(Thethaovanhoa.vn) - Vụ đánh bom Bangkok nếu không có camera chắc chắn sẽ không thể hình dung tường tận về một nghi phạm rằng hắn mặc áo vàng, bỏ lại chiếc ba lô trên ghế rồi rời đi ít phút trước khi bom phát nổ. Đây là chiếc camera công cộng của các nhà chức trách Bangkok.
Vụ đánh bom cuộc thi Marathon ở Boston, Mỹ cách nay 3 năm cũng không thể xác định được hai anh em thủ phạm đã hòa vào dòng người rồi sau đó để lại chiếc ba lô chứa bom nếu như không có camera ghi hình. Lần này là nhờ vào camera của một số cửa hiệu nằm trên con phố xảy ra sự việc đau lòng.
Camera công cộng thu thập dữ liệu đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân ở nhiều quốc gia. Nó từng nổ ra những cuộc tranh cãi nảy lửa bởi nó có thể vi phạm quyền riêng tư của mỗi con người.
Nghi phạm trong vụ đánh bom ở Bangkok được lực lượng Cảnh sát áp giải về nơi giam giữ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Ảnh: TTXVN
Nhưng nhiều cuộc thăm dò đều ghi nhận được đa số ủng hộ việc sử dụng camera để giám sát các hoạt động công cộng. Thứ nhất là khi các hoạt động diễn ra ở chốn công cộng rồi thì quyền riêng tư lúc đó chỉ còn là tương đối dù cho có camera ghi hình hay không.
Và thứ hai, quan trọng nhất, nó có thể phòng ngừa tội phạm, mà nếu không đủ để phòng ngừa thì cũng giúp ích cho quá trình truy tìm thủ phạm, phá án.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp ở nước ngoài mà các vụ án mạng xảy ra ngay trước camera giám sát công cộng vài giờ đồng hồ rồi mới thấy lực lượng chức năng, từ cấp cứu cho tới cảnh sát hiện diện.
Và thực tế ở Việt Nam có một dạng camera khác, đó là sự chứng kiến của nhiều người khi sự việc sự cố xảy ra lúc thanh thiên bạch nhật mà phản ứng ghi nhận được là... không có gì.
Người ta gọi nó là vô cảm, nhưng sự vô cảm lại nảy sinh từ một thực tế là sự can thiệp nào đó lại có thể đe dọa tính mạng. Gỡ nút rối này thế nào rõ ràng không chỉ là việc phải lắp thêm bao nhiêu cái camera.
Chúc quý vị độc giả vui vẻ và bình an!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần