldives có 12% thuế, 10% phí dịch vụ, 3$/1 người phí bảo vệ môi trường đều chưa tính trong giá). Giá phòng Water từ 500$ trở lên.

Hai là ở các đảo địa phương có dân sinh sống, phổ biến nhất cho dân phượt là đảo Maafushi, đảo này cái gì cũng rẻ, mỗi tội chỉ có 1 bãi tắm được mặc bikini. Biển cũng bẩn nữa (cuối đảo có 1 nhà máy xử lý rác thải nhưng k có mùi đâu). Ở Malé hoặc Maafushi thì giá phòng rất mềm, chỉ từ 35$/1 phòng cũng có, phòng seaview các kiểu mà ok cũng chỉ tầm 80-90$

Lời khuyên theo lịch trình mình là ở 2 ngày ở resort để trải nghiệm. 3 ngày ở Maafushi để mua tour đi chơi cho rẻ. Khi ở resort thì nên chọn gói All-Inclusive sẽ lợi hơn (gói này gồm những gì mình sẽ post ảnh riêng ở trong bài). Ở Maafushi thì không có gói All-Inclusive này, chủ yếu bao ăn sáng thôi.

Resort thì mình recommend ở Adaaran Club Rannalhi 4*. Mà đã ở resort là phải ở hẳn Water Villa vì nó là đặc sản của Maldives rồi, bước 1 bước là xuống biển (ở phòng Standard thì lên Maafushi cho lành)

Giá cả phải chăng (All Inclusive tầm 1000$/1 đêm đã gồm thuế, phí, vận chuyển. Đây là giá resort loại rẻ đấy, cũng resort mà có những con 10-20k USD/đêm cơ) Biển rất đẹp, yên tĩnh, đảo không to quá. Đồ ăn buffet đúng nghĩa.

Mình có vào cả con Adaaran Pretige Vadoo 5* đắt hơn con 4* kia một chút nhưng đảo này bé quá, ăn buffet thì kiểu order xong họ mang ra rất lâu. Món ăn thì không được nhiều, chỉ được cái sang chảnh, cái đĩa to đùng 1 quả cà chua. Đợt mình đi đúng hôm sinh nhật 8 năm của Vadoo, họ tổ chức tiệc ngoài bãi biển mời mọi người xuống quẩy, rượu và bánh ngọt free.

*Di chuyển ở Maldives như thế nào?

Các đảo, thậm chí là thủ đô ở đây rất bé, nên oto dường như rất ít. Ngay cả thủ đô Malé bạn chỉ cần đi bộ 15p là hết chiều dài thủ đô. Phương tiện ở đây chủ yếu là phà (ferry) và speedboat. Khi bạn vừa xuống sân bay, qua cổng Arrival (xem ảnh) rẽ phải đi đến kịch đường là bến phà sang thủ đô Malé (phải sang Malé mới có phà đi Maafushi). Giá 10MVR/1 người (1$=15MVR, bạn có thể đổi 1 ít MVR nếu xác định đi phà vì nếu đưa 1$ là người ta không trả lại luôn). Phà này 10 phút 1 chuyến 24/7.

Nếu bạn đi thẳng là ra bến speedboat. Ở đây thì 10$/per ra thẳng Maafushi (khung giờ rất nhiều tha hồ lựa chọn không cố định như phà) và đây cũng là nơi các resort đưa đón khách bằng speedboat của họ (nếu bạn đã đặt trước resort), một số ở xa đưa đón bằng thủy phi cơ (đương nhiên nó cộng cả vào giá phòng và rất đắt). Có 1 lưu ý là nếu bạn ở resort thì bắt buộc phải dùng vận chuyển của họ (dù đắt nhưng đó là quy định).

Tùy theo lịch trình mà bạn chọn loại phương tiện. Nên check kĩ giá trước khi book phòng resort, đừng thấy rẻ mà ham, mấy con ở xa đi bằng thủy phi cơ mất toi 1k $ vận chuyển đấy.

Khi sang đến thủ đô Malé thì bạn có thể bắt phà tiếp để sang Maafushi, giá vé 53MVR/1 người chạy lúc 10h sáng (riêng thứ 6 là ngày gì đó của đạo Hồi phà này không chạy). Chuyến về từ Maafushi là 12h hàng ngày. Lời khuyên của mình là đi speedboat cho nhanh. Từ Airport đi Maafushi có chưa đến 30p, thích đi lúc nào thì đi. Trong khi đi ferry từ Airport qua Male rồi tiếp sang Maafushi thì phải mất tầm 2 tiếng.


Vợ chồng Công Hoàng - Thu Hương đã có chuyến đi Maldives đáng nhớ

*Ăn uống ở Maldives

Ở resort 4* thì bạn được ăn buffet (không rõ 3 sao thì sao). Có rất nhiều món (phải tầm 100 món và thay đổi hàng bữa). Giá đắt tầm 50$/1 bữa nếu không mua All-incluvise. Đồ uống cũng 5-10$/1 cốc. Mua All-inclusive lợi hơn rất nhiều. Còn ở Maafushi thì cũng buffet mà chỉ có độ 10 món thôi và trọn gói 10$-15$/1 người. Không có cơm gọi món hoặc cơm suất như nhà mình đâu.

Tựu chung lại là đồ ăn kiểu Ấn toàn mùi húng lìu và rất mặn từ resort đến Maafushi. 2 vợ chồng mình ăn 1 tuần liền sợ quá. Ước có mì tôm Việt ăn cũng cảm thấy sung sướng. Ở đây không có thịt lợn, rất ít rau xanh, chủ yếu là khoai tây và thịt bò, không biết rau luộc là gì và hải sản gần như chỉ có cá (Cũng chỉ là 1 loại cá lưng đen, thân hơi tròn tròn, cá khác cũng rất ít. Mang tiếng đi biển mà cua ghẹ, mực, tôm không có con nào) Mình hỏi cả resort lẫn đi bộ hết Maafushi cũng không đâu có. Hình như do luật pháp bên này.

Chơi gì: Đừng chơi ở resort vì ở đó cái gì cũng đắt và ít trò chơi (có ảnh bảng giá chơi ở resort để so sánh) Nghỉ dưỡng và chụp choẹt thôi. Về Maafushi tha hồ chơi. Nhiều nhất là đi snorkeling. Gói đi chơi mình up ở ảnh.

Gói Snorkeling đa số là nửa ngày (đi từ 8h30 đến 1h, đi hơn chắc k đủ sức). Giá gần như bằng nhau 25$/1 người. Chỉ khác là nếu bạn mua tour của các quán ăn thì tàu của họ bé, chòng chành dễ say sóng. Sẽ được đi 1 đến 2 bãi lặn gần Maafushi (bạn không được chọn lựa), kèm ăn trưa BBQ ở Sand Bank.

Nếu bạn mua tour của các cửa hàng chuyên tour thì bạn sẽ được tùy chọn đi 3 địa điểm bất kỳ (có bãi san hô, bãi rùa, bãi cá mập, bãi manta, bãi string ray...nhiều lắm) nhưng không bao gồm ăn trưa. Tàu của họ to, chuyên nghiệp hơn nên đỡ say sóng hơn.

Ngoài ra còn có chơi Parasaling (Cano kéo dù bay) 15 phút, Jet Ski (Cano cao tốc) 15 phút, Scuba Diving (lặn bình dưỡng khí) 2h45 phút, Fly Boarding - trò này hay nè, như ở Dubai luôn (Bay bằng phản lực nước) 20 phút, Sailing, Fun tube, Kayaking.... rất nhiều và rẻ ở Maafushi.

Nếu bạn muốn đến chơi ở các resort, check in sống ảo, chụp choẹt mà không muốn tốn nhiều tiền thuê phòng lưu ý ở Maldives có dạng mua tour ra resort thăm quan.

Thường thì các tour như nhau là đến resort lúc 9 a.m và về lúc 5 p.m. Bạn cũng được sử dụng mọi thứ trong gói All inclusive như khách thuê phòng, chỉ khác là nếu mỏi thì k có phòng riêng nằm nghỉ phải vạ vật, chỉ được ăn bữa trưa mà k có bữa sáng và tối, không được vào bất kỳ phòng nào trên đảo. Giá các tour dao động từ 70-150$/1 người tùy độ sang chảnh của resort.

*Lưu ý

- Maldives theo đạo Hồi nên bạn không được ăn mặc hở hang trừ khi ở resort. Maafushi cũng chỉ có 1 bãi tắm quây kín được mặc bikini.

- Không được mang theo thịt lợn, rượu vào Maldives. (trên resort có phục vụ rượu)

- Mình cẩn thận mang theo ổ cắm điện đa năng rồi nhận ra là không cần thiết, ở Maafushi lẫn resort đều có trang bị sẵn ổ điện đa năng cắm được đủ các loại chân đa quốc gia luôn. Đất nước du lịch nên chuyên nghiệp thật.

- Nếu bạn hạ cánh sau buổi tối (speedboat ko làm việc) tất cả các ngày hoặc thứ 6 (không có phà) thì bạn phải nghỉ 1 đêm ở Malé mới có tàu sang Maafushi hoặc đi resort.

- Ở resort dù bạn mua gói All Inclusive thì bạn vẫn phải trả 10$/1 ngày cho 1 thiết bị vào wifi. Ở Maafushi thì free nhưng túm lại là ở đâu thì wifi cũng rất yếu. Sim 4g cũng không khá hơn mấy. 17$/1 sim 4G có 7Gb dung lượng. dùng được đúng 1 tuần khóa sim, 36$ thì được 25Gb dung lượng và 15 phút gọi quốc tế, 120 phút gọi nội mạng, 1 tuần khóa sim.

- Nếu bạn đi nghỉ tuần trăng mật và muốn 1 bữa tối lãng mạn tại bãi biển thì giá là 130$/1 bữa bất kể bạn có All Inclusive hay không.

- Trừ nhân viên resort không ai được cho cá ăn nếu bạn không muốn giết chúng (ngoài ra giết luôn tiền 13$/1 con của bạn)

- Nếu ở resort bạn phải liên hệ thời gian đến với resort trước 3-4 ngày. Họ sẽ cho người ra đón bạn tại sân bay. Nếu không liên hệ trước được thì ở sân bay, mỗi resort có 1 quầy mà họ gọi là CONCEKF. Các quầy này đánh số theo Zone (A,B,C,D...) và 1,2,3,4.... Ví dụ như Resort Adaaran Club Rannalhi mà mình chọn là quầy E2. Ở đó sẽ có nhân viên hướng dẫn bạn.

Khi đến người ta sẽ móc cho bạn 1 cái móc vào vali để đánh dấu khách và ghi số phòng luôn. Ở resort người ta đeo cho bạn 1 cái vòng tay để phân biệt khách. Vòng màu xanh biển là All Inclusive, khi bạn đến quầy bar lấy đồ uống hay đi ăn hay làm bất cứ gì, nhân viên chỉ cần nhìn bạn đeo vòng xanh là tự động lấy đồ đưa cho bạn mà không hỏi gì thêm (như kiểu kim bài miễn tiền - oai vãi). Mình thấy có vòng da cam vs xanh lá cây nữa, chắc là Full-board vs Half-board.

Tổng hợp lại từ đầu (phần này là tổng hợp cho các bạn tính tiết kiệm, không phải là chi phí thực tế của mình nhé vì ở Water Villa 2 ngày đã 50tr rồi) nếu bạn đi ngắn ngày (giả sử là 4) thì chi phí tối thiểu là 15tr vé máy bay (13tr4 như mình chắc khó) + tiền phòng thường ở Maafushi (đẹp chứ không phải tồi tàn nha) 4 ngày 250$, ăn uống, đi lại 4 ngày 100$. Tổng là mới 23tr/2 người/4 ngày. Rẻ vô đối phải không? Nếu bạn chơi thêm thì thêm tiền, ở resort thì lại thêm nữa.... tùy vào khả năng tài chính mà các bạn cân nhắc.

Bài, ảnh, video: Nguyễn Công Hoàng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến