Thư gửi robot Citizen: 'Uống rượu - bắt tay' thời Covid

Thứ Sáu, 28/2/2020, 7:5 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen" tại đây

Trẻ học được gì từ dịch nCoV?

Trẻ học được gì từ dịch nCoV?

Nhiều tỉnh thành trên toàn quốc cho học sinh nghỉ học một tuần để phòng chống dịch bệnh do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.

Dịch Covid-19 khiến chúng ta phải thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống, thậm chí cả những thói quen, đã thành "tập tục". Chẳng hạn như thói quen "uống rượu - bắt tay". Nhưng vấn đề là đổi thay như thế nào?

Chả biết uống rượu rồi bắt tay ở Tây Bắc bắt nguồn từ đâu, lúc nào, chỉ biết từ khi tôi lên (1998) đã có rồi. Tức là sau khi mời rượu, cả hai người uống cạn, người mời chìa tay ra để bắt.

Một dạo rộ lên tranh luận về thói quen này trên mạng xã hội và cả trên báo. Người đồng tình kẻ phản đối. Mặc kệ tranh luận đúng - sai, người Tây Bắc vẫn uống rượu - bắt tay.

Không cổ súy hay đả phá tập quán uống rượu - bắt tay nhưng lúc Covid-19 hoành hành mà uống rượu - bắt tay thì không đùa được! Do đó cần phải tiếp cận hiện tượng này ở một góc nhìn thật khách quan và tích cực để hiểu rõ nhằm phục vụ công việc truyền thông được hiệu quả hơn.

Chú thích ảnh
Không nên uống rượu lúc Covid-19 hoành hành. Ảnh: Internet

Chuyện ăn uống và những ứng xử bên bàn ăn mỗi nơi một khác, mỗi giai đoạn mỗi khác. Không thể lấy cái chuẩn mực ở nơi này làm mẫu để phán xét nơi kia. Không thể bảo người Ấn ăn bẩn và lạc hậu khi dùng tay bốc mà không dùng đũa dùng thìa. Quốc gia dân số 1,3 tỷ người với nền văn minh sông Hằng rực rỡ, nền kinh tế thứ 5 trên thế giới không phải thiếu bát, thiếu thìa! Đó là tập quán xuất phát từ những nguồn gốc sâu xa chúng ta cần tìm hiểu và tôn trọng.

Chưa biết thói quen bắt tay sau mời rượu của người Tây Bắc xuất phát từ đâu nhưng qua trải nghiệm cá nhân thì tôi thấy cái bắt tay ấy là cách xây dựng bối cảnh để người mời rượu duy trì và lưu lại lâu hơn tình cảm giữa hai người.

Người dân tộc thiểu số Tây Bắc quý mới mời rượu, không quý không mời, dù là ông trời. Vì thế, với người lạ, khi đã mời là người ta muốn làm quen. Cái bắt tay trước hết thể hiện tình cảm, sau để giữ chân, tạo một khoảng thời gian cần thiết để hai người tìm hiểu thông tin của nhau, như tên tuổi, công việc, gia đình... Với chỗ thân tình thì bắt tay là lúc hai người đã thật gần nhau về không gian, đủ kín đáo, đủ riêng tư để sẻ chia nỗi lòng hay trao đổi chuyện cá nhân.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Sophia thân mến!

Nếu nhìn ở khía cạnh vệ sinh thì việc uống rượu - bắt tay đúng là cũng có... vấn đề, nhưng trên đời này có những thứ còn hệ trọng hơn. Cuộc sống liên tục là sự lựa chọn mà tôi nghĩ ai cũng sẽ lựa chọn những điều đem lại cho mình giá trị lớn hơn. Tình cảm người khác dành cho là quý báu, thậm chí thiêng liêng, vậy hà cớ gì chỉ lo bẩn mà lảng tránh cái bắt tay?

Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Tây Bắc để sẵn dung dịch sát khuẩn song không thể mỗi lần bắt tay lại thoa dung dịch. Hơn nữa, lúc uống rượu bà con cũng chả biết sợ corona mà bỏ truyền thống bắt tay. Do đó tốt nhất là truyền thông để bà con nhớ đừng đưa tay lên mũi, mắt, miệng, đặc biệt trong khi uống rượu; tạm thời dừng uống “kiểu khát vọng” hay chung chén.

Các cụ bảo “Đất lề quê thói”, “Nhập gia tùy tục”, “Phép vua lệ làng”... để lưu ý cách ứng xử. Truyền thông thời Covid cũng phải nhớ lời các cụ chứ đùng cái bảo “không được” thì... không được đâu!

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!

Ngô Thiệu Phong

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến