(Thethaovanhoa.vn) - U23 Việt Nam vào chung kết giải U23 châu Á. Khỏi phải nói thành công lịch sử này của đội tuyển đã tạo nên hiệu ứng truyền thông và nguồn cảm xúc khó tả như thế nào đối với người hâm mộ môn túc cầu.
Từ sau khi trận đấu giữa U23 Việt Nam với Qatar khép lại, mọi ngả đường từ thành thị đến nông thôn đều được người hâm mộ phủ kín với trăm kiểu thể hiện cách ăn mừng khác nhau.
Thế nhưng, trong sự hào hứng và phấn khích ấy, chúng ta vẫn gặp những nốt trầm.
Trước hết, đó là câu chuyện muôn thủa về tai nạn giao thông. Chỉ tính riêng đêm 23/1, đã có những tai nạn vô cùng đáng tiếc xảy ra khi dòng người xuống đường mừng chiến thắng.
Điển hình, tại Hải Phòng, một CĐV gặp tai nạn vì vướng lá cờ trên tay và chết thảm dưới gầm xe container trong lúc diễu phố. Rồi, ở Buôn Mê Thuột, một thanh niên được cho là tham gia đua xe sau trận đấu cũng bỏ mình.
Ngay tại Hà Nội, nhiều tuyến đường ở trung tâm Hà Nội kể từ sau khi trận đấu giữa U23 Việt nam với Qatar khép lại đã rơi vào tình trạng... thất thủ. Và, trong dòng người ken đặc ấy, rất nhiều người "mừng" mà "quên" đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy. Xung quanh Hồ Hoàn Kiếm tối qua như nêm, thế mà thi thoảng người ta vẫn phải nín thở bịt mũi bởi những cú "drift" cháy lốp khét lẹt. Thậm chí, pháo sáng lại thi thoảng xuất hiện, khiến đám đông liên tục ùn tắc thêm.
Chưa hết, vì mừng chiến thắng, nhiều con đường "đẹp nhất Thủ đô" cũng vô tình bị biến thành những "con đường rác", khiến ca kíp của những người lao công bị đảo lộn vì có muốn dọn hay tập kết rác cũng... chịu chết.
Và nhờ chiến thắng của đội nhà, người ta có dịp được "hốt bạc" bằng việc "chặt chém giá cả". Đơn cử một lá cờ tầm trung có giá 200 ngàn đồng, một chai nước suối 20 ngàn đồng, gửi xe máy cũng có giá ngang ngửa với chai nước suối (20 ngàn đồng).
Rồi liên tục, những hình ảnh về một vài chàng trai, cô gái cao hứng "cởi tất", khoe thân chạy cùng dòng người ăn mừng cũng xuất hiện. Thẳng thắn, cách ăn mừng trái với văn hóa Việt ấy không đủ làm chúng ta cảm thấy hào hứng, mà chỉ gợi ra sự kệch cỡm, thậm chí là nhếch nhác, dị hợm.
Đó là ở "thế giới thực", còn trên "thế giới ảo" văn hóa ăn mừng chiến thắng cũng muôn màu muôn vẻ. Miễn ai có tài khoản mạng xã hội đều có thể đăng đàn thể hiện niềm vui sướng của mình. Và, rất nhiều cách ăn mừng "dị" đã lan truyền trên không gian mạng...
Ở đó, có người đăng hình ăn mừng theo "khẩu hiệu" quen thuộc: "Người Việt Nam nói là làm" như cạo trọc đầu, viết status kêu gọi đua xe "gây bão".... Nếu điều thứ nhất thuộc về quyền cá nhân, thì điều thứ 2 chắc chắn là sai, khi phát động cho một việc làm trái luật, có thể đe đọa đến tính mạng của người khác.
Thậm chí, trong những lời chúc mừng gửi tới các tuyển thủ U23, có ngôi sao đã còn công khai "tỏ tình" với một cầu thủ, khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Không dậy sóng sao được khi mà nhân vật chính vốn là một gương mặt từng có nhiều tuyên bố gây sốc.
Đành rằng, đó có thể chỉ là những lời đùa vui. Nhưng, khi lời "tỏ tình" được lặp đi lặp lại đến lần thứ 2, thứ 3, đã có những độc giả tỏ ra khó chịu – thậm chí cho rằng đó là những lời "quấy rối" làm xao nhãng thời gian nghỉ ngơi (vốn đã ít ỏi) của các cầu thủ, trước trận đấu cuối cùng.
***
U23 Việt Nam làm nên kỳ tích lần này là dịp vui hiếm có, việc ăn mừng thắng lợi và bày tỏ cảm xúc là rất chính đáng, thể hiện được tinh thần ủng hộ bóng đá nước nhà hết mình của người hâm mộ.
Nhưng, như câu nói, "vui thôi đừng vui quá", chúng ta hãy gắng giữ sự an toàn, cho bản thân mình, và cho cả những người xung quanh.
Trong trận đấu sắp tới, ai cũng mong chúng ta có dịp "mở hội ăn mừng" thêm lần nữa. Nhưng, ăn mừng thế nào cho văn minh, lịch sự, tôn trọng pháp luật thì vẫn phải trong chờ vào ý thức tự thân của mỗi người.
120 phút đứng tim, ngẹt thở/ Chiến đấu hết nình trong suốt cuộc chơi.
Viết Đại