(Thethaovanhoa.vn) - Phim S.O.S sói trắng (đạo diễn: Lê Hoàng) đã bước qua tuần thứ hai với lác đác khán giả, xem như cầm chắc phần thất bại về doanh thu. Nhưng khác với những phim kén khán giả do nặng tính nghệ thuật, về câu chuyện và nghệ thuật, phim này thất bại song hành.
Khoan hãy bàn đến biểu tượng của sói trắng là gì? Nội hàm cụm từ “S.O.S sói trắng” thì khán giả bình thường nên hiểu thế nào? Nên cứu vớt linh hồn cho sói trắng; hoặc nên cảnh giác với sự nguy hiểm của sói trắng chăng?
Xem phim xong, khi phỏng vấn nhanh 7-8 khán giả tại một cụm rạp ở TP.HCM xem S.O.S sói trắng là gì với họ, đa số nói “cũng không rõ nữa”, hoặc “tựa đề chẳng mấy liên quan đến nội dung của phim”.
Trong văn hóa đại chúng, sói con hoặc sói trắng thường được dùng để chỉ các bé trai hướng đạo sinh (cub scout) trong độ tuổi từ 8-10 tuổi. Các hướng đạo sinh này tập hợp lại để xoay dựng lý tưởng trợ giúp thế giới, chẳng liên quan gì đến chuyện ấu dâm.
Về tính biểu tượng thiêng liêng, sói trắng rất quan trọng ở các nền văn hóa và tôn giáo trên các thảo nguyên Á - Âu và vùng đồng bằng Bắc Mỹ. Họ xem sói là vật tổ, biểu trưng cho dương tính, tình đoàn kết, sức kiên trì, sự thành công. Vì vậy sói đi vào huy hiệu cao quý của nhiều vùng miền tại Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan, Italy… Ngày nay rất nhiều người vẫn xăm hình chó sói lên thân thể như một biểu tượng cho tình đoàn kết, sự kiên trì.
Khảo sát hàng chục câu chuyện cổ và cổ tích có liên quan đến sói trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, chẳng có chuyện nào liên quan đến ấu dâm. Tại vùng Trung Á và Đông Á, nhiều dân tộc còn xem sói trắng là biểu tượng cho sự chung thủy, vì sói đực, sói cái và các con của chúng sống thuận hòa, quy củ khá lâu với nhau.
Nói dài dòng như vậy để thấy khán giả sẽ băn khoăn cỡ nào khi bước ra khỏi rạp, nơi mà họ chẳng thể biết nên S.O.S sói trắng theo khía cạnh nào?
***
Luận đề chính của phim này là lên án một chàng ca sĩ ngôi sao có sở thích hiếp dâm các bé trai. Cả phim là hành trình có tính hình sự để bắt cho được quả tang sự phạm tội của chàng ca sĩ này. Truyền thông của phim đưa ra thông điệp phim được làm để chống nạn ấu dâm, nhưng thực tế thì phim lại nghiêng về một vụ án ấu dâm nhiều hơn.
Các nghiên cứu trong phân tâm học về tiềm thức và vô thức chỉ ra rằng bên cạnh trí nhớ, con người còn có “trí quên”, nên đừng áp đặt một cách dễ dãi rằng cái gì cũng sẽ ám ảnh người ta suốt cuộc đời.
Trong phim S.O.S sói trắng cũng có một chi tiết cho thấy điều này, đó là vết thương và tai nạn của bé trai bị hiếp dâm kia rồi sẽ phôi pha theo thời gian. Chứ nếu cái gì xảy ra ở quá khứ cũng đeo đuổi con người đến khi chết, không bị “trí quên” ngăn trở, thì chắc tất cả học sinh đều thành nhà bác học, hoặc loài người đã diệt vọng rồi.
Lê Hoàng than thở anh vừa có 2 ngày chóng mặt ở trường quay với 14 “sao” từ sáng sớm tới chiều tối để thực hiện chương trình talk Chuyện đêm muộn (phát sóng lúc 23h30 thứ 5, thứ 6 hàng tuần trên sóng VTV3).
Cũng các nghiên cứu vừa nêu cho biết thêm, nếu tai nạn ở quá khứ được lặp lại nhiều lần, đánh mạnh vào khía cạnh tâm lý hơn là sinh lý, thì sức ám ảnh sẽ dai dẳng và ghê gớm hơn, có thể thành căn bệnh theo suốt cuộc đời. Đứa bé bị lạm dụng ấy sẽ dễ trở nên lệch lạc... Phim không khai thác khía cạnh này, mà chỉ nói suông rằng tội ấu dâm là rất đáng sợ, đáng khinh.
Xã hội ngày nay hẳn nhiều người đã biết quan hệ tình dục vị thành niên và hiếp dâm là tội rất nặng, phim kể lại một câu chuyện quá đơn giản như vậy, thành ra dư thừa.
Làm một phim để chống nạn ấu dâm là nỗ lực rất đáng trân trọng, nhưng có lẽ do cái nhìn hơi đơn giản nên kết quả không được như mong đợi. Sự thất bại cả về doanh thu và chất lượng nghệ thuật đã khiến cho nỗ lực tốt đẹp ấy không thể trở thành một hồi chuông đánh thức được sự chú ý từ cộng đồng.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa