“Mầm mống” Uyên Linh, Hương Tràm từ “kỷ lục gia” Tùng Dương
Chân ướt chân ráo bước vào làng nhạc bằng cuộc đua marathon âm nhạc tại sân chơi Giọng hát Việt mùa đầu tiên, quán quân mùa đầu Hương Tràm trở thành gương mặt mới nhất của bảng đề cử Nghệ sĩ mới của năm. Đây cũng là hạng mục giải thưởng mới nhất của Cống hiến, dành cho “ca sĩ, nhạc sĩ chính thức tham gia vào những hoạt động âm nhạc mang tính chuyên nghiệp trong vòng 2 năm tính đến thời điểm xét giải thưởng và tạo được tiếng vang trong công luận”.
Tùng Dương là nghệ sĩ đầu tiên đoạt hat-trick trong lịch sử cống hiến
Hai năm trước, năm 2010, Uyên Linh, ở xuất phát điểm tương tự Hương Tràm của năm 2012, đốt nóng không khí ca nhạc đang nguội lạnh, làm nên một hiện tượng của năm. Nhưng việc cô sinh viên Đại học Ngoại giao “bỗng dưng thành ngôi sao”, lọt vào bảng đề cử giải thưởng Ca sĩ của năm cùng với diva Thanh Lam và “ba chàng ngự lâm” Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, đã gây nên cuộc tranh luận nảy lửa cả trong và ngoài giới nhạc. Không ít người cho rằng, để “vừa vặn” hơn, Uyên Linh nên là ứng cử viên cho danh hiệu Nghệ sĩ mới của năm hơn là một Ca sĩ của năm (tại thời điểm đó, Uyên Linh chưa có một sản phẩm âm nhạc nào). Từ “hiện tượng Uyên Linh” (năm 2010 đó, số phiếu bầu cho Uyên Linh xếp thứ hai, sau Tùng Dương, người chiến thắng), ý tưởng về một giải Nghệ sĩ mới của năm manh nha trước đó trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và một năm sau, Nghệ sĩ mới của năm chính thức được đưa vào hạng mục bầu chọn và xét giải của Cống hiến.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại “lịch sử Cống hiến”, thì hiện tượng tương tự Uyên Linh, Hương Tràm đã xuất hiện ngay từ giải tiền Cống hiến, năm 2004. Lúc đó, trong bảng đề cử danh hiệu Ca sĩ của năm có hai cái tên “vàng” là Thanh Lam và Mỹ Tâm. Năm đó Thanh Lam bắt đầu “nổi lửa” với Lê Minh Sơn (album Ru mãi ngàn năm của Thanh Lam năm này giành giải Album của năm), còn Mỹ Tâm vừa hoàn tất live show hoành tráng nhất của mình (cho tới tận bây giờ) Ngày ấy & bây giờ, ở SVĐ Quân khu 7. Đối trọng với “nữ hoàng nhạc nhẹ” và “công chúa nhạc pop” là hai chàng trai vừa bước ra từ cuộc thi Sao Mai - Điểm hẹn mùa đầu tiên: Kasim Hoàng Vũ và Tùng Dương. Lúc đó, so với Kasim đã từng chinh chiến nhiều năm trên sân khấu ca nhạc (trước khi đi thi), lại giật giải Thí sinh được yêu thích nhất, thì Tùng Dương có phần “lép vế” hơn. Dương đoạt giải thưởng của Ban giám khảo (vốn không phải giải chính thức của Sao Mai - Điểm hẹn), chưa từng xuất hiện trên sân khấu lớn trước đó và thua xa Kasim về sức hấp dẫn ngoại hình (thời điểm đó, Hoàng Tuấn, ông bầu của ca sĩ Đan Trường, đang được xem như “phù thủy showbiz”, người có thể biến một giọng hát cát-sê 100 ngàn hồi đầu năm lên 10 triệu đồng vào cuối năm, tiên đoán như đinh đóng cột rằng kiểu ca sĩ “kém sắc” như Tùng Dương không có cửa ở showbiz!). Cũng bởi vậy mà mẹ của Kasim không tin được khi thùng phiếu Cống hiến được khui ra, số phiếu mà Tùng Dương nhận được từ các nhà báo lại nhiều hơn Kasim đúng 1 phiếu, đủ để Dương chạm tay vào chiến thắng. Và mọi thứ với Tùng Dương chỉ mới bắt đầu.
Giờ thì không ai có thể nghi ngờ về khả năng chinh phục từ giọng hát và những sáng tạo không mệt mỏi của anh trên con đường âm nhạc. Cho tới giờ này, Dương là “ca” đặc biệt nhất của Cống hiến: anh là ca sĩ lập hat-trick với giải thưởng Ca sĩ của năm (2004, 2010, 2011), là một trong hai ca sĩ có nhiều album giành giải Album của năm nhất (2007 với Những ô màu khối lập phương, năm 2010 với Li ti). Anh là một hình ảnh đầy thuyết phục về sự chiến thắng của cái mới, nghệ sĩ mới, phong cách âm nhạc mới ở Cống hiến.
Mỹ Linh- Anh Quân trong đêm Cống hiến 2012
Cảm hứng từ cái mới
Có thể nói, tính phát hiện và dự báo đã trở thành “cảm hứng” chủ đạo của giải thưởng âm nhạc đặc biệt này.
Năm ngoái, khi cái tên Lê Công Hải (Hải “Bột”) xuất hiện ở bảng đề cử Nhạc sĩ của năm, rất nhiều người giật mình: Lê Công Hải là ai? Nhưng một khi đã nghe album Đường về (đề cử Album của năm 2011) của nhóm Quái vật tí hon (lại một cái tên gây giật mình nữa) mà Hải là linh hồn trong biểu diễn và sáng tác, đặc biệt là sáng tác, thì cả dân trong lẫn ngoài giới nhạc chuyển từ ngạc nhiên sang sửng sốt. Năm đó, chàng trai “ít chịu ra ánh sáng” Lê Công Hải “đứng cùng” các tên tuổi lẫy lừng trong giới showbiz: Quốc Trung, Anh Quân, Lê Cát Trọng Lý, Nguyễn Hải Phong ở bảng đề cử Nhạc sĩ của năm, nhưng không ai cảm thấy có sự “chênh vênh” nào.
Trước đó, mùa giải Cống hiến 2010, album Bộ đội lọt vào đề cử Album của năm vào phút chót, khiến chủ nhân của nó cũng bất ngờ. Trước đó, mặc dầu gây ấn tượng ở Sao Mai - Điểm hẹn 2004 nhưng hình ảnh cô gái rock Thái Thùy Linh khá nhạt nhòa sau 2 album đầu tay, kéo theo tên tuổi Thái Thùy Linh trên thị trường ca nhạc cũng mờ nhạt theo. Album Bộ đội có một ý tưởng táo bạo với “nhạc đỏ” khi những ca khúc cách mạng quen thuộc (Hò kéo pháo, Dậy mà đi, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam…) được hát theo phong cách rock mạnh mẽ, nóng bỏng. Bản thân cũng tạo ra những tranh luận trái chiều, nhưng sự có mặt của Bộ đội trong Top 5 đề cử Album của năm 2010 chính là câu trả lời thuyết phục cho những tìm tòi sáng tạo mới.
Ca sĩ Thái Thùy Linh trình diễn ca khúc Hò kéo pháo trong đêm trao giải Cống hiến 2011
Trên thực tế, những sáng tạo mang tính “phá cách”, “nổi loạn” này cũng đã trở thành “tâm bão” dư luận trước đó, khi Mỹ Linh và ê-kíp của mình thực hiện “pop hóa”, thậm chí “hip hop hóa” nhạc cổ điển, trong album Chat với Mozart. Phải đương đầu với những cáo buộc về bản quyền âm nhạc, vấp phải không ít phản ứng của fan nhạc cổ điển, nhưng cuối cùng những sáng tạo của ê-kíp đã được công nhận và tôn vinh. Trong một năm số lượng các đề cử ở hạng mục Album của năm lên tới con số 7 (một kỷ lục), Chat với Mozart đã chiến thắng thuyết phục với 33/60 phiếu bầu cho danh hiệu Album của năm 2005. Không chỉ mang về cho ê-kíp một trong những giải thưởng âm nhạc quan trọng nhất của năm 2005, Chat với Mozart, có thể nói, đã góp phần gieo những hạt mầm ý tưởng sáng tạo không giới hạn trong âm nhạc, mà Bộ đội (pop-rock hóa nhạc đỏ) của Thái Thùy Linh (Cống hiến 2010), rồi Classsic Meets Chillout (nhạc cổ điển giao thoa với một nhánh của nhạc điện tử) của Phạm Thu Hà (Cống hiến lần thứ 8-2013) có thể xem là những tiếp nối.
Nhưng chiến thắng không dành cho tất cả
Là cảm hứng chủ đạo của các đề cử trong nhiều năm, nhưng không phải cái mới nào cũng chiến thắng.
Trở lại với “trường hợp” Tùng Dương, Uyên Linh, Hương Tràm, dù cùng xuất phát điểm, nhưng ngay trong năm đăng quang Sao Mai - Điểm hẹn 2004, Tùng Dương đã có album đầu tay (Chạy trốn) và album này lập tức lọt vào bảng đề cử Album của năm ngay năm này. Tùng Dương cho thấy anh không chỉ là một hiện tượng của năm. Thành công kỷ lục nhưng đầy thuyết phục của Tùng Dương ở giải Cống hiến (5 lần đoạt giải trong đó 3 lần Ca sĩ của năm, 2 lần Album của năm, năm nay tiếp tục là ứng cử viên Ca sĩ của năm), là thành công ở sự kiên trì, sự quyết liệt đi đến cùng con đường lựa chọn và một năng lượng dồi dào, kết quả của quá trình lao động nghệ thuật không ngưng nghỉ - đấy là những phẩm chất không dễ thấy ở các nghệ sĩ mới thời nay.
Ca sĩ Phạm Thu Hà và album nhạc cổ điển giao thoa với âm nhạc điện tử lọt vào đề cử Cống hiến năm nay |
Mỹ Linh cũng là một trường hợp đặc biệt tương tự. Trải qua 8 mùa Cống hiến, cho tới nay đây là diva có duyên nhất với giải Cống hiến với 2 giải Album của năm, 1 giải Ca sĩ của năm và 2 live show lọt vào đề cử. Góc nhìn “vật lý” cho thấy những lao động không ngừng của Mỹ Linh và ê-kíp trên cả 2 “mặt trận” chính của nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam non trẻ - album và live show. Góc nhìn “sáng tạo” cho thấy hầu hết các sản phẩm đóng dấu Mỹ Linh và ê-kíp đều mang tính tiên phong ở chất lượng cao, điển hình là Chat với Mozart (đột phá vào thế giới nhạc cổ điển) và Một ngày - Tóc ngắn Acoustic (đột phá vào thị trường đĩa nhựa) - cả hai đều giành chiến thắng thuyết phục ở hai mùa Cống hiến.Không phải cái mới nào cũng giành ngay được chiến thắng. Có những cái mới dừng lại ở phát hiện. Có những cái mới còn tiếp tục bền bỉ “nuôi dưỡng” chờ cơ hội thích hợp. Cũng có những cái vô tình đã bị chính chủ nhân của chúng bỏ mặc. Và có cả những lý do khác.
Giai điệu trẻ 2012 với chủ đề Rock Symphony làm nên về kỷ lục tại Nhà hát TP.HCM
Đêm Rock Symphony nằm trong loạt series Giai điệu trẻ của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM tại Nhà hát Thành phố, khán giả đông kỷ lục (Nhà hát Thành phố chưa bao giờ kín đặc người như thế, lại toàn khán giả Việt Nam, toàn người trẻ - khác xa với hầu hết các buổi hòa nhạc cũng tại nhà hát này, nếu khán phòng không trống ghế thì non nửa lại là khách Tây). Sau đó chương trình ra sân khấu ngoài trời Công viên 23 Tháng 9, lại một kỷ lục khác: khán giả không chịu về dù chương trình đã hết. Khán giả TP.HCM đến với âm nhạc bác học một cách tự nguyện và say mê - điều kỳ diệu ấy đã thành hiện thực với chương trình Giai điệu trẻ. Nhưng có một chút lăn tăn, khi trong khán phòng nhà hát lại vắng bóng các nhà báo. Như tâm sự của Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM, tiền chi phí cho mỗi chương trình (trong loạt chương trình) chỉ từ 70 triệu đến 100 triệu đồng - tương đương với cát-sê biểu diễn một show của một ngôi sao ca nhạc hạng A, nên Giai điệu trẻ hoàn toàn không có chi phí để tuyên truyền, quảng cáo, theo ngôn ngữ thời nay là PR, nó phải “hữu xạ tự nhiên hương” theo phong cách truyền thống. Phải qua 2 năm “hương tự nhiên” ấy mới “lọt” vào Cống hiến - đề cử Chương trình của năm mùa này.
Và còn những “hương tự nhiên” nào nữa, đang chờ sự tinh tường, sự nhanh nhạy của nhà báo phát hiện và dự báo?.
Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến lần 8-2013 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 24/4 tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM, truyền hình trực tiếp trên VTV6 và VTV4. Công ty Cát Tiên Sa là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình, VTV6 đồng hành sản xuất. Hai nhãn hàng tài trợ là MobiFone (Vàng) và LINE (Bạc). |
Thuỷ Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần