(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu của cơ quan môi trường Mỹ, sáng nay, Hà Nội có chỉ số báo cáo chất lượng không khí (AIQ- Air Quality Index) ở mức độ "Xấu", "rất không tốt với sức khỏe". Đồng nghĩa, nhóm nhạy cảm (những người mắc bệnh mãn tính liên quan tới thời tiết, trẻ nhỏ, người già) tránh ra ngoài đường. Còn những người khác cũng cần hạn chế ra ngoài.
Điều này cũng trùng với những quan ngại của Tổng Cục Môi trường đã nêu ít lâu. Trong một bài viết đăng tải cuối tháng 9/ 2016, Tổng Cục Môi trường nhấn mạnh: chỉ số xếp hạng môi trường được công bố năm 2014, chất lượng không khí ở Việt Nam xếp thứ 170/178 quốc gia được xếp hạng, thuộc tốp 10 quốc gia có không khí ô nhiễm nhất trên thế giới. Chất lượng không khí tại Việt Nam theo Bảng xếp hạng này thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực như: Singapore, Brunei, Malaysia, Philippines, Indonesia.
Trang thông tin điện tử của Cục cũng nêu những con số rất đáng quan ngại với sức khỏe người dân: Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, cứ 100.000 dân, có 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% số người viêm họng và viêm Amidan cấp; 3,1% bị viêm phế quản và viêm tiểu phế quản. Mỗi năm nước ta phải đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để điều trị những bệnh do ô nhiễm không khí gây ra.
Tại hội nghị của Liên minh khí hậu và không khí sạch, WHO cảnh báo mối đe dọa từ ô nhiễm không khí lớn hơn nhiều so với báo cáo trước đó.
***
Rõ ràng, số liệu cập nhật buổi sáng nay của cơ quan môi trường Mỹ chỉ một lần nữa cảnh tỉnh người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung về thực trạng đáng buồn liên quan trực tiếp tới sức khỏe người dân: ô nhiễm không khí. Hà Nội nóng kỷ lục, mưa lớn lịch sử tại Sài Gòn, hạn mặn thế kỷ ở miền Tây...
Nhưng, trong câu chuyện ô nhiễm không khí hôm nay, không thể đổ lỗi tại... "ông trời"! Ai có thể oán "ông trời" khi mỗi ngày, Hà Nội có thêm gần 1000 ô tô, xe máy mới? Ai có thể oán "ông trời" khi Tổng Cục môi trường cũng đưa ra con số hầu hết các cụm công nghiệp tại Việt Nam đều có nồng độ bụi cao hơn 1,3 tới 1,5 lần? Con số này ở các làng nghề là 1,8 lần!...
Số liệu về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội trên trang web Airnow của Bộ Ngoại giao Mỹ (chú ý: số liệu liên tục được cập nhật theo thời gian thực)
***
Đến đây, chúng ta cần thẳng thắn với nhau rằng: Con người vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của tấn bi kịch ô nhiễm không khí. Và, không ai khác, chìa khóa để giải quyết mọi chuyện chính là con người. Từ những quyết sách thượng tầng cho tới những hành vi cá nhân đều cần được đưa ra để chống ô nhiễm không khí.
Thực tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Theo đó, cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) đã "đặt mục tiệu phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOx, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; kiểm kê khí thải cho 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học…" – Theo thông tin từ Tổng cục Môi trường.
Đồng thời, Bộ GTVT cam kết sẽ xây dựng và trình Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định quy định về lộ trình nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải với xe ô tô đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng (dự kiến trình năm 2018).
Còn với Hà Nội, UBND TP. Hà Nội vừa nhận giải Ý tưởng- Vì tình yêu Hà Nội tại Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2016 cho ý tưởng trồng 1 triệu cây xanh, xây 25 công viên trong đó 5 công viên tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay, ý tưởng đang được thành phố thực hiện rất quyết liệt để "lọc không khí" Thủ đô.
Với người dân, trong buổi sáng hôm nay, chúng ta thấy quá nhiều lời thở than về số liệu chất lượng không khí. Song, ngay mỗi bản thân chúng ta cũng cần có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường chung- môi trường tất cả chúng ta đều đang chung sống. Vì, bức xúc đâu có làm ta vô can!
Mỹ Mỹ