(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Tết xưa đối với cả nước thiêng lắm vì thời đó rất ít lễ hội. Người Hà Nội đón Tết theo cách riêng của mình: Chuẩn bị đón Tết từ đầu năm.
Facebook đã ngập tràn hình ảnh về một cái Tết đang đến với chúng tôi. Nhưng tôi ám ảnh với chia sẻ của một anh đồng nghiệp về chuyện cậu bạn cũ của anh cực kỳ sợ Tết bởi một nỗi: Tết đến, nghĩa là nhậu nhiều hơn.
Hóa ra, nỗi lo lớn nhất của cậu ấy vào lúc này, khi cái Tết đang chầm chậm đến không phải là tiền thưởng ít, chuyện tiền nong nợ nần hay tắc đường, quà cáp mà là quá nhiều cuộc nhậu sầm sập kéo đến.
Dù là người yêu cái Tết cổ truyền đến cuồng nhiệt, nhưng tôi và hẳn nhiều người đều rất đồng cảm với suy nghĩ của anh ta.
Anh kể, từ giờ đến 29 Tết, trung bình mỗi ngày hơn 1 cuộc "tụ", nào là cơ quan, cả các phòng ban, hội đồng hương, đám bạn đại học, đối tác làm ăn... Mấy ngày Tết về quê cũng không khác gì, lại ngồi tiếp với bạn học ngày xưa, rồi những cuộc họp mặt, đồng ngũ, đồng niên, họp họ, họp đại gia đình dồn dập.
Toàn những cuộc khó chối từ. Tết nhất là lúc các bà, các mẹ, các chị túi bụi với bếp núc và cũng chẳng thể “mặt nặng mày nhẹ” khuyên can nếu anh em quá chén.
Sophia ạ, ngẫm ra mới thấy ở nơi chúng tôi, làm đàn ông thật là khổ. Không chỉ phải kiếm tiền chứng tỏ cho xã hội thấy mình là ai, mình có thể làm gì mà điều phải chứng tỏ thường xuyên nhất là phải khẳng địnhmình trên bàn nhậu, ít nhất không để sự kém cỏi về tửu lượng của mình làm ảnh hưởng đến mối quan hệ thân sơ các kiểu.
Quanh năm đã thế, đến gần Tết lại càng dồn dập, vì có quá nhiều điều cần “sẻ chia, tâm sự, tổng kết”. Bản thân tôi và các bạn bè, rất nhiều lần sau các cuộc nhậu đã tự nhủ rằng, thôi, phải thay đổi, phải làm gì đó để không lún quá sâu vào rượu chè nữa. Nhưng năm ngoái nói thế và năm trước nữa cũng từng hứa thế. Khi vào bàn rượu và “làm” vài ba chén, con ma men trong mỗi người lại trỗi dậy cùng với cơn phấn khích mà hơi cay mang lại, cùng với rất nhiều lời mời mọc, động viên lẫn khích bác, đe dọa kiểu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, rằng bản lĩnh đàn ông và sự nhiệt tình được chứng minh qua bao nhiêu chén...
Trong cuộc vui ấy, anh em sung sướng khi ngồi trong đám bạn, được uống, được nói mà không ngại ngùng, được cởi bỏ hết mọi áp lực và thể hiện mình là ai. Nhưng hậu của những cuộc nhậu thì chẳng vui vẻ gì. Có những thứ rất tệ cho sức khỏe của bản thân nhiều năm sau này mới thấm. Và điều khủng khiếp nhất, tai họa có thể đến ngay tức thì khi chỉ cần một tai nạn trên đường về nhà…
Vài ngày trước, vị đại diện Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia của chúng tôi dẫn số liệu thống kê của ngành y tế tại các địa phương và thông báo, năm 2018 hơn 60% số vụ cấp cứu tai nạn giao thông do bia rượu.
Tôi đã từng đến Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội vào ngày Tết, trong khi các phòng khoa khác thưa thớt bệnh nhân do nghỉ Tết thì khoa Cấp cứu lại đông đúc hơn ngày thường. Những tràng còi xe cấp cứu, những bước chân hối hả của các y bác sĩ, ánh mắt lo lắng, tiếng nấc nghẹn của những gia đình có người thân đang cấp cứu, những máu me, xương thịt... Chỉ có duy nhất một cây đào được bày ngay ngắn bên quầy tiếp nhận bệnh nhân để biết Tết đang hiện hữu.
Mấy hôm nay đi đường, thấy các quán bắt đầu đông hơn, chung cư nhà tôi cũng liên tục thấy văng vẳng tiếng "dzô dzô". Một cái Tết nữa lại đến...
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!
Thảo Nhi