(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến “Chạy xuyên Việt vì văn hóa đọc” lần hai xuất phát hôm 11/5 tại Hà Nội. Chuyến chạy lần đầu là vào tháng 1, đã hoàn thành. Từ Hà Nội vào TP HCM là 1.800km, chạy rồi cũng đến. Nhưng văn hóa đọc thì “chạy” đến bao giờ?
Từng có một người đi bộ xuyên Việt, Trần Hùng John. Hùng John đi bộ lần đầu năm 2012 và cho ra thành quả là cuốn sách John đi tìm Hùng, kể chuyện đi tìm bản sắc Việt trong con người mình (anh là Việt kiều). Anh có may mắn là một đoạn văn trong sách được đưa vào đề thi đại học môn Văn năm 2013. Mà đề thi nghị luận xã hội môn Văn hàng năm vẫn thu hút dư luận. Nhờ đó, đoạn văn của Hùng John được đưa ra thảo luận cấp quốc gia, anh được mời dự các tọa đàm với tư cách diễn giả.
Điều này nói lên vai trò của truyền thông. Nhưng không thể coi đó là may mắn ngẫu nhiên. Bản thân Hùng John rất chủ động làm truyền thông. Anh ghi chép lại chuyến đi bằng bản thảo và liên hệ với nhà xuất bản Kim Đồng đề nghị in (chứ không phải được đặt hàng). Sẽ là lãng phí nếu chuyến đi bộ xuyên Việt của anh chỉ được ghi lại trên Facebook, có thể sẽ chẳng có đề thi nào cả.
Mọi công việc cần có “nghiệm thu” kiểu như thế, dù không nhất thiết phải là một cuốn sách. Trên trang Facebook Chạy xuyên Việt, chỉ có những bức ảnh chứng tỏ người chạy đã đến địa phận thành phố này, tỉnh kia trên bản đồ đất nước, ngoài ra không viết thêm gì về chuyện trên đường đi, gặp những ai, chia sẻ của người chạy… Kể ra, hơi tiếc…
Mục đích của Chạy xuyên Việt là thành lập những câu lạc bộ “Sách và hành động” ở các trường đại học. Theo thông tin từ ban tổ chức thì sau chuyến chạy bộ 1.750km từ Hà Nội đến TP. HCM đợt đầu, dự án đã quyên được 8.000 sách giấy và 120.000 sách điện tử, lập “một loạt” CLB Sách ở các trường đại học, THPT nhưng không nói rõ ở đâu.
Những con số và chữ “một loạt” chẳng có nhiều ý nghĩa với những người không được tận mắt chứng kiến, vì hàng ngày họ đọc quá nhiều con số khủng hơn, như “34 nghìn tỷ đồng” chẳng hạn.
Sẽ không công bằng nếu phủ nhận hoàn toàn hiệu quả của hoạt động chạy xuyên Việt vì văn hóa đọc, nhưng những người thực hiện nên chủ động “loan báo” về hiệu quả đó. Họ có những người ủng hộ uy tín: GS Chu Hảo – Giám đốc NXB Tri thức, TS Giáp Văn Dương – nhà sáng lập trường Giapschool.
Nhưng hiện tại, hoạt động được truyền thông rộng rãi nhất của họ vẫn là lễ ra quân. Báo chí đồng loạt đưa tin nhưng không bám theo hành trình và còn chẳng chú ý nó kết thúc lúc nào. Nếu vậy, công chúng không khỏi có cảm giác “đầu voi đuôi chuột”, bất chấp thực tế có đúng vậy hay không…
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa