(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Tình trạng tăng giá bán khẩu trang ở một số cửa hàng thuốc và ở chiều ngược lại, cảnh phát khẩu trang miễn phí ở nhiều nơi, đem lại những cảm xúc trái ngược trong bối cảnh lo ngại về dịch bệnh gia tăng.
Nếu phải tìm một vật dụng mang tính biểu trưng cho những diễn biến thời sự tại Việt Nam tuần qua, tôi tin chắc mọi ý kiến đều hướng về một lựa chọn duy nhất: Chiếc khẩu trang! Đơn giản, cũng như với người dân tại nhiều quốc gia khác, đó là vật dụng đầu tiên để mỗi người tự bảo vệ bản thân, trong lúc dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây rađang diễn biến phức tạp.
Cấu tạo cực đơn giản, cực nhẹ và cũng cực… rẻ tiền, vậy nhưng với chúng tôi, chưa bao giờ khẩu trang được nhắc tới nhiều như thế. Và cũng gắn với nhiều câu chuyện như thế.
Câu chuyện thứ nhất là cơn sốt khẩu trang được thổi bùng lên trong những ngày đi làm đầu tiên sau Xuân Canh Tý. Trước lượng người đông một cách khác thường đang đổ tới các hiệu thuốc và cửa hàng tiện ích, giá bán của loại vật dụng này liên tục tăng một cách bất thường: 2 lần, 4 lần rồi cả chục lần. Thậm chí, như nhiều người kể, tốc độ tăng giá “phi mã” ấy nhanh tới mức, chỉ cần quay lại cửa hàng mua thêm khẩu trang, họ đã phải chấp nhận một mức giá mới so với trước đó vài giờ.
Tất nhiên, dù phải chấp nhận mua (và gắng mua thật nhiều) với mức giá đắt, rất nhiều người đã bày tỏ sự bức xúc với cách bán hàng này.
Bởi thế, câu chuyện thứ hai bắt đầu, với việc các cơ quan chức năng vào cuộc và xử lý hàng loạt cá nhân, cửa hàng có dấu hiệu lợi dụng dịch cúm này để đầu cơ, gom hàng hay “thổi giá”. Để rồi, trước các biện pháp mạnh ấy, một số ít tiểu thương lại càng khiến cộng đồng phẫn nộ khi kêu gọi các cửa hàng không bán khẩu trang vì “để nhà nước lo”.
Với bất cứ lý do nào, giữa thời điểm toàn xã hội cùng chung sức để chống dịch, người ta chỉ có thể gọi cách phản ứng ích kỷ ấy bằng một cụm từ: Vô đạo đức.
***
Nhưng câu chuyện về khẩu trang của chúng tôi cũng không chỉ toàn những gam màu xám, Sophia ạ. Thực tế, kể cả “rỗng túi”, việc tìm một chiếc khẩu trang tại Việt Nam không hề khó, nếu những người có nhu cầu chịu tìm đến những điểm phát khẩu trang miễn phí.
Bên cạnh những cửa hàng tranh thủ “hét giá” khẩu trang, hàng chục điểm phát miễn phí ấy đang liên tục mọc lên ở các thành phố. Ngày nối ngày, những thùng khẩu trang miễn phí - do các doanh nghiệp hoặc cá nhân đứng ra tài trợ- tiếp tục được mang tới các điểm du lịch, các không gian công cộng như bến xe, trường học hoặc thậm chí cả các ngã tư. Và, cũng có không ít những nhà thuốc sẵn sàng cung cấp miễn phí chúng cho người dùng - với một hòm khẩu trang được đặt ở quầy kèm theo dòng chữ: “Vui lòng lấy một cái, nếu cần”.
Điều ấy cũng giống như, bên cạnh phản ứng “không bán khẩu trang”, mạng xã hội đang tràn ngập những bài viết, những thông tin hướng dẫn địa chỉ phát khẩu trang miễn phí - hoặc đơn giản hơn, sẵn sàng chia sẻ với mọi người những hộp khẩu trang chưa dùng hết trong nhà. Rồi, hối hả cho máy chạy suốt 24 giờ, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng tối đa để sản xuất loại mặt hàng này kèm theo lời cam kết sẽ bán ra thị trường nhưng hoàn toàn không lấy lãi.
Sophia thân mến!
Như những gì được ghi lại, khẩu trang ra đời ở châu Âu vào cuối thế kỷ 19. Ban đầu, nó được sử dụng trong ngành y - để rồi dần dần, trước nhu cầu có thật, loại vật dụng ấy phát triển và trở nên vô cùng phổ biến trong xã hội bây giờ.
Chắc hẳn, mỗi người trong số chúng ta đều từng dùng khẩu trang và đều không chú ý tới nó quá nhiều - nhất là khi, với công nghệ hiện đại, khẩu trang thường chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn rồi vứt bỏ.
Thế nhưng, thật thú vị, phải tới những thời điểm đặc biệt như vừa qua, người ta mới chú ý tới việc khẩu trang đang mang theo nó một chức năng mới, bên cạnh việc giữ vệ sinh và ngừa dịch bệnh: Chức năng kiểm tra đạo đức và sự tử tế của mỗi người.
Hẹn gặp Sophia thư sau!
Sơn Tùng