(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Đường sách TP.HCM phối hợp với Công ty CP Văn hóa Phương Nam mở cuộc vận động “Một con đường không khói thuốc - Vì sức khỏe của bạn và cộng đồng” tại Đường sách TP.HCM, kéo dài từ ngày 15/12/2017 đến 1/1/2018.
Tuy mới dừng ở mức vận động, khuyến khích, nhưng thông tin này vẫn là nguồn cảm hứng cho nhiều người, vì cuộc chiến chống hút thuốc nơi cộng đồng đang cần thêm những hành động thiết thực.
Nguồn cảm hứng vừa nói còn đến từ thực tế: cuộc chiến chống tác hại thuốc lá đang rất gian nan, chậm chạp. Bởi với nhiều người, đụng vào điếu thuốc trên môi của họ là “xúc phạm đến cõi thiêng”, là “không thể nhìn mặt nhau nữa”.
Với các nước phát triển, tỷ lệ người bỏ thuốc lá diễn ra nhanh hơn, còn với các nước đang phát triển, khi áp lực sống và công việc gia tăng đột ngột, cộng với dân số trẻ, tỷ lệ người hút thuốc lại có xu hướng gia tăng.
Việt Nam hiện tại vẫn nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, với gần 40 ngàn ca tử vong một năm. Còn theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, mỗi năm thế giới có khoảng 200 ngàn người lao động tử vong do thường xuyên hít khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc.
Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết tại Việt Nam có khoảng 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên bị hít khói thuốc tại nhà. Hơn 5 triệu người lao động phải thường xuyên hít khói thuốc tại nơi làm việc. Khảo sát cũng cho thấy có khoảng 60% học sinh bị hít khói thuốc tại nhà và khoảng 70% bị hít nơi công cộng.
Thuế thuốc lá tại Việt Nam gần như thấp thế giới, đây cũng là điểm bất lợi cho việc phòng chống tác hại thuốc lá. Trong khu vực Đông Nam Á, thuế thuốc lá tại Việt Nam là 41,6%, trong khi Brunei là 81%, Singapore là 71%, Thái Lan là 70%, Malaysia là 57%, Philippines là 53%, Myanmar là 50%, Lào là 43%...
Tuy vậy, nhưng kể từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực (ngày 1/5/2013), tỷ lệ người hút thuốc đang giảm dần, dù còn rất chậm. Theo nhiều chuyên gia, để tỷ lệ người hút thuốc giảm xuống dưới 39% vào năm 2020 là rất gian nan, nhưng vẫn có hy vọng vào văn hóa ứng xử, vào các phong trào tự giác từ cộng đồng. Nhìn ở khía cạnh này, vận động “Một con đường không khói thuốc” cũng là một phong trào kêu gọi sự tự giác rất đáng hoan nghênh, đáng nhân rộng.
Đường sách TP.HCM là không gian văn hóa ngày càng thu hút phụ nữ và trẻ em, chưa nói tính chất dễ cháy của sách, nên việc hạn chế hoặc cấm thuốc lá cũng nên làm.
Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (đại diện Đường sách TP.HCM) cũng xác định để có “Một con đường không khói thuốc” là việc rất khó khăn, vì nơi đây không thể áp dụng các quy định, các chế tài như các không gian công cộng khác. “Nhưng chúng tôi tin đây vẫn có thể là niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ, những người chưa xem việc hút thuốc là một thói quen khó bỏ. Song hành đó, môi trường sống, đi lại và làm việc ngày càng gắn bó với máy điều hòa, việc hút thuốc dần trở nên bất tiện, tôi tin nhiều người trẻ sẽ không hút thuốc để bớt phiền phức” - bà Thu Nguyệt chia sẻ.
Vô Ưu