(Thethaovanhoa.vn) - Đang ở Mỹ, đọc những lời kêu gọi “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đang rất nóng tại Việt Nam, tự dưng tôi nhớ tới một trải nghiệm của mình.
Liên tiếp những vụ “xe điên” xảy ra trên địa bàn thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành khác đã gây ra bao đau thương, mất mát cho gia đình các nạn nhân. Đồng thời để lại một hậu quả không thể đo đếm được cho xã hội: gây tâm lý bất an cho mọi người khi đi lại hàng ngày.
Trên đường từ sân bay Cleveland về Bowling Green (Mỹ), con gái tôi để cháu tôi ở ghế sau trong một chiếc ghế dành riêng cho trẻ nhỏ được thắt đai an toàn. Có một đoạn đường cháu khóc, nhưng con gái tôi vẫn lái xe.
Nghe cháu khóc, lòng tôi như lửa đốt. Tôi chỉ muốn ôm cháu và nựng cháu cho cháu nín. Nhưng con gái tôi nói tôi không được phép bế hay ôm trẻ nhỏ trong khi xe đang chạy. Nếu làm thế tôi sẽ bị phạt vì tôi không đảm bảo an toàn cho cháu nếu xe có va chạm.
Thấy cháu khóc lâu, tôi sốt ruột nói con gái tôi dừng xe lại một chút cho cháu bú hoặc ru cháu ngủ. Con gái tôi nói đoạn đường này không có nơi dừng đỗ xe nên không ai được dừng nếu không có sự vụ bất thường như hỏng xe hay gặp tai nạn hoặc việc gì đó cần cứu trợ.
Tôi không biết cách chăm sóc và bảo vệ một đứa trẻ của người Việt Nam và của người Mỹ thì cách nào tốt hơn cách nào. Và tôi cũng không hiểu ở Việt Nam có quy định này hay không, hay có mà không ai thực hiện.
Khi vào một nhà hàng ở Bowling Green, tôi gọi một chai bia. Người phục vụ đề nghị tôi cho xem thẻ căn cước hoặc hộ chiếu để chứng mình tôi đã đủ tuổi được dùng đồ uống có cồn.
Tôi nói với nhân viên phục vụ là tôi đủ tuổi là ông nội của người được phép uống bia rượu (ở Bowling Green, người trên 21 tuổi mới được mua và uống bia rượu nơi công cộng). Cô nhân viên phục vụ cười ngượng ngùng và nói: "Nhưng ông vẫn phải chứng minh là ông trên 21 tuổi”.
Việc đòi hỏi giấy tờ kiểu Mỹ nghe có vẻ rất vô lý vì mặt tôi già tựa người 80 tuổi. Nhưng tôi lại thích cách sống như vậy. Luật pháp là luật pháp. Nghĩ đến nước mình, việc uống bia rượu một cách tùy tiện lại chưa được xử lý một cách triệt để. Ở nhiều nhà hàng, các nhân viên có nhiệm vụ "ép" khách uống càng nhiều càng tốt.
Nhìn sang phong trào vận động chống sử dụng rượu bia khi lái xe ở Việt Nam. Tôi nghĩ vận động là tốt, nhưng xa hơn việc đó phải là luật pháp và mọi người dân phải chấp hành nghiêm minh. Có những việc không thể kêu gọi lòng tự giác mãi được mà phải dùng luật pháp để ngăn chặn và trừng phạt.
Một hôm, khi con rể tôi bắt đầu lùi xe ra khỏi bãi đỗ, ở phía sau có một chiếc xe nổ máy để lùi ra. Nhưng bất chợt người lái xe có điện thoại. Thế là ông ta dừng xe lại nghe điện thoại. Có hai điều tôi nhận ra từ câu chuyện đó: Một, khi đang nói chuyện điện thoại người ta sẽ không cho xe chạy. Hai, khi có xe phía sau chuẩn bị chuyển bánh thì xe của mình không được lùi về phía họ mà phải nhường đường.
Cuộc nói chuyện kéo dài đến mươi phút. Con rể tôi lặng lẽ bật nhạc trong xe ngồi chờ cho người phía sau nói chuyện xong điện thoại lái xe đi thì mới bắt đầu lùi xe. Cả người nghe điện thoại và con rể tôi (người chờ) đều cho thấy ý thức nghiêm túc và tôn trọng người khác.
Ở Việt Nam, có lẽ, người chờ như con rể tôi sẽ xuống xe và cáu gắt, thậm chí chửi bới. Còn người đang nói chuyện điện thoại có thể vẫn cứ lùi xe ra khỏi bãi đỗ và dễ dàng gây nguy hiểm cho người khác. Giống như, tại Việt Nam, người đi bộ muốn sang đường không bao giờ được nhường đường. Cứ liều mà tìm cách băng qua thôi.
Kể những chuyện ấy không phải chỉ để so sánh. Tôi muốn nói rằng: muốn xây dựng một đất nước hiện đại và văn minh, chúng ta hãy làm tốt những việc nhỏ, với sự nghiêm chỉnh của luật pháp và cả ý thức của chính mình.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều