Tết nhạt là do mình

Thứ Hai, 12/2/2018, 8:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Một câu chuyện cười hài hước đến mấy nghe mãi cũng thấy nhạt, một bộ phim hay nhường nào xem mãi cũng thấy chán, và phải chăng Tết cũng nhạt dần theo tháng năm?

Một năm mới nữa chuẩn bị đến trên khắp các con phố nẻo đường tại Việt Nam. Những câu chuyện ngày Tết người ta đã bắt đầu kể nhiều hơn, những câu chuyện cũ, những ước vọng mới, những tâm sự mang đậm âm hưởng của những ngày Tết Việt Nam.

Tôi thấy bạn bè mình thường bảo nhau Tết ngày càng nhạt, không được như xưa. Không những bạn bè, mà rất nhiều người ở những lứa tuổi khác nhau cũng thấy vậy. Với họ, những cái Tết “đậm đà” là những cái Tết đã qua, và những cái Tết sắp đến càng ít đi lý đo để chờ đợi.

Chú thích ảnh
Thấy đào nở là thấy Tết. Ảnh: TTXVN

Tôi nghĩ đây là một chuyện bình thường. Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, tôi tin rằng ai cũng sẽ trải nghiệm những thứ ban đầu thì đầy hứng khởi, ham muốn khám phá dâng trào tưởng sẽ không bao giờ cạn. Nhưng sau rồi lặp lại, lặp lại thành quen, rồi bỗng thấy những thứ đó không còn hấp dẫn nữa, đơn giản là bị “nhạt”.

Không nhạt sao được khi cũng chỉ có từng đó món ăn. Không nhạt sao được khi cũng chỉ có từng đó những loài hoa đặc trưng mùa Tết. Không nhạt sao được khi cũng chỉ từng đó những tập tục diễn qua diễn lại. Không nhạt sao được khi năm mới cũng chỉ gặp lại những người năm cũ, với những lời chúc cũ và những câu chuyện cũ. Khi còn nhỏ, khám phá những điều đó dịp Tết là cơ hội rất hay ho, nhưng khi lớn dần thì khác. Không nhạt sao được khi năm mới rồi, mà cách đón năm mới vẫn chẳng có gì đổi thay. Tết sẽ còn thêm phần nhạt khi người ta mong chờ kỳ vọng quá nhiều ở nó, để rồi thất vọng bởi Tết vốn vẫn thế thôi.

Hay nói giản đơn, Tết vẫn vậy, nhạt hay không là do mình. Cụ thể là cách chúng ta đón Tết, cách chúng ta trải nghiệm những ngày Tết, cách chúng ta nghĩ về Tết, những người chúng ta gặp, những nơi chúng ta đến,... vào dịp Tết.

Tôi cũng từng cảm thấy Tết nhạt, nhưng giờ thì không. Một phần vì tôi không chờ đợi Tết như ngày xưa nữa. Lớn lên, tầm nhìn rộng mở hơn, có quá nhiều thứ để làm mỗi ngày, và không còn nữa những quãng thời gian rảnh rang chờ nghỉ Tết như thời đi học. Một phần vì tôi luôn có những kế hoạch để làm những ngày Tết của mình trở nên ý nghĩa hơn.

Chú thích ảnh
Nhộn nhịp chợ hoa Tết Mậu Tuất 2018 tại TP.HCM. Ảnh: TTXVN

Tôi coi Tết là một dịp để bản thân nghỉ ngơi, đồng thời cũng là dịp để dọn dẹp, dọn nhà cửa, dọn tâm trí, dọn đi những thứ không cần thiết mà trong năm mình đã không có nhiều thời gian để làm việc đó.

Tôi coi Tết là một dịp để rèn luyện sức khoẻ của bản thân. Là một người làm việc văn phòng, tôi đã có 6/7 ngày trong tuần gắn mình với cái máy tính, điện thoại và chiếc bàn chiếc ghế. Những ngày nghỉ là những dịp rất tốt để tôi đi nhiều hơn, vận động ra mồ hôi nhiều hơn.

Tôi coi Tết là một dịp để nhìn lại năm cũ đã qua và lên kế hoạch cho tương lai sắp đến. Một khoảng thời gian đủ dài để nhìn sâu, nhìn kỹ vào những sai lầm, những thất bại, rút kinh nghiệm từ quá khứ. Quãng thời gian đó cũng đủ dài để hình dung rõ hơn những điều mình muốn ở ngày mai, những điều mình cần phải làm để đạt được mong muốn đó.

Và dĩ nhiên, tôi cũng coi Tết là một dịp đặc biệt của đất nước này. Đó là một trong những điều rất Việt Nam, những nét văn hoá rất ấn tượng và khiến những đứa trẻ Việt Nam sau này lớn lên sẽ không thể quên. Dẫu cho Tết năm này năm khác có những thay đổi. Có những thứ cũ mất đi và có những thứ mới thời thượng, hấp dẫn hơn thêm vào. Nhưng ký ức về những điều đẹp đẽ ngày Tết sẽ vẫn vẹn nguyên và “mặn mà” như thế.

Tết là một dịp hiếm hoi mà tất cả mọi người đều muốn bên nhau và nói những điều tốt đẹp và ấm áp. Tết cũng là lúc người ta quan tâm nhiều hơn tới gia đình, tới những người thân. Tết cũng là lúc người ta quan tâm nhiều hơn tới hàng xóm láng giềng, đó luôn là một dịp để kết nối mọi người gần nhau hơn.

Tết giờ đã khác xưa. Ai cũng cảm thấy thế. 10-15 năm trước ai biết mạng xã hội hay smartphone là gì, vậy mà giờ những điều hiện đại tân tiến đó đã phủ sóng khắp các ngóc ngách nẻo đường. Cách đón Tết năm nay cũng khác nhiều 10-15 năm trước. Có những thứ đã bị quên lãng đi. Có những điều mới góp phần. Tuy nhiên Tết vẫn có những phong vị rất riêng và đáng trân trọng.

Khi nào Tết còn là thời gian để tất cả mọi người có thời gian thảnh thơi để nghỉ ngơi, để quan tâm đến nhau hơn, để nói những điều tốt đẹp, để suy nghĩ và thêm yêu cuộc sống này,... thì Tết còn rất mặn mà. Nếu muốn cảm nhận sự mặn mà đó, hãy tự lên kế hoạch làm những điều thật ý nghĩa cho dịp Tết. Đến những nơi mới, gặp những người mới, làm những điều mới,... Miễn là những điều đó thực sự ý nghĩa đối với bạn, thì tự bạn sẽ tạo ra những kỷ niệm và ký ức mới trong dịp Tết, sau khi đã khám phá hết những “điều quen thuộc” từ Tết trong quá trình trưởng thành.

Tết là của bạn. Tết cũng là của tôi. Tết của tôi năm nay sẽ không nhạt, còn bạn thì sao?

(Còn tiếp)

Ngày 26 Tết: Dạo chợ hoa Hàng Lược để thấy Tết đã về gần

Ngày 26 Tết: Dạo chợ hoa Hàng Lược để thấy Tết đã về gần

Trải qua hơ một thế kỷ nhưng cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chợ hoa Hàng Lược lại tấp nập người mua bán quất, đào.

Hạ Hồng Việt

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến