(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) tổ chức tối hôm Chủ nhật (theo giờ Mỹ) chỉ đứng áp chót trong tổng số tám chương trình phát sóng trực tiếp trên truyền hình tối hôm ấy.
Chỉ số của chương trình kéo dài trong vòng ba tiếng (từ 7 tới 10 giờ) trên một kênh khá nổi tiếng là Fox là 1,7, vì chỉ có khoảng 6,4 triệu người theo dõi là lúc cao điểm nhất. Chúng ta chịu khó theo dõi một chút bảng thống kê chương trình để thấy được đây là một con số biết nói.
Thấp nhất là chương trình mang tên The Sound Of Music trên kênh ABC có 4,7 triệu người xem. Còn Top ba chương trình được nhiều người xem nhất thì trong đó có hai chương trình thể thao (đều là bóng đá Mỹ) với 23,71 và 15,86 triệu người trên CBS và NBC, và thứ ba là một chương trình phỏng vấn chuyên sâu về các chủ đề chính trị mang tên 60 phút cũng của đài CBS.
Vậy là chúng ta có thể hiểu được là dù cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ tổ chức ngay trên đất Mỹ và đại diện của sắc đẹp Mỹ cũng có mặt trong Top 5 và sau đó giành giải Á hậu 2, nhưng nó không phải là điều nằm trong số những thứ mà người Mỹ quan tâm nhất.
Đại diện của Việt Nam trong phần thi áo tắm Trong khi ấy, việc Phạm Hương bị trượt Top 15 lại là câu chuyện đáng kể nhất đối với nhiều người Việt dù cho thời điểm diễn ra sự kiến ấy lại vào khoảng 8 giờ sáng thứ Hai theo giờ Việt Nam, khi mà người lớn tới công sở còn trẻ em tới trường học.
Những điều nói trên thực ra không phải là lần đầu tiên chúng ta được kiểm chứng rằng có những xu hướng mà Việt Nam khác với nhiều quốc gia. Nó là khát vọng chinh phục những đỉnh cao mà danh hiệu "nhất thế giới" là điều hiếm khi chúng ta đạt được ở nhiều lĩnh vực, hay đơn giản (mà lại đáng bàn) khi chúng ta để những thứ liên quan tới vẻ bề ngoài có một ví trí khá quan trọng trong đời sống xã hội?
Liệu những khát vọng nổi tiếng bằng mọi giá và danh hiệu "hot girl" lại làm tăng cát xê dễ và cao hơn hẳn danh hiệu nghệ sĩ nhân dân có phải là hậu quả?
Chúc quý vị một tuần vui vẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần