(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Lễ Tảo mộ cuối năm hay còn gọi là Lễ Chạp thường được tổ chức vào cuối tháng Chạp hằng năm, trước khi các gia đình sửa soạn làm mâm cơm Tất niên vào 30 Tết.
Tết Nguyên đán của chúng tôi đã cận kề. Những người rời quê lên phố làm ăn, sinh sống đang háo hức chờ ngày về đoàn tụ với gia đình, làng xóm. Còn các ông bố, bà mẹ ở quê thì cũng đang chờ cái Tết sum vầy với con cháu.
Chuyện tưởng chừng đơn giản, ấy vậy mà với nhiều gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ, câu chuyện Tết này về bên nội hay bên ngoại, ở lại thành phố, đi du lịch hay là về quê với ông bà... đang là bài toán rất đau đầu.
Tôi có một người bạn thân. Gia đình anh, mẹ đã mất, chỉ còn ông bố là sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu. Từ khi bạn tôi lấy vợ, do quê vợ ở xa cho nên năm nào cũng vậy, cứ hết ngày mùng 1 Tết là cả nhà lại chuẩn bị hành lý để mùng 2 lên tàu về ăn Tết bên ngoại. Khi các con còn bé, vợ anh lại phải vất vả chuẩn bị đồ ăn dành riêng cho các cháu, nói chung là rất cách rách. Tết ấm quê ngoại, thì quê nội lại đìu hiu. Thương bố già ở lại một mình, anh lại phải cậy nhờ bạn bè sang chăm nom, cơm nước những ngày Tết còn lại.
Theo dõi trên mạng xã hội và thấy rằng, không ít nàng dâu than thở, cả năm đã sống xa nhà, đến mấy ngày Tết, chồng lại "mặt nặng mày nhẹ" chẳng muốn về quê vợ ăn Tết. Dẫu để gia đình vui vẻ, nhiều nàng dâu thường im lặng chiều ý chồng nhưng trong lòng không tránh khỏi tủi thân, buồn bực.
Còn nhiều chàng rể kêu ca về quê vợ mấy ngày Tết, ăn nhậu liên miên, rượu bia cả ngày với anh em họ mạc "nhà người ta", đã chán thì chớ, lại bị anh em, chiến hữu quê mình gọi điện khích bác là "chó chui gầm chạn" nhà vợ ngày Tết.
Cũng có nhiều cặp vợ chồng mỗi lần từ Sài Gòn bay về quê ăn Tết mất toi cả chục triệu. Với đồng lương công nhân của hai vợ chồng, số tiền này không phải là nhỏ. Có khi tích lũy cả năm mới được. Nhiều người lao động ở nước ngoài như cô bạn tôi đang sinh sống ở Minsk muốn mua vé máy bay về ăn Tết tại Việt Nam cũng không phải là chuyện dễ dàng, cũng phải cân nhắc, đắn đo và không phải năm nào cũng có thể về quê ăn Tết được.
Sophia thân mến!
Về quê ăn Tết là một phong tục, một nét đẹp văn hóa. Đó là mong ước chính đáng của bất kỳ một người con dân Việt nào khi đi xa nhà, xa xứ làm ăn, sinh sống. Quả thật, cả một năm trời chị em đã vất vả lo toan, quán xuyến việc nhà chồng, sẽ thật tuyệt vời nếu anh chồng và nhà chồng biết thông cảm, chia sẻ, tạo điều kiện để nàng dâu có dịp về đón Tết bên cha mẹ đẻ, để mong ước không chỉ còn là ước mong.
Thế nhưng tôi cho rằng chúng ta cũng cần phải thực tế hơn một chút, nên tùy theo hoàn cảnh thực tế của chính mình và gia đình mình để mà có những lựa chọn hợp lý. Đấy là còn chưa nói chuyện đường sá xa xôi, đi lại dịp Tết đông đúc rất mất thời gian. Có khi Tết về thăm bố mẹ đấy nhưng nhiều khi lại trở thành nỗi lo cho cả nhà bởi tâm lý các cụ thương con, xót cháu.
Nên chăng chúng ta tự cân đối điều chỉnh về tài chính, tính toán thời gian sao cho hợp lý cả hai bên nội ngoại. Nếu thuận tiện thì bố trí về đoàn tụ, còn không thì gọi điện hỏi thăm chúc Tết, gửi quà biếu.
Cũng không hẳn là Tết không về quê là mất vui, vì cho dù chúng ta có sống ở đâu chăng nữa thì phong tục đón Tết vẫn luôn tồn tại trong mỗi con người, miễn là chúng ta sống có trách nhiệm, có tình thương và sự chia sẻ thật sự thì kể cả khi gọi một cuộc điện thoại chúc Tết bố mẹ,ta vẫn giữ được tình cảm gia đình cho dù cách xa về mặt địa lý. Xa mặt nhưng không cách lòng.
Có đúng vậy không Sophia? Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau.
Xuân An