Vua Lê cày tịch điền, chúng ta có biết cách gieo mạ?

Chủ Nhật, 14/2/2016, 14:42 (GMT+7)
(Thethaovanhoa.vn) - Lê Hoàn trước khi lên ngôi làm Thập đạo tướng quân, còn trước đó, ông xuất thân như thế nào tôi cũng không rõ vì tiểu sử Ngài phủ huyền thoại, nhưng xem ra đã là ngưoi Việt thời đó thì không lạ với chuyện cày cấy. Vua Lê Hoàn đi cày đầu năm mở ra lễ tịch điền với ý nghĩa khuyến nông, còn duy trì cho đến ngày nay.

1. Hôm nay, Lễ tịch điền lại được tổ chức tại Hà Nam. Với rất nhiều cư dân mạng, đa số kẽ ngón chân đã hết mùi bùn một vài chục năm, hoặc một vài đời thì cái cảnh con trâu cái cày ở Lễ tịch điền mang nhiều tính chất của một nghi lễ trình diễn. Người đóng vua năm nay quắc thước trông như một lão nông thực thụ, mà có khi cũng chính là lão nông cũng nên, tức chỉ đóng vua, còn việc cày thì không phải đóng vì vốn là nghiệp nhà. Còn các cô gái gieo mạ như các vũ công trên sân khấu ruộng đồng.


Khai hội tịch điền 2016. Ảnh: TTXVN

Nói chung, về mặt không gian địa lý, đồng ruộng vẫn cách đô thị chúng ta chỉ vài bước chân thôi. Nhưng trong tâm tưởng của nhiều người thì nó có vẻ xa xôi rồi. Nhiều người trông thấy cảnh đồng quê cứ ngỡ ngàng xuýt xoa như Việt kiều mới về nước vậy. Tết ở Ecopark, bày rơm rạ ra đường để người Hà Nội biết thế nào là đống rơm (để trữ), là đường rơm ( phơi rơm cho khô). Trẻ con ra bốc rơm rạ ném lên đầu nhau bụi mù tăng tít, còn các nam thanh nữ tú tha hồ đong đưa chụp ảnh tự sướng. Các ông bố bà mẹ tầm bốn năm chục tuổi thì lặng lẽ đứng nhìn, chắc hồi tưởng lại cảnh thóc lúa ngột ngạt, rơm rạ nhặm ngứa muốn ngất xỉu chưa xa; tất nhiên cũng có người tưởng nhớ đến cuộc tình vội vã trong đống rơm thuở còn hàn vi.


2. Lại nhớ hồi dẫn mấy anh bạn đi chụp ảnh cày cấy. Bỗng dưng thấy mấy ông bà nông dân cầm nhúm mạ ném xuống ruộng như ném... phi tiêu, khác hẳn với cảnh chổng mông cấy lúa (đã đi vào ca dao: - Cô kia tội lỗi về đâu/Ngày ngày em chổng phao câu lên giời/ - Này anh Cả anh Hai đó ơi/ Bây giờ nông vụ chí kỳ/ Em mà không chổng lấy gì anh xơi?)

Chẳng ai hiểu tại sao. Sau về search mạng mới biết, hơn chục năm nay đã phổ biến lối mạ ném thay vì còng lưng cấy lúa như thập niên 90, năng suất lao động gấp ba bốn chục lần, chưa kể còn đỡ công bừa kỹ.


Nhưng không phải nơi nào cũng ném "phi tiêu" được, mà phải là ruộng có bùn mềm, chủ động được nguồn nước ra vào, chứ ruộng khô cứng hoặc đầy nước thì vẫn phải còng lưng cấy lúa như cũ. Quê tôi, lạ thay vẫn không dùng mạ ném. Hỏi thì các cụ bảo, quê mình ruộng cao thấp bậc thang, mùa mưa nước ào qua, nếu dùng mạ ném thì cây lúa dễ đổ rạp, không chắc rễ như cấy thường. Hơn nữa ruộng đồng thì ít, làm mạ ném lại phải mua khay cũng tốn kém. Ném mạ xong lại phải thò tay dúi xuống cho chân mạ chắc trong bùn mới yên tâm.

Thôi thì các bà các cô đã "chổng mông" cấy lúa gần hết đời rồi thì cứ theo cách cũ mà làm.

Nói thế thì chịu. Search mạng không ra. Định hỏi cậu em tốt nghiệp kỹ sư Đại học Nông nghiệp I, nhưng nó cũng nhao ra làm đại lý xi măng, sắt thép, chắc chả còn quan tâm đến mạ ném hay mạ cấy nữa.

3. Bạn có thể biết hoặc chưa biết mạ ném. Cũng không sao. Xã hội có sự phân công lao động. Ai cũng cần mài sắc chuyên môn của mình. Muốn biết thì ...học. Lại nhớ hôm dẫn hai thằng bé đi vào một trang trại để... tìm hiểu về trồng trọt. Cho nó biết trồng cây, tát nước là như thế nào.


 Ngẫm cũng buồn cười, trang trại ở giữa cánh đồng. Xung quanh bà con nông dân vẫn "chổng mông" cấy lúa theo cách từ ngàn đời thì trong này, bên cạnh bể bơi, con cháu họ tròn mắt để xem trình diễn cấy lúa, tát nước.

Chợt nhớ trong trang trại treo một bức ảnh rất ý nghĩa là cảnh Bác Hồ tát nước cứu lúa tại Đại Thanh, Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay là Hà Nội) năm 1958. Ngày đó hạn hán, ruộng đồng khô nứt, hàng vạn người dân đã ra đồng tát nước với khẩu hiệu "Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa".

Nông nghiệp là gốc. Đất nước đang hướng về Tam Nông. Có thể mỗi người chúng ta không cần phải biết cấy lúa, gieo mạ, nhưng đừng quên hẳn cuộc sống ngoài ruộng đồng, đừng trở nên lạ lẫm với mạ ném. Ruộng đồng vẫn ngay sát nách thành phố của chúng ta. Khỏi cần tìm hiểu đâu xa...

Vì thế, bên cạnh lễ tịch điền mang tính diễn xướng để ngắm nghía, thì đầu năm, cũng nên về tận miền quê cụ thể nào đó, đang gặp khó khăn về thiên tai, đang cần nhân lực để giải quyết. Đến đó, khỏi cần trình diễn gì, mọi người có thể bắt sâu, nhổ cỏ, cày cấy thực sự, tát nước thực sự như Bác Hồ đã tát nước tại Đại Thanh năm 1958. Như vậy bài học Tam Nông chắc sẽ thấm thía hơn nhiều.

Thiếu Phương

Thật  (14/02/2016 10:58:18)
congtymaytinhhanam@gmail.com
Tác giả thể hiện mình là người có kiến thức sâu rộng , nhưng đọc xong bài viết này bản thân tôi ko hiểu tác giả đang muốn nói gì .
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến