(Thethaovanhoa.vn) - Mấy hôm trước, chúng ta đã sửng sốt nghe tin, trái bóng EURO 2015 có thể đe dọa tới an ninh tại thủ đô Paris, Pháp, mà cụ thể là khu fanzone dành cho các cổ động viên dưới chân tháp Eiffel.
Khu vực này có sức chứa khoảng 120.000 người, vốn được thiết kế để thu hút khách du lịch. Nhưng cảnh sát trưởng thành phố Paris cho rằng, nó nguy cơ bị khủng bố và đề nghị Chính phủ Pháp cho đóng cửa lại để đảm bảo an ninh cũng như đảm bảo... sức khỏe cho các nhân viên cảnh sát.
Còn tại Việt Nam, có vẻ như trái bóng EURO đang có nguy cơ… đe dọa đến sự an toàn cho các chuyến tàu và ngành đường sắt Việt Nam. Tất nhiên, nguy cơ không đến từ bên ngoài, mà đến từ sự lơ là (có thể có) của các nhân viên trực ban, gác chắn...
Quả thực, thông tin Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cấm các nhân viên đường sắt xem EURO 2016 để bảo đảm an toàn chạy tàu vừa lan truyền trên các báo, đã tạo ra một cú sốc nhè nhẹ trước thời điểm khai mạc EURO.
Trái bóng chính thức VCK EURO 2016
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt yêu cầu, trong thời gian diễn ra các giải vô địch bóng đá châu Âu, Nam Mỹ, các đơn vị không để tivi tại trụ sở, phòng làm việc. Tổng công ty nghiêm cấm nhân viên đường sắt khi lên ban sử dụng các thiết bị công nghệ để xem bóng đá.
Biện pháp này được xem là cách để góp phần tiếp tục kéo giảm TNGT đường sắt, đảm bảo an toàn trong khi đã bước vào đợt cao điểm vận chuyển Hè 2016, mật độ chạy tàu tăng cao.
Công bằng mà nói, không phải ngành Đường sắt chỉ nhắm vào EURO mà còn cấm xem cả Copa America và các giải bóng đá nói chung. Thời gian cấm cũng chỉ trong phạm vi trụ sở, phòng làm việc và lúc “lên ban”, chứ không phải cấm mọi lúc, mọi nơi…
Nói đúng ra, không chỉ trong công tác vận hành đường sắt, vốn đòi hỏi phải hết sức tập trung, khoa học mà trong giờ làm việc ở bất cứ ngành nào cũng đều phải cấm làm việc riêng hay sa đà vào các dịch giải trí như nghe nhạc, xem tivi, lên mạng tán gẫu….
Ở một số văn phòng có cường độ làm việc cao và kỷ luật khắt khe, người ta còn cấm sử dụng điện thoại cá nhân và chặn hết tất cả các dịch vụ chat hay mạng xã hội. Mục đích là để khi đến văn phòng, các nhân viên không còn cách nào khác là… làm việc.
Hiểu theo nghĩa đó, thì sẽ thấy, việc ngành đường sắt cấm nhân viên xem EURO trong giờ làm việc là hết sức bình thường.
Tuy nhiên, việc chỉ đích danh đối tượng bị cấm xem là EURO hay bóng đá vẫn có điểm thiếu chặt chẽ, dễ gây ra cảm giác ngành đường sắt “phân biệt đối xử”.
Không cứ phải xem EURO hay xem bóng đá nói chung mới gây xao nhãng công việc. Mà thưởng thức bất kỳ một hình thức giải trí nào trên tivi trong phòng làm việc hay trên điện thoại trong lúc “lên ban”, từ nghe nhạc, xem phim Hàn Quốc, xem Cô dâu 8 tuổi … đều có thể gây mất tập trung và gián tiếp gây ra những tai họa khôn lường.
Đặc biệt, một trong những hình thức giải trí đang hết sức phổ biến hiện nay và có khả năng “gây nghiện” cao là chơi gameonline trên smartphone mới thực sự nguy hiểm cho những ngành nghề đòi hỏi nhân viên phải có sự tập trung như ngành đường sắt.
Nói như thế để thấy rằng, cấm xem EURO vẫn là chưa đủ, và có vẻ chưa… công bằng.
***
Nhìn trên bình diện xã hội có thể thấy, không chỉ ngành đường sắt phải lo lắng khi trái bóng EURO đang đến. Năm nào cũng thế, nạn cá độ, cờ bạc lại rần rần nổi lên ăn theo EURO, nhất là cá độ qua mạng. Cờ bạc đi kèm với trộm cắp, cướp giật, lừa đảo và vô vàn những tệ nạn xã hội khác, các tiệm cầm đồ lại nhộn nhịp.
Nhưng xét cho cùng thì đam mê nào cũng có mặt trái của nó, nếu quá sa đà, lạm dụng... Đừng đổ lỗi cho EURO hay bóng đá. Mỗi người hãy tự điều chỉnh lại hành vi của mình để cân bằng giữa đam mê và trách nhiệm. 4 năm EURO mới có một lần, đâu phải là quá nhiều. Lo lắng những hãy tận hưởng.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa