(Thethaovanhoa.vn) - Về lý thuyết, nếu như trời mưa lớn thì người đổ ra đường sẽ ít hơn và tình trạng giao thông sẽ khá hơn. Nhưng chúng ta chắc cũng đã quen với việc giữa lý thuyết và thực tế khác nhau một trời một vực. Thực tế ở Hà Nội là thế này: Trời mưa càng to càng tắc đường.
Có mấy nguyên do. Hệ thống thoát nước của Hà Nội nhiều điểm không tốt, trừ khu phố cổ, phố Tây do người Pháp xây trước đây. Thế nên mưa là ngập tứ phía. Có một số con đường ở Hà Nội khá xấu. Ngập lụt làm cho dòng chảy giao thông chậm đi và nhiều người sợ dưới làn nước đục ngầu có những cái bẫy chết người.
Nhưng có một nguyên do khác nữa, cứ mưa to là hệ thống đèn giao thông có cũng như không. Việc vượt đèn đỏ, chen lấn và vượt ẩu được mưa hợp thức hóa. Tâm lý muốn nhanh cộng với thói quen không chấp hành luật giao thông vốn có đã cùng nhau biến các nút giao trở thành mớ hỗn độn.
Mưa lớn gây tắc đường ở Hà Nội
Một chiếc xe gắn máy vượt lên chặn đầu xe hơi. Một vài chiếc xe hơi nằm lại ở giữa ngã tư làm ùn tắc giao thông từ cả bốn phía. Đến hình ảnh vỡ tổ kiến chắc cũng chỉ hỗn loạn như những gì người ta chia sẻ trên mạng xã hội và truyền thông sau những cơn mưa Hà Nội.
Cách đây khoảng 15 năm, khi xe hơi chưa phổ biến, các vấn đề về giao thông thường là do người điều khiển xe gắn máy. Chẳng hạn là đi sang làn xe hơi hay đi hẳn ra giữa đường ở những nơi không có dải phân cách. Điều người ta thường nghe khi ngồi trên xe hơi là người lái xe chê thậm tệ thứ văn hóa tham gia giao thông của người đi xe gắn máy.
Nhưng khi xe hơi trở nên phổ biến, bình dân hóa thì tình trạng phổ biến mỗi khi tắc đường ở Hà Nội là ba hay bốn dòng xe hơi phủ kín con đường, còn những người đi xe gắn máy nếu không muốn lách qua những cái kính chiếu hậu sẽ phải đi lên vỉa hè. Đây là lỗi của phát triển quá nhanh hay là do con người không phát triển?
Xin chúc quý vị độc giả có được những cơn mưa làm dịu mát không khí nhưng không làm bốc hỏa cái đầu vì tắc đường khi mưa!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần