(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Cả thế giới đang nhìn về Hà Nội của chúng tôi. “Thành phố vì hòa bình” đang là tâm điểm trong quá trình kiến tạo nền hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên - điểm nóng liên quan tới vũ khí hạt nhân. Cần lưu ý rằng, Mỹ và Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến 1950-1953 mới kết thúc bằng một Hiệp định đình chiến, chứ chưa phải một Hiệp ước Hòa bình.
Việc Triều Tiên và Mỹ lựa chọn Hà Nội là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai trước hết thể hiện sự tin cậy của hai nước đối với Việt Nam và cũng chứng minh uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Lựa chọn này vốn đã được các chuyên gia phân tích đầy đủ các khía cạnh từ lịch sử, văn hóa, ngoại giao, địa lý, địa chính trị, an ninh... Nhưng điều chúng tôi tự hào là câu chuyện hội nhập quốc tế của Việt Nam đã mang lại cảm hứng cho nhiều phía.
Những nhà kinh tế và chính trị gia cổ vũ cho tiến trình toàn cầu hóa luôn mang Việt Nam ra để ví dụ về sự thành công của một đất nước đã nỗ lực không mệt mỏi cả về kinh tế lẫn ngoại giao để hội nhập. Để chúng tôi có thể tự hào nói với Sophia rằng Hà Nội được chọn vì... đây là Hà Nội.
Một Hà Nội mà tự thẳm sâu trong lòng nó, mỗi địa danh và mỗi con đường cùng lịch sử dài lâu đều chứa đựng một nét thanh bình tươi đẹp của quá trình kiến tạo hòa bình không ngơi nghỉ qua hàng nghìn năm biến cố.
Hãy nhìn ngay khách sạn Metropole nơi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến hành cuộc gặp lịch sử cũng ẩn chứa một “câu chuyện hòa bình” không chỉ của người dân nước tôi mà của cả những người Mỹ chân chính.
Khách sạn Metropole Hà Nội với tên gọi đầy đủ là Sofitel Legend Metropole Hà Nội, dưới nền khu Bar của khách sạn có một hầm trú ẩn tránh bom được xây dựng từ thời kháng chiến chống Mỹ với 2 lối vào, một lối bên dưới hồ bơi và một lối thông ra trung tâm khách sạn.
Trong căn hầm ấy vào Giáng sinh năm 1972 từng cất lên tiếng ca phản chiến kêu gọi hòa bình của nữ ca sĩ nổi tiếng Joan Baez. Qua những câu chuyện được ghi lại, trong tiếng còi báo động bên ngoài, Joan Baez hát và tự đệm guitar giữa hầm trú ẩn dưới Metropole khi đó gọi là khách sạn Thống Nhất.
Ngày ấy, Hà Nội của chúng tôi có các hầm trú ẩn tập thể, hầm cá nhân chống mảnh đạn ở dọc vỉa hè, ngày ấy Joan Baez đã biết thế nào là cuộc chiến từ phía bên kia để thấy rõ khát vọng hòa bình của mỗi con người Hà Nội, mỗi con người Việt Nam lớn lao và tha thiết biết nhường nào.
Và ngày ấy, trong ánh sáng leo lắt, Joan Baez đã cất giọng hát “Kumbaya”, “My Lord” và “Don't Let Nobody Turn You Around”, chính giọng nữ cao của bà khiến những người xung quanh bớt lo lắng giữa bốn bức tường chật hẹp như thể đang rung lên dưới sức ép bom đạn.
Sau đêm Giáng sinh ấy, “di sản” mà Joan Baez để lại là một đĩa thu âm "Where Are You Now, My Son?” phản chiến, kêu gọi hòa bình nổi tiếng nhân loại.
Bây giờ, căn hầm được mở cho khách tham quan, những trích đoạn trong đĩa hát này vang lên từ những chiếc loa nhỏ làm nền cho chuyến đi ngược thời gian để tìm lại khát vọng hòa bình xưa, cho dù chỉ lên vài bậc thang là tất cả bao trùm bởi không khí 5 sao sang trọng, nơi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim gặp nhau..
Người Mỹ có câu danh ngôn ngoại giao rất hay "Để nhảy Tango cần hai người", ý nói để dệt nên những điều đẹp đẽ luôn cần cố gắng của cả hai phía. Nhưng để điệu nhảy Tango thêm đồng điệu, cần có những bản Tango đẹp và sàn nhảy gợi cảm hứng. Hà Nội của chúng tôi có thể làm được điều đó.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau.
Nguyễn Gia