Nỗi buồn môn Sử

Thứ Tư, 4/6/2014, 10:45 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Theo thông báo của Bộ GD&ĐT, kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, ngoài hai môn bắt buộc là Văn và Toán, Lịch sử là môn có số thí sinh thấp nhất trong 4 môn tự chọn, chỉ chiếm 11,52% số học sinh dự thi. Điều này không mới và không có gì là “sốc”.

Trước kì thi 2013, cư dân mạng đã truyền nhau clip hàng trăm học sinh một trường THPT tại TP.HCM đồng loạt xé đề cương ôn tập môn Lịch sử, rồi lên tầng 2 thả xuống trắng cả sân trường.

Đây là một nỗi buồn muôn thủa và chúng ta cần chấp nhận lượng thí sinh ứng thí môn học này như một tất yếu bởi thực tế dạy sử hiện nay.

Kỳ thi năm nay, nhiều hội đồng thi được nghỉ do không có thí sinh nào đăng ký thi môn lịch sử. Có những trường chỉ có một thí sinh dự thi. Ở đó, người ta thấy cảnh hiếm gặp, tất cả các bộ phận như hội đồng thi, giám thị, lực lượng bảo vệ, y tế.... tổng cộng mấy chục người túc trực để tổ chức buổi thi cho một thí sinh.

Tuy nhiên, không thể vì thấy học sinh không đăng kí thi tốt nghiệp môn sử mà chúng ta vội bi quan rằng các em không biết sử nước nhà, không yêu nước.

Một em học sinh có thể tự hào kể vanh vách các sự kiện lịch sử từ thời dựng nước đến nay, nhưng không thể nói cụ thế từng chi tiết nhỏ của từng trận đánh theo yêu cầu các bài kiểm tra, bài thi. Tầm chương trích cú và những con số máy móc chỉ phù hợp với người nghiên cứu, các em đâu phải những nhà sử học.

Các em “ghét” môn học tức là ghét cách dạy, cách truyền tải và cách kiểm tra quá ư nhàm chán, chứ không phải “ghét” lịch sử nước nhà.  Đó là điều cần khẳng định.

2. Chuyện dạy Sử là chuyện dài: “Biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Nhưng đã đến lúc, chúng ta cần thay đổi từ gốc rễ và chấp nhận thử thách và khó khăn mà thay đổi đó đặt ra.

Chúng ta có thể nhìn sang Singapore, đất nước mà hiện đại và truyền thống tạo nên giá trị quốc gia. Trong giáo dục người ta nhớ đến một cuộc “cách mạng” khi Lý Quang Diệu quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Trường học đều sử dụng tiếng Anh. Ông khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa.

Khi sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa không xin được việc làm vì không thông thạo tiếng Anh. Lý Quang Diệu đã có một quyết định triệt để: sáp nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore trở thành Đại học Quốc gia Singapore. Ngay các giáo sư nổi tiếng nói tiếng Hoa cũng buộc phải học để dạy bằng tiếng Anh. Những người có công xây dựng Đại học Nanyang cũng lên tiếng chống đối mạnh mẽ.

Nhưng Lý Quang Diệu đã đúng. Singapore đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên nghèo nàn.

Trong giáo dục, nhất là lịch sử, chúng ta cần nhìn nhận “bài học lịch sử” đó của nước bạn, để thay đổi triệt để, để đáp lại lời dạy của Bác Hồ "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Hanh  (04/06/2014 04:02:48)
dophuhanhvc5@gmail.com
"Trường học đều sử dụng tiếng Anh. Ông khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa." - Còn ở Việt Nam, phim Tàu, Hoa ngữ, đèn lồng Trung Quốc...lại phổ biến hơn trước (?). Với một nước với 70% người gốc Hoa như Singapore dám mạnh dạn làm như vậy thật đáng để ta suy ngẫm.
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến