Đỗ Ngọc Minh: Tay chơi Luala

Thứ Tư, 7/3/2012, 7:10 (GMT+7)


(TT&VH Cuối tuần) - Là con trai duy nhất của nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank và con rể của một trong những người được xem là giàu nhất Việt Nam - “chúa đảo Tuần Châu”; 2 bằng master về kinh tế tại Úc, chuyên viên cao cấp của một ngân hàng đầu tư Singapore tại Việt Nam, ông chủ của chuỗi những cửa hiệu thời trang cao cấp, những cửa hàng sang trọng ở Hà Nội, TP.HCM..., và lại đẹp trai như một tài tử xi nê, anh ta sẽ chơi gì? Siêu xe giá triệu đô? Nhà khủng dát vàng? Sát cánh bên những nàng hoa hậu trong các sự kiện chen chúc đám phó nhòm từ các trang mạng đói tin?

Nhưng thiếu gia, không, đúng hơn là đại gia này lại có những thú chơi rất khác.

Năm 2010 là “cuộc chơi” với trang web mỹ thuật Soi (soi.com.vn). Từ tháng 11/2011 thêm “cuộc chơi” với Luala Concert, chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển trên vỉa hè Hà Nội miễn phí cho công chúng vào mỗi cuối tuần.

Nói là “chơi”, nhưng đại gia thế hệ 7X ấy làm thật, làm ra trò. Giờ này, trang soi.com.vn mà anh làm chủ đang rất đình đám trong giới mỹ thuật Việt Nam. Còn chương trình Luala Concert do anh khởi xướng từ ý tưởng và đầu tư mới chỉ sau một mùa biểu diễn kéo dài 2 tháng đã lập tức được Hội Nhạc sĩ Việt Nam bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện âm nhạc của năm 2011. Mới đây, Luala Concert đã lọt vào đề cử Chương trình của năm giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2011 do báo TT&VH tổ chức. Đây là lần đầu tiên một chương trình nhạc giao hưởng có tên trong danh sách ứng cử viên giải thưởng Cống hiến vốn nhiều năm nay là độc quyền của nhạc nhẹ.

Gia đình đông đúc của Đỗ Ngọc Minh

Minh

Cứ như một sự cài đặt sẵn trong cái vỏ tình cờ, ít ai ngờ được, ông chủ của khối tài sản nổi khổng lồ trải dài từ Bắc tới Nam, vốn là dân chuyên văn trường Trưng Vương (Hà Nội), từng có những hành động lãng mạn như nhờ bạn dẫn tới làm quen với nhà văn Hồ Anh Thái sau khi đọc sách của tác giả này. Mẹ vốn là giáo viên dạy văn, có lẽ bà đã truyền sang cho cậu con trai chút máu mê văn chương, viết lách. Nhưng kinh doanh mới là thứ máu chảy trong huyết quản của Đỗ Ngọc Minh.

Hãy nghe anh “tự bạch” về gia đình và bản thân: Gia đình tôi về căn bản là làm trong ngành tài chính. Ngay cả những người trong nhà, nếu không trực tiếp làm tài chính thì cũng có máu “làm cái gì đó ra tiền”. Nói chung tôi thích ngành tài chính và những người làm ngành này, vì đó là cái ngành đòi hỏi phải vừa biết nhìn rất nhanh, rất bao quát ra tình hình, vừa phải tỉ mỉ, không bỏ qua chi tiết. Đó là cái ngành phải “làm toán” cả ngày, nhiều thách thức; thắng lợi hay thất bại là thấy ngay.

Nối nghiệp gia đình, Minh theo học ngành ngân hàng ở trong nước, sau đó đi tu nghiệp tại Úc, 2 bằng master về kinh tế và tài chính. Về nước, theo một đường ray có sẵn là vào làm việc cho một ngân hàng nước ngoài, rồi cứ thế thăng tiến. Nhưng Đỗ Ngọc Minh đã bước ra khỏi con đường quen thuộc ấy. Không rõ là anh đã “nhìn rất nhanh, rất bao quát ra tình hình” và quyết định làm ra tiền từ những cái mình đam mê hay ngược lại, những thứ anh đam mê đã bỏ bùa cho những kế hoạch “làm cái gì đó ra tiền” của Minh. Cũng giống như việc yêu thích con, Minh có liền tù tì 3 đứa và quyết định mở trường quốc tế với học sinh đầu tiên chính là con mình, thì Minh đã từng ôm tiền nhà đi làm báo, rồi xoay ra đi học làm phim.

Nhưng rồi Soi đến một cách tình cờ.

Soi

Đến nay thì hầu như bất cứ ai hoạt động trong giới mỹ thuật ở Việt Nam đều biết đến Soi, nhưng lúc hình thành ban đầu, chính những người tạo ra nó cũng không ngờ được sự thành công ấy.

Cuối năm 2009, Minh dự định mở một gallery mỹ thuật, mang tên Soi. Một trong những người bạn hỗ trợ Minh trong dự án mỹ thuật ấy là nhà văn Phan Thị Vàng Anh, người đã có kinh nghiệm trong công việc này (từng làm quản lý cho phòng tranh Việt Nam của đạo diễn Việt kiều Đoàn Minh Phượng, đạo diễn và tác giả kịch bản của bộ phim Hạt mưa rơi bao lâu). Mọi thứ chuẩn bị cho việc ra đời phòng tranh Soi, từ nhân sự, giấy phép… đều đã xong, nhưng sau đó có một thay đổi về mặt bằng khiến dự án phải dừng lại. Lúc này, Minh và những người bạn trong ê-kíp bàn nhau trong lúc đợi chờ có mặt bằng mới thì mình làm gallery trên mạng - một trang mạng nho nhỏ về tranh tượng, chủ yếu để mua bán tranh.

Thế rồi Soi ra đời ở địa chỉ soi.com.vn. Nhưng từ ý đồ ban đầu lập một trang web mỹ thuật để mua bán tranh, tượng, rốt cuộc Soi lại trở thành một trang web thông tin mỹ thuật phong phú, hấp dẫn và một diễn đàn mỹ thuật đình đám nhất hiện nay mà không mảy may xuất hiện chuyện mua bán. Minh, chủ dự án, thừa nhận “thất bại” này một cách đầy hào hứng: “Nói cho đúng thì Soi phát triển khác với dự định ban đầu của tôi, nhưng tiến trình phát triển của Soi thì dĩ nhiên là do chúng tôi quyết định. Điều thú vị là Soi đã phát triển theo một hướng khác hẳn, cao hơn hẳn ý định ban đầu dành cho nó”. Xuất phát từ ý đồ kinh doanh, giờ đây Soi trở nên lãng mạn hơn bao giờ hết, vì trong thời buổi làm kinh tế từng centimet này mà ông chủ cùng những cộng sự ở Soi vẫn “chỉ muốn Soi duy trì được sự yêu đời và tò mò mà nó có như hiện nay”, để bản thân những người đang làm Soi cũng thấy gần với mỹ thuật hơn. Minh cho biết, sau này, nếu có mở một gallery bán tranh như ý định ban đầu trước khi có Soi, thì Soi vẫn phải duy trì tính độc lập của nó. “Nếu Soi đánh mất sự độc lập, bản thân tôi cũng sẽ không thích Soi nữa”…

Một buổi diễn Luala Concert thu hút đông đảo người dân và báo chí

Luala Concert

5 năm trước đây, có mặt trong một đêm sinh hoạt văn nghệ tại ngôi nhà ở Xuân Mai của cặp vợ chồng nghệ sĩ Phó Đức Vạn - Trịnh Thị An (có con gái là nghệ sĩ piano Phó An My), Đỗ Ngọc Minh đã gặp Xuân Huy, một tài năng vionist ẩn dật. Tuy nhiên mãi tới đầu năm 2011, Minh mới nói với Xuân Huy ý tưởng về một dàn nhạc giao hưởng chơi trên phố, xuất phát từ sự thích thú của anh khi đi qua nhiều thành phố châu Âu thấy cảnh người ta đứng lại bên đường để nghe hòa nhạc. Lúc ấy, Minh đã nghĩ: “Hòa nhạc cổ điển dĩ nhiên nghe trong nhà hát đủ chuẩn là hay nhất, nhưng không phải ai cũng có điều kiện. Và nếu có một góc phố đủ điều kiện thì nhạc cổ điển chơi tại đó cũng sẽ có một sắc thái rất hay - cái hay của việc nhiều người được tiếp cận nó (âm nhạc cổ điển) và nó thì thoát ra khỏi tháp ngà, được tự do”. Nhưng ý tưởng về một dàn nhạc giao hưởng chơi trên phố ở Việt Nam có lẽ là hão huyền chăng - Minh nhận ra sự lo ngại ấy trong mắt những người bạn, người quen sau khi được anh chia sẻ dự định. Chỉ có Xuân Huy là ủng hộ ngay và hai người cùng bàn bạc để hình thành Luala Concert. Xuân Huy trong vai trò người chỉ huy và quản lý dàn nhạc, cố vấn âm nhạc là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.

Không phải họ không nhìn thấy những khó khăn xếp thành hàng phía trước. Thị trường âm nhạc ở Việt Nam gần như là thị trường pop, rock, liệu sự xuất hiện của một dàn nhạc chơi các tác phẩm cổ điển có thu hút được sự quan tâm của công chúng? Nhân sự dàn nhạc tập hợp từ nhiều nơi (Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia, Nhà hát Nhạc vũ kịch…, ai cũng phải làm việc ở cơ quan, cũng phải lo cơm áo gạo tiền, cũng chạy sô chỗ này chỗ nọ..., liệu cuộc chơi này có thu hút được chính các nghệ sĩ hay không? Sẽ khắc phục ra sao với những bất lợi của không gian biểu diễn ngoài đường phố (tiếng ồn, thị hiếu đám đông, thời tiết…) ? Dư luận trong giới chuyên môn sẽ đánh giá ra sao về chất lượng? Các nghệ sĩ biểu diễn cần chơi có trách nhiệm hơn khi chưa bao giờ họ ngồi gần và trực diện với công chúng như vậy?

NSND Quang Thọ cũng góp mặt trong một chương trình Luala Concert

Nhưng họ cũng nhìn thấy được những khả năng thắng lợi mà Luala Concert đem lại, đặc biệt là giá trị thương hiệu. Vậy là sau 2 tháng tập luyện cật lực với một khối lượng tác phẩm khổng lồ chuẩn bị cho khoảng 30 suất diễn, vào đúng ngày kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội, 11/11/2011, chương trình Luala Concert đầu tiên đã vang lên trên vỉa hè ngay trước cửa NXB Âm nhạc, 61 Lý Thái Tổ, Hà Nội, đối diện với chuỗi cửa hàng thời trang cao cấp mang tên Luala (luala theo tiếng Việt được Minh giải thích là “lụa là”). Ở vị trí đắc địa này, Luala Concert vừa thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của một dự án âm nhạc cộng đồng - đưa âm nhạc bác học tới với công chúng ở một khoảng cách gần gũi nhất có thể, lại vừa hoàn thành nhiệm vụ “làm thương hiệu” cho Luala Fashion, theo mô hình “có lợi cho tất cả”. “Trong số những người đến xem Luala Concert có thể có những người không bao giờ là khách hàng của shop thời trang Luala, nhưng âm nhạc cao cấp đã trở nên gần gũi hơn đối với họ. Chúng tôi thì xây dựng được thương hiệu, và các nghệ sĩ thì cũng được thỏa sức chơi những tác phẩm mình yêu thích trong một không gian rộng mở và ấm áp, với những khán giả vô cùng nhiệt tình” - ông chủ Đỗ Ngọc Minh chia sẻ một cách thẳng thắn và sòng phẳng. Bắt đầu không giống Soi, mà có chủ đích rõ ràng và được kiểm soát chặt chẽ, nhưng đường đi của Luala Concert cũng dẫn tới sự đam mê hứng khởi giống như Soi, bởi vì, như tâm sự của Đỗ Ngọc Minh, “Khởi đầu như vậy, càng làm càng thấy thích thú và cứ muốn có cơ hội làm thêm nhiều chương trình tương tự nữa”.

Luala Concert đã đi qua mùa trình diễn đầu tiên, mùa trình diễn Thu - Đông vào ngày 15/1/2012 (mang tên chuỗi cửa hàng thời trang, chương trình biểu diễn âm nhạc cổ điển này cũng được chia mùa biểu diễn giống như thời trang vậy) sau gần 30 buổi diễn (mỗi tuần 3 buổi, 1 vào chiều thứ Bảy và 2 vào sáng và chiều Chủ nhật). Đôi khi vẫn có chút trục trặc về âm thanh, thi thoảng tiếng còi xe ngoài đường chen vào tiếng đàn, có buổi bị mưa… Nhưng trên tất cả, những khán giả “ngồi bệt” ngày càng đông hơn, nhiều gia đình và trẻ con, khách VIP không hiếm, từ giáo sư - tiến sĩ toán học Ngô Bảo Châu đến các diva nhạc Việt Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh… và ngày càng có thêm những nghệ sĩ muốn tham gia vào chương trình. Luala Concert đang hình thành nên một sinh hoạt văn hóa văn minh, đẳng cấp ngay trên vỉa hè Hà Nội, việc mà bao lâu nay các đơn vị nghệ thuật nhà nước tốn tiền tỷ vẫn không sao làm được. Luala Concert đang tạo nên một không gian nghệ thuật tử tế ngay trên vỉa hè Hà Nội, mà cách đó không xa, “thánh đường của nghệ thuật” vẫn thường xuyên “nhếch nhác” bởi các loại chương trình “tả pí lù”.

Niềm vui sống của tay chơi

Luala Concert sẽ nghỉ cho tới mùa diễn Thu - Đông 2012 vào cuối năm nay. Nhưng hiện tại Đỗ Ngọc Minh lại đang chuẩn bị cho ra mắt một không gian nghệ thuật mới ở chính ngôi nhà của anh ngay trung tâm phố cổ Hà Nội. Đấy là nơi, như anh nói, “một không gian để bạn bè triển lãm, còn khi không ai triển lãm thì tôi treo tranh mà tôi có. Tôi thích có một không gian như thế, treo tranh như mình thích chứ không phải vì khách hàng tiềm năng thích”. Ai đó có thể gọi những việc làm như thế là “chơi ngông”, nhưng những người quen biết Đỗ Ngọc Minh thì gọi đó là “niềm vui sống của tay chơi”.

* TT&VH hỏi: Có nhiều cách để làm thương hiệu, vì sao chọn nghệ thuật? Lại là thứ khó “nhá” như nghệ thuật đương đại và âm nhạc cổ điển?

Đỗ Ngọc Minh (Đ.N.M): Làm thương hiệu đúng là có nhiều cách, tôi chọn cách có lợi cho nhiều người, nhiều bên. Chọn nghệ thuật vì Luala là một thương hiệu phân phối thời trang cao cấp, với các thương hiệu quốc tế có phong cách sang trọng nhưng kín đáo, có cá tính và không chạy theo trào lưu mù quáng; do vậy làm thương hiệu cho Luala không gì hợp hơn là chọn một loại hình nghệ thuật có ít nhiều điểm giống với những gì Luala theo đuổi: sang trọng và cũng cần một phẩm chất để thưởng thức.

Ngoài ra, tôi cũng muốn một công đôi việc: tài trợ một chút cho một loại hình nghệ thuật “khó nhá”. Thời nào, nước nào cũng vậy thôi, chính những thứ khó nhằn mới là thứ cần nhiều người tài trợ, giúp nó đến được với cộng đồng rộng rãi hơn. Tôi rất vui vì chương trình Luala Concert tạo được tiếng vang ngoài mong đợi. Tôi tin rằng sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, các cơ quan truyền thông, sự ghi nhận của giới chuyên môn đối với Luala Concert đã và sẽ khích lệ không chỉ chúng tôi mà cũng sẽ khiến các doanh nghiệp, tổ chức khác quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng thương hiệu bằng việc tài trợ nghệ thuật, đặc biệt là những loại nghệ thuật “khó nhá”. Một khi các doanh nghiệp thấy rõ lợi ích trong việc tài trợ những hoạt động như vậy, chắc chắn những loại hình nghệ thuật này sẽ dễ dàng có đất sống hơn, nghệ sĩ sẽ được thảnh thơi tập trung vào chuyên môn hơn, và nghệ thuật đương nhiên sẽ phát triển tích cực hơn.

* Lại hỏi: Anh nhìn nhận nghệ thuật theo kiểu một người yêu nghệ thuật? Một nhà kinh doanh muốn bảo trợ cho nghệ thuật? Hay một người muốn kinh doanh nghệ thuật?

Đ.N.M: Khi còn đi học, hay thậm chí chỉ gần mười năm trước, tôi nhìn nghệ thuật như một người ngồi dưới hàng ghế khán giả và chiêm ngưỡng. Rồi vài năm sau, tôi đã gần nó hơn, như đã có thể đứng bên cánh gà xem nghệ sĩ biểu diễn. Rồi cũng vẫn nghệ thuật, nhưng đến lúc tôi đã có thể làm một thứ gì đó cho nó, kiểu gián tiếp, và thấy vui khi thấy việc mình làm không những có ích cho nghệ sĩ mà còn có ích cho người yêu nghệ thuật nói chung. Tôi không biết có khi nào mình sẽ lên tới mức kinh doanh nghệ thuật không, nhưng dù ở mức độ nào, giai đoạn nào, tôi biết mình là người (nói một cách hơi sáo rỗng nhưng đúng như thế) yêu các bộ môn nghệ thuật. Có lẽ đó là thứ bổ sung cho những gì mà dân tài chính chúng tôi thiếu: sự tưởng tượng, tính liều lĩnh bất chấp hệ quả, sự thăng hoa, và cả sự điên nữa).


Bài: Mây + Mây
Ảnh: Nguyễn Khắc Quân

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến