(Thethaovanhoa.vn) - Một tuần qua, câu chuyện về việc đại tu nhà thờ Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định) đang làm giới chuyên môn… nhấp nhổm.
Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành đã ký văn bản số 291/DSVH-DT yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định kiểm tra thông tin về việc xây dựng lại Nhà thờ Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Xây dựng năm 1885, nhà thờ Bùi Chu là một công trình có những đường nét kiến trúc rất độc đáo và hiếm gặp. Đặc biệt, với lịch sử 134 năm của mình, đó là một trong số ít những kiến trúc mang dấu ấn phương Tây từng tồn tại xuyên qua 3 thế kỷ tại Việt Nam.
Hàng chục ý kiến của những chuyên gia đã được đưa ra - trong đó điểm chung nằm ở sự lo ngại: việc hạ giải và đại tu một kiến trúc cổ như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tính nguyên bản của nó.
Thậm chí, Bộ VH, TT& DL cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan tại Nam Định kiểm tra thông tin và đề xuất giải pháp quanh trường hợp này.
Lý do để kế hoạch đại tu nhà thờ Bùi Chu được đưa ra đến từ việc công trình đã xuống cấp nặng theo thời gian. Và từ lý do ấy, rất nhiều người tiếc nuối – khi nhà thờ Bùi Chu chưa được xếp hạng di tích, nghĩa là chưa được bảo vệ bằng Luật Di sản Văn hóa.
Nhưng, cần nhắc lại, chúng ta gặp không ít trường hợp như vậy: nhiều công trình là “chứng nhân lịch sử” của một thời, nhưng lại tạm thời chưa được xếp hạng di tích, bởi chủ yếu chỉ được nhìn nhận từ công năng sử dụng của mình.
Cầu Long Biên tại Hà Nội, trường Châu Văn Liêm tại Cần Thơ, thương xá Tax tại TP HCM hay nhà máy dệt Nam Định là ví dụ điển hình. Xuống cấp theo thời gian, vậy nhưng tất cả những công trình ấy đều khiến dư luận lên tiếng khi được lên kế hoạch thay đổi kết cấu hoặc xây mới.
Bởi đơn giản, hình thức kiến trúc chỉ là lớp vỏ vật chất, nhưng lớp vỏ ấy lại chứa trong nó những giá trị tinh thần của văn hóa và lịch sử theo suốt thời gian.
Giống như, giá trị của nhà thờ Bùi Chu không chỉ nằm ở những đường nét kiến trúc độc đáo pha trộn giữa phong cách Baroque của phương Tây và phong cách cầu kì của phương Đông. Hơn thế, đó là di sản đặc biệt ghi lại giai đoạn mà kiến trúc Việt Nam bắt đầu có sự giao lưu mạnh mẽ với kiến trúc và nghệ thuật phương Tây vào cuối thế kỷ XIX.
Sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể về cuộc giao lưu ấy – khi mà lịch sử Việt Nam chính là lịch sử của những cuộc giao lưu về văn hóa. Cũng như, trong 134 năm tồn tại như một địa điểm quy tụ những giáo dân bản địa với lòng thành kính, vô vàn ký ức khác vẫn đang song hành cùng kiến trúc này.
Những ký ức, những câu chuyện ấy chính là phần phi vật thể, để một công trình như nhà thờ Bùi Chu xứng đáng gọi là di sản – bất chấp việc nó chưa được gắn với danh xưng ấy trên văn bản.
***
Nói tới nhà thờ Bùi Chu, nhiều người đã nhắc tới câu chuyện về phế tích nhà thờ Saint- Paul tại Macao (Trung Quốc). Bị hỏa hoạn phá hủy năm 1835, phần bức tường mặt tiền còn sót lại của công trình vẫn được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2005. Trong khoảng thời gian giữa 2 cột mốc đó, phế tích này vẫn được gìn giữ bảo tồn và trở thành một điểm đến đặc biệt với khách du lịch.
Có nghĩa, bên cạnh ý thức bảo tồn, câu chuyện còn nằm ở cách tư duy về việc khai thác những lớp giá trị văn hóa đi kèm, dù chỉ ở một bức tường còn sót lại chứ không phải một nhà thờ vẹn nguyên.
Không có gì lạ, khi rất nhiều kiến trúc sư và nhà nghiên cứu đã lên tiếng sẵn sàng cùng góp sức để bảo tồn nhà thờ Bùi Chu mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Nghiên cứu từng chi tiết để trùng tu cho hợp lý (thay vì hạ giải và đại tu toàn bộ), thậm chí kêu gọi cộng đồng cùng xây dựng thêm một nhà thờ khác để san sẻ bớt công năng của kiến trúc 184 năm tuổi, là những đề xuất được đưa ra.
Bởi nếu được tiếp cận hợp lý ở góc độ một di sản, những công trình như Nhà thờ Bùi Chu sẽ là điểm nhấn đặc biệt cả về giá trị văn hóa lẫn du lịch của địa phương và cộng đồng bản địa.
Sơn Tùng