Quá đà lễ hội

Thứ Tư, 4/3/2015, 8:14 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện lễ hội, cứ nói đi nói lại mãi e chừng… bội thực. Bởi thực tế, chúng ta đang bội thực lễ hội vì theo thống kê thì Việt Nam có tới trên dưới 9.000 lễ hội.

Lễ hội không chỉ nhằm tưởng nhớ, tôn vinh công trạng những người có công với nước, với dân và thể hiện nét đẹp truyền thống Uống nước nhớ nguồn, mà còn nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo, phong tục đặc sắc, góp phần giữ “hồn dân tộc” cho thế hệ sau.

Nhưng càng ngày càng có xu hướng đi lễ hội nặng về cầu tài, cầu lộc, giải hạn và… giải trí. Tín ngưỡng của nhân nhân vốn tự nhiên, nhưng niềm tin mà không xác tín thành ra u mê. Vì thế mà những dòng người “vay mượn” ở Đền Bà chúa Kho, dâng sao giải hạn Tổ Đình Phúc Khánh mỗi năm như kéo dài thêm…

Chỉ riêng về lễ hội chọi trâu, cách đây vài năm, chỉ vài lễ hội chọi trâu truyền thống, nhưng bây giờ đâu đâu cũng chọi trâu: Chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang), Bảo Thắng (Lào Cai), Phúc Thọ (Hà Nội), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ), Phú Sơn (Bắc Ninh), Yên Hợp, Đông Cuông (Yên Bái), Quang Bình (Hà Giang)…

Như ngày hôm qua, 13 tháng Giêng, diễn ra cùng với hội Lim ở Bắc Ninh, hội chọi trâu “mới toanh” tại Phú Sơn thu hút hàng vạn du khách tham dự. Hội chọi trâu sẽ được duy trì trong các năm giúp lễ hội Kinh Bắc "đa sắc" hơn, để du khách trẩy hội thưởng thức quan họ kếp hợp xem... chọi trâu.

Từ hội trâu được phục dựng quá nhiều, không có gì khó hiểu khi có một điều không thể không nhắc tới trong mùa lễ hội năm nay là bạo lực. Thực tế, có một số lễ hội, việc đánh đấm, tranh cướp tượng trưng cho lòng dũng cảm. Vậy cảnh bạo lực diễn ra tràn lan thì sao. Đúng hay sai thuộc về góc nhìn mỗi người. Nhưng chứng kiến nhiều bạo lực chưa bao giờ là cách để rèn luyện lòng dũng cảm, nó chỉ dẫn đến hành vi hung hãn.

***

Người ta từng xô đẩy nhau suốt đêm, giẫm đạp, phá rào để cố giành giật cho được lá ấn đền Trần. Nhìn đám đông hung hãn tranh cướp ấn, cướp lộc ai có thể xem đó là một lễ hội văn hóa. Ở các chùa nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử… người dân chen chúc như nêm, ai cũng muốn mình được đến gần Phật hơn, được thắp một nén nhang, ai cũng tranh nhau đến trước.

Lễ hội phản chiếu nhân tâm của xã hội. Ở nơi linh thiêng đó người ta còn cướp được, vậy tự hỏi ở đời sẽ như thế nào? Thế nên dù lễ hội nhiều, người dân đi chùa lễ Phật nhiều nhưng cái ác trong xã hội vẫn nhan nhản. Có một con số đau lòng, trong mấy ngày Tết, có hơn 6.200 người nhập viện, 15 người tử vong do đánh nhau. Không thể tưởng tượng được tình trạng bạo lực lại tăng đến như vậy.

Có câu Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè. Bây giờ mới là tháng Giêng, còn lâu mới hết tháng Ba...

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

PeterLe  (04/03/2015 07:20:15)
PeterLe64gmail.com
Việt Nam tổ chức càng nhiều lễ hội thì càng nghèo thêm, 9.000 lễ hội hàng năm? mệt. Hoài niệm hủ tục học tập cái 1000 năm về trước bảo sao đất nước không nghèo. Quá lạ. Một số 'quan' còn đi cầu tài, cầu lộc, trình như thế thì bảo sao người dân không u mê, thiệt là lạ?
chien hai  (04/03/2015 09:41:06)
chiendh69@yahoo.com.vn
Nhất trí với tác giả, các lễ hội mất dần ý nghĩa lịch sử, văn hóa và người đi chủ yếu cầu tài lộc, phần lớn không biết ý nghĩa lễ hội đó, mặc dù có các bảng tóm tắt nội dung lễ hội nhưng mấy người dừng lại để đọc. Đi theo phong trào, đi chơi là chính.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến