(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi Chính phủ lập và phát động gây Quỹ vaccine phòng COVID-19, một phong trào quyên góp, đồng lòng cùng Chính phủ đã diễn ra sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân trên cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Hà Nội đang đẩy mạnh huy động để ủng hộ quỹ mua vaccine cho Thành phố với số tiền dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, hiện Thành phố đã ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 Việt Nam 100 tỷ đồng.. Dự kiến tuần tới, Thành phố sẽ tổ chức Lễ ra mắt Quỹ vaccine của Hà Nội.
"Kháng chiến" lâu dài với COVID-19
Số liệu báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tính đến 16h ngày 7/6, tổng cộng các tỉnh, thành phố đã tiêm chủng đợt 1 và đợt 2 được 1.340.098 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine là 38.166 người. Như vậy, Việt Nam mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho chưa đến 1% dân số. Đợt bùng phát COVID-19 thứ tư khiến Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc mới kể từ cuối tháng 4, chiếm gần 40% trong tổng số hơn 5.000 ca nhiễm trên cả nước tính từ khi đại dịch bắt đầu.
Có vaccine, hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng được nâng cao, cuộc chiến chống "giặc" COVID-19 sẽ sớm đến ngày chiến thắng, người dân được bảo vệ khỏi COVID-19, tái thiết lập cuộc sống bình thường, an toàn và khỏe mạnh. Việc vận động, tìm kiếm, đàm phán để đưa về nước vaccine được coi là nhiệm vụ cấp bách ưu tiên cao nhất hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về chiến lược vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế phấn đấu có đủ 150 triệu liều và vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tất cả các nguồn vaccine để có thể đảm bảo cho người dân Việt Nam thực hiện miễn dịch cộng đồng.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có chủ trương mua vaccine tiêm phòng cho nhân dân. Theo tính toán của Bộ Y tế, để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân thì nhu cầu kinh phí là trên 25.000 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí rất lớn, trong bối cảnh Chính phủ phải phân phối, điều tiết các nguồn lực để thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, chủ trương chung của Chính phủ, bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, sẽ huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân trên cả nước, để cùng sẻ chia với ngân sách Nhà nước mua vaccine kịp thời tiêm phòng cho người dân.
Từ thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19; Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng ký ban hành Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Theo Nghị quyết và Quyết định trên, Chính phủ lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp cả ở trong nước và ngoài nước để cùng với nguồn lực ngân sách Nhà nước thực hiện hiệu quả "chiến lược vaccine" gồm mua, nhập khẩu vaccine, chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm chủng cho người dân. Có thể thấy Quỹ không chỉ gói gọn trong việc mua vaccine mà còn phải chi cho đầu tư "chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước" – đây là những hạng mục cũng đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn.
Trong bài phát biểu tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính có nhấn mạnh: "Cuộc chiến với COVID-19 bằng vaccine phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hằng năm". Như vậy, việc kêu gọi quyên góp cho Quỹ không chỉ dừng lại ở ngắn hạn trước mắt mua đủ 150 triệu liều vaccine, mà còn nhằm đảm bảo kinh phí tiêm chủng cho người dân trong nhiều năm tới.
Tờ Nikkei Asia – tạp chí kinh tế hàng đầu châu Á đánh giá: Quỹ vaccine phòng COVID-19, sẽ đóng vai trò tài trợ cho hoạt động tiêm chủng, một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất, vốn là mảng kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Tờ báo dẫn lời bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng: "Bất kỳ đóng góp nào từ khu vực tư nhân trong việc mua sắm vaccine đều phải được kết hợp và tuân thủ với Chính phủ, nhằm tránh sự cạnh tranh giữa khu vực tư nhân và chính phủ trong khi nguồn lực khan hiếm".
Lời hiệu triệu triệu trái tim
"Đất nước chúng ta còn khó khăn. Đảng và Nhà nước đã và đang cố gắng nhưng cần sự chung tay, góp sức bằng tấm lòng và trái tim của cả cộng đồng, xã hội. Hôm nay, thay mặt Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tôi kêu gọi toàn thể nhân dân đồng lòng cùng chống dịch. Mỗi đóng góp đều có ý nghĩa với sự an toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng và cả xã hội. Đây là quỹ của tinh thần nhân ái, niềm tin, của trái tim và kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng. Để một lần nữa chúng ta lại ghi danh, viết tên mình lên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc, chiến thắng đại dịch COVID-19", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã xúc động khi đưa ra lời hiệu triệu người dân chung tay ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Lời hiệu triệu của Thủ tướng thực sự làm lay động con tim của hàng chục triệu người dân bởi nó đã chạm tới giá trị quý báu của dân tộc ta ngàn đời nay, đó là tinh thần yêu nước. Và tinh thần yêu nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn".
Thực tế cho thấy ngay từ lúc dịch COVID-19 khởi phát cách đây 1 năm rưỡi, khi Thủ tướng Chính phủ xác định tinh thần "chống dịch như chống giặc" thì nhân dân cả nước đã đoàn kết một lòng, chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ đồng thời cùng với chính quyền, các đoàn thể xã hội chung tay chia sẻ khó khăn, vất vả với các y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch và đồng bào trong vùng cách ly y tế.
Báo cáo "Ý kiến và kinh nghiệm của người dân về hành động ứng phó đại dịch COVID-19 của Chính phủ ở Việt Nam" do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thực hiện cho thấy sự đồng thuận cao và ủng hộ mạnh mẽ của những người được hỏi đối với chính sách và hành động của Chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch. Hơn 96% số người được hỏi đánh giá nỗ lực ứng phó của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 là tốt hoặc rất tốt; gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh. Có tới 99% người được hỏi cho biết, họ đeo khẩu trang khi ra ngoài và 93% rửa tay hằng ngày trong thời gian cao điểm của đại dịch.
Người dân cả nước vẫn còn ghi nhớ những hình ảnh cả núi hàng nhu yếu phẩm cùng những lượt xe chở hàng nối đuôi nhau chạy tới trước cổng Bệnh viện C Đà Nẵng những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020 khi bệnh viện này trở thành tâm điểm của cả nước, sau phát hiện ca dương tính SARS-CoV-2 trong cộng đồng đầu tiên ở đợt dịch thứ 2. Cả nước từng ngày, từng giờ hồi hộp, lo lắng hướng về Đà Nẵng với tất cả sự sẻ chia, đồng cảm. Tương tự cả nước hướng về Hải Dương trong đợt dịch thứ ba.
Và nay, khi đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội, với tốc độ nhanh hơn, độc lực mạnh hơn, nguy hiểm, khó lường hơn, khó kiểm soát hơn, một số địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang xuất hiện cùng lúc nhiều chùm ca bệnh, đe dọa trực tiếp hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp lớn, đa quốc gia, hình ảnh của Đà Nẵng, Hải Dương lại xuất hiện và nhân lên nhiều lần.
Nhiều y, bác sỹ, thanh niên tình nguyện viết đơn hăng hái xung phong lên đường về chi viện cho đồng nghiệp đang căng mình chống dịch ở điểm nóng Bắc Ninh, Bắc Giang. Không ai bảo ai, các tuyến đường hướng về Bắc Ninh, Bắc Giang nhộn nhịp hàng xe chở hàng hóa tiếp tế phòng, chống dịch. Còn rất nhiều hình ảnh đẹp không thể kể hết được để nói lên tình đồng chí, đồng đội, nghĩa đồng bào trong đợt "giông bão" này.
Tất cả cho thấy một điều như lời bà Trương Thị Thu Hương, Việt kiều tại Quảng Châu (Trung Quốc) nhắn nhủ qua chị gái mình khi tham gia đóng góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 tại Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: "Khi Tổ quốc cần chúng tôi luôn sẵn sàng tham gia ủng hộ", với mong muốn góp một chút sức lực nhỏ bé của mình cùng đất nước vượt qua đại dịch.
Khơi nguồn sức dân
Trên mạng xã hội, nhiều người vui vẻ chia sẻ hình ảnh mình tham gia đóng góp cho Quỹ như việc thực hiện quyền và trách nhiệm công dân với đất nước.
Sáng 7/6, bà Nguyễn Thị Thảo (77 tuổi, ở khu phố 5, Phường 6, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), đã nhờ con gái đưa đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 5 để tận tay trao số tiền 81.250.000 ủng hộ Quỹ. Theo bà Thảo, đây là số tiền phúng điếu người chồng của bà, ông Nguyễn Văn Sự - một đảng viên 55 tuổi đảng, cựu tù chính trị vừa mất ngày 1/6. Hoàn cảnh gia đình bà Thảo cũng không khá giả, khi ông đã già yếu từ nhiều năm và có thêm một người con út bị bệnh nặng. Tuy nhiên, toàn bộ tiền phúng điếu của ông, ngoài 10 triệu tiền cúng dường cho chùa, còn bao nhiêu bà ủng hộ Quỹ đúng như tâm nguyện lúc cuối đời ông đã dặn dò.
Trong khi đó, với suy nghĩ "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", hai chị em Khánh Ngọc (9 tuổi) và Khánh Hà (8 tuổi) ở Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia đóng góp vào Quỹ với số tiền gần 3 triệu đồng tiết kiệm trong 2 chú lợn đất dự định sẽ dùng để mua sách vở, đồ chơi khi hè đến. Tuy nhiên, khi tiếp nhận những thông tin về dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hai em đã xin phép ba mẹ dùng số tiền tiết kiệm để góp vào Quỹ.
"Khi xem tivi, con thấy mọi người nhiễm bệnh nhiều quá nên con góp 2 con heo đó để mua vaccine. Con mong muốn mọi người sẽ không bị nhiễm nữa và nước mình sẽ không còn dịch COVID-19", Dương Khánh Ngọc nói.
Trong điều kiện dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các địa phương, nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Đến 19h ngày 10/6 có 264.205 tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Quỹ đã quyên góp được qua tổng đài 1408 hơn 1,2 triệu tin nhắn, với tổng số tiền ủng hộ gần 61 tỷ đồng; số tiền các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cam kết ủng hộ là 4.255 tỷ đồng được chuyển vào Quỹ. Và con số này vẫn còn tiếp tục tăng từng giờ.
Có thể nói, việc lập và phát động quyên góp ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19 là một cách làm sáng tạo của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch. Thực tế đã chứng minh cách làm này là đúng đắn và hiệu quả; đồng thời nó cũng cho thấy một khi đã chạm đúng "mạch", khơi nguồn sức dân thì khó khăn có lớn đến đâu cũng có thể vượt qua.
Việt Đức/TTXVN