Vụ thảm sát Bình Phước trên Youtube: 'Phim hình sự mà minh họa vụ án là thất bại'

Thứ Sáu, 14/8/2015, 6:25 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi đăng thông tin về “phim ngắn” Vụ án số 6 “ăn theo” vụ thảm sát ở Bình Phước để câu view, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC).

VFC là đơn vị sản xuất phim Cảnh sát hình sự, series phim sử dụng rất nhiều chất liệu từ các vụ án có thật. Thiết nghĩ, đây sẽ là những thông tin cần thiết cho những nhà làm phim trẻ có ý định làm phim dựa theo các vụ án có thật.

* Cảnh sát hình sự là series phim khai thác nhiều chất liệu từ các vụ án có thật. Đây là một công việc khá nhạy cảm, xin hỏi khi tổ chức sản xuất kịch bản cho series này VFC sẽ tự đặt ra cho mình những nguyên tắc làm việc nào, và bản thân anh sẽ tự đặt mình phải đối mặt với các vấn đề pháp lý ra sao?

- Các bộ phim Cảnh sát hình sự từ trước đến nay đều được chúng tôi lập đề cương nội dung cẩn thận trước khi triển khai viết kịch bản chi tiết, có sự cố vấn chuyên môn của những người trong ngành.


Đạo diễn Đỗ Thanh Hải

Có một nguyên tắc là không bao giờ chúng tôi bê nguyên một vụ án lên phim để minh họa các diễn biến vụ án. Đó là chưa kể khi viết kịch bản phim, các tình tiết câu chuyện hư cấu sẽ được bổ sung, đưa thêm vào để vừa đảm bảo độ hấp dẫn nhưng vẫn giữ được tính hợp lý, chân thật.

Khán giả cần xem bộ phim Cảnh sát hình sự để theo dõi diễn biến quá trình điều tra phá án và tâm lý tội phạm, những cái xấu bị lật tẩy và kẻ gây án chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Khán giả bị cuốn vào những tình tiết hấp dẫn của phim và không cần thiết phải nhận ra đây có phải là vụ án nào ngoài đời hay không. Điều này có thể thấy rõ trong Câu hỏi số 5 - phần phim mới nhất trong series Cảnh sát hình sự đang phát sóng trên VTV3.

* Các vụ án mà Cảnh sát hình sự khai thác có độ lùi thời gian so với vụ án thực khoảng bao nhiêu lâu? Cảnh sát hình sự có khai thác các vụ án vừa mới xảy ra  không?

- Thật ra không có quy định nào về việc phim cần có độ lùi thời gian bao lâu so với các vụ án thực, nhưng cũng cần khẳng định rằng viết kịch bản về đề tài chuyên môn (cảnh sát, kiểm lâm, bác sĩ…) luôn cần nhiều thời gian hơn các đề tài tâm lý xã hội, gia đình.

Nhóm tác giả trước khi viết đề cương phải thu thập tư liệu, nhờ cố vấn thẩm định chuyên môn, phân tích kỹ các yếu tố đặc thù nghề nghiệp rồi mới triển khai viết được.


Cảnh điều tra vụ án trong phim Câu hỏi số 5

Hơn nữa, một bộ phim về cảnh sát hình sự hay đề tài chống tội phạm không nên chạy theo các vụ án vừa diễn ra, chưa được điều tra xong. Bởi như tôi đã nói ở trên, khán giả mong muốn xem phim với một câu chuyện được kể hấp dẫn, các nhân vật có đời sống tâm lý phong phú và sự kiện chứa đựng những tình tiết li kỳ, nhưng thông điệp phim phải rõ ràng và có tính nhân văn.

* Kịch bản Cảnh sát hình sự sẽ khai thác khoảng bao nhiêu phần trăm từ các vụ án có thật? Đã bao giờ Cảnh sát hình sự đề cập đến những nạn nhân trong các vụ án có thật chưa? Nếu có, các anh sẽ đặt vấn đề như thế nào để đảm bảo không khơi lại nỗi đau cho gia đình nạn nhân?

- Chúng tôi không có ý định minh họa lại các vụ án nên các bộ phim Cảnh sát hình sự do VFC thực hiện đều có ý tưởng độc lập rồi triển khai viết đề cương nội dung. Và quan trọng nhất của mỗi bộ phim sẽ đem lại điều gì cho khán giả, đặc biệt là cuộc đấu tranh truy bắt tội phạm của các chiến sĩ cảnh sát hình sự để đảm bảo pháp luật được thực thi công bằng.

Nếu làm phim chạy theo sự giật gân, phản cảm, chạm đến những nỗi đau của nạn nhân thì chắc chắn bộ phim đó sẽ bị khán giả lên án, thậm chí không cho phép duyệt sản xuất.

Ngoài ra, với các phim điều tra phá án như Cảnh sát hình sự thì chúng tôi luôn cần một đội ngũ tư vấn chuyên môn của người trong nghề, giúp chúng tôi hiểu kỹ và phân tích sâu hơn bản chất vụ án, cân nhắc các yếu tố bạo lực khi làm phim cũng như có thể hư cấu trong phạm vi cho phép về kỹ năng điều tra, phá án của những chiến sĩ cảnh sát hình sự.

* “Phim ngắn” Vụ án số 6 thực hiện vào thời điểm vụ thảm sát Bình Phước vẫn còn "nóng", dùng hình ảnh mô tả lại toàn bộ tiến trình vụ thảm sát tại Bình Phước, sử dụng tên thật của hung thủ và của nạn nhân đặt cho nhân vật trong phim. Theo anh cách làm này có vấn đề gì?

- Như tôi đã nói, nếu bê nguyên một vụ án, sử dụng đúng các nhân vật ở ngoài đời thì có lẽ đó không còn là một bộ phim nữa, hoặc là một bộ phim thất bại.

* Xin cảm ơn anh.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Hảo Hạng  (14/08/2015 09:29:48)
haohang@yahoo.com
Tôi nói về phim CSHS thì nó mang tính thực tế dựa trên các vụ án xảy ra, nhưng những người tư vấn, cố vấn về nghề nghiệp, nghiệp vụ của ngành vẫn còn xảy ra, lộ những nghiệp vụ, mãn chiến thuật phá án, vì những người này tôi cho cũng chưa hiểu hết về tính năng, thủ thuật, chiêu bài... nghiệp vụ của lực lượng thành ra còn sơ hở chỗ này nó rất quan trọng trong điều tra phá án mà bọn tội phạm lấy đó học tập để đối phó....cảnh băng nhóm, đâm chém, đánh đá... quá hăng coi pháp luật chả ra gì, ngang nhiên trên đường phố, thanh toán đẩm máu.... đấy là những hình ảnh mà bọn tội phạm hiện này đã và đang thực hiện.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến