Xe giường nằm - bi kịch đang ở cạnh chúng ta

Thứ Tư, 25/5/2016, 7:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Đến trưa ngày 24/5, danh tính thi thể 6 nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận đã được xác định bằng phương pháp giám định ADN đối chứng với người thân. Như vậy, 12 nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn đã xác định được danh tính và được người thân đưa về quê mai táng.

Vụ tai nạn ở Bình Thuận đã khiến nhiều người liên tưởng tới cảnh tượng chỉ có trong phim hành động: Hai chiếc xe bus đâm thẳng vào nhau trên xa lộ, văng vào lề đường, bốc cháy dữ dội. Rồi, theo tác động dây chuyền, tới lượt những chiếc xe chạy trên đường không phanh kịp và tiếp tục va quệt, tạo thành một chuỗi tai nạn liên hoàn.

Nói “giống như phim”, bởi thực tế, chúng ta gần như chưa gặp tiền lệ về một bi kịch theo kiểu ấy. Khi rạng sáng ngày 22/5, 2 chiếc xe khách giường nằm (và một chiếc xe tải) đã cùng va chạm và bốc cháy. Đau đớn hơn, trong số hơn 50 hành khách gặp nạn, 12 người đã không thể thoát khỏi những chiếc xe đang bốc cháy.

Ai có thể ngờ thảm kịch “giống như phim” ấy lại trở thành hiện thực, trong cuộc sống hàng ngày. Trong 100 vụ đâm xe, có bao nhiêu trường hợp thuộc về 2 chiếc xe khách chạy ngược chiều? Có bao nhiêu trường hợp, bình xăng trên xe bốc cháy và gây hỏa hoạn?


Hiện trường vụ tai nạn

Có bao nhiêu trường hợp, tai nạn ấy trở thành liên hoàn vì gây hệ lụy tới những chiếc xe khác lưu thông? Dù hãn hữu, nhưng theo lý thuyết xác suất, khi hàng chục vụ tai nạn liên tục xảy ra, sẽ đến thời điểm tất yếu chúng ta chứng kiến một trường hợp bi thảm tột cùng như thế.

Bỏ qua tất cả những lý do có thể nghĩ tới về nguyên nhân của vụ tai nạn, người viết vẫn muốn chia sẻ một câu chuyện khác: về sự lựa chọn với những chiếc xe giường nằm.

Ai cũng hiểu, đi xe giường nằm gần như đồng nghĩa với việc chạy xuyên đêm, ở những quãng đường dài có cự ly trên 300 km. Và, bên cạnh những nhược điểm của việc chạy xe ban đêm - thời điểm mà những người cầm lái thường ít nhiều mệt mỏi và kém linh hoạt trong xử lý tình huống, bản thân độ an toàn của những chiếc xe giường nằm cũng từng gây ra nhiều tranh luận.

Cách đây vài năm, một số chuyên gia về vận tải từng lên tiếng đề nghị ngành giao thông cần cấm lưu hành loại xe này trên một số cung đường nhất định, thậm chí là hạn chế sử dụng trên toàn quốc về lâu dài. Như lập luận được đưa ra, xe giường nằm thường chỉ phù hợp với mô hình giao thông tại một số nước phát triển, với những trục đường lớn và bằng phẳng.

Xác định danh tính toàn bộ 6 nạn nhân vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận

Xác định danh tính toàn bộ 6 nạn nhân vụ tai nạn giao thông tại Bình Thuận

Đến trưa ngày 24/5, danh tính thi thể 6 nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận đã được xác định bằng phương pháp giám định ADN đối chứng với người thân.


Còn trong điều kiện đường nhỏ và cong như ở ta, những chiếc xe này thường dễ rung, lắc và khó điều khiển khi vào đường cua, đường xấu, đèo dốc bởi có trọng tâm nằm khá cao so với mặt đường.

Vì lý do kinh tế, hầu hết các xe đều sử dụng hệ thống giường 2 tầng. Chưa kể, do thiết kế đặc thù, hầu hết các xe giường nằm chỉ có 1 cửa lên xuống, và giường lại được đặt san sát nhau, khiến hành khách rất khó khăn khi thoát hiểm.

Tất nhiên, đề xuất ấy không thành hiện thực, khi mà so với những chuyến xe khách ban ngày, cũng như với tàu hỏa, những chiếc xe giường nằm chạy đêm hiện nay vẫn có những ưu thế lớn với hành khách - đặc biệt là ở việc tiết kiệm thời gian.

Nhưng với những gì đang xảy ra, có lẽ chúng ta ít nhất cũng nên… nghĩ thêm, mỗi khi định chọn hình thức di chuyển này.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến