Nỗi băn khoăn khi ngoảnh mặt với người ăn xin...

Thứ Sáu, 26/12/2014, 7:46 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Vài ngày nữa, TP.HCM nơi đông dân nhất cả nước sẽ bắt đầu đưa những người ăn xin, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú vào các cơ sở xã hội. Khi phát hiện người xin ăn, người dân có thể gọi vào các số điện thoại đường dây nóng để cơ quan chức năng “xử lý”.

Không cần phải có công văn, đã lâu rồi nhiều người không cho người ăn xin nữa. Không phải vì vô cảm mà vì những bài báo phanh phui nạn ăn xin rởm đầy trên mạng...

Công văn này có người đồng tình nhưng cũng lắm người băn khoăn. Truyền thống dân ta vốn Lá lành đùm lá rách, Thương người như thể thương thân mà. Nhưng từ thông tin báo chí và từ thực tế mắt thấy tai nghe hàng ngày, khi những đồng tiền đầy tính cảm thương của mình bị trục lợi, lòng tốt sau một thời gian dài bị thách thức, đang muốn tìm về đúng chỗ.


TPHCM kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin

Điều này không khó giải thích. Thực tế, có rất nhiều người ăn xin giả, còn những người ăn xin vì thật sự nghèo khổ, tật nguyền thì phần lớn đã bị những tay chăn dắt ranh ma nhào nặn, biến hóa thành công cụ cho chúng. Những kẻ lợi dụng lòng vị tha đã đẩy những người già, em bé vào các chiêu trò của chúng nhằm lấy nước mắt người qua đường, bất chấp sức khỏe của họ ra sao. Những đứa trẻ sơ sinh bị phù phép để cả ngày ngủ trên tay người lớn mà không gào khóc đòi ăn. Nhưng người lành lặn thành què quặt, lở loét… đến nỗi người đi đường không thể phân biệt thật giả. Rất nhiều cách thức moi tiền không thể lường hết được.

2. Trong cuốn tiểu thuyết Triệu phú khu ổ chuột được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng thế giới với game show truyền hình Ai là triệu phú, ở câu hỏi mà mức giải thưởng 10 nghìn ru-pi có đoạn hồi ức của nhân vật Ram khi sa vào tay một nhóm chuyên mua bán trẻ em không nơi nương tựa, biến chúng thành tật nguyền rồi ép phải đi ăn xin trên hè phố.

Những chuyện đó không chỉ xuất hiện trong phim ảnh hay tiểu thuyết mà là có thật, không chỉ nước ta mà cả thế giới. Hàng trăm trẻ em, người già đã bị các băng nhóm chăn dắt để phải đi ăn xin rồi đem tiền về nộp cho chúng. Những người hảo tâm trên đường phố đã ngần ngừ không muốn rút ví ra cho các em nữa, vì biết rằng, tiền của họ ngay lập tức sẽ rơi vào tay đám bảo kê.

Cái xấu đang lộng hành khắp nơi đang làm cho lòng tin bị hủy hoại dần. Nhưng hẳn có nhiều người ăn xin thật trên phố, tật nguyền, đói khổ cùng cực. Và hẳn nhiều người trong chúng ta từng dạy con trẻ duy trì lòng nhân ái, sự bao dung với những người hoàn cảnh thương tâm, cần sự giúp đỡ bằng cách giúp người ăn xin. Nhưng có lẽ, sự giáo dục trực quan trên phố ấy sẽ thay đổi. Còn nếu thấy người ăn xin trên phố mà làm ngơ, hãy cố gắng giải thích cho lũ trẻ.

Nhưng điều mà những người dân lương thiện mong muốn là cơ quan chức năng không chỉ “ném đá ao bèo”, không chặn đường sống của những người nghèo khổ. Những người cơ nhỡ thực sự sẽ được bảo trợ thật sự và có một cuộc sống tốt hơn trong những cơ sở xã hội chứ không chỉ bị xua chỗ này để đi xin chỗ khác. Và những người tốt sẽ tìm đến với nhau và cùng làm những việc có ý nghĩa cho cộng đồng một cách xác đáng hơn thông qua các tổ chức từ thiện.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Phong  (30/12/2014 09:51:32)
phuongtx@pvn.vn
Ở Đà Nẵng thành phố không có ăn xin/ không có đánh giầy, sao dân đà nẵng vẫn cứ ca ngợi ông Bá Thanh. Hiện tượng ép trẻ em đi ăn xin làm cho lòng tin con người bị ăn cắp, dù rằng tặc lưỡi thôi để họ có chút lương thực, thực phẩm qua ngày và dần dần lòng tin (Trust) trong mọi người trong xã hội cạn dần và cũng là lúc sự nghi ngờ lên ngôi. Chúng ta quen mua hàng fake và dung nạp sản xuất hàng fake rồi đến lúc không biết tin ai. Hãy cho người ta tinh thần lao động (mặc dù ăn xin cũng là lao động, lao động vất vả)để họ vươn lên. Hãy cho họ/ cho chúng ta tinh thần làm giàu như người Nhật, đừng thoát nghèo vì tôi thích cái tinh thần của người nghèo nhất của người giầu hơn người giầu nhất của người nghèo. Đảng ta nói hãy cho họ cần câu đừng cho họ con cá, tôi không thích cho họ cần câu cũng không thích cho họ con cá, tôi thích cho họ tinh thần câu cá, vì có tinh thần câu cá họ sẽ đi tìn cần câu, họ tìm dây câu, tự đi tìm mồi câu và kiên nhẫn ngồi câu cá. Câu cá cũng là một cuộc chơi và đòi hỏi nghệ thuật đòi hỏi lòng kiên nhẫn... Người không có tinh thần câu cá thì cho họ cần câu họ nói ngồi xin mồi câu, xin được mồi câu họ nói mắc mồi câu cho tôi, mắc xong họ nói thôi ngồi câu giúp tôi. Có anh chafnh kia ngồi dưới gốc sung chờ sung rụng vô miệng ở một làng quê Việt.Anh nông dân chờ sung không rụng vô miệng mà cứ rớt ra ngoài, có người đi qua anh ta nhờ lấy sung bỏ vô miệng người kia mới lấy chân gắp quả sung bỏ vô miệng và cũng Ngày xưa Niu - tơn ngồi dưới gốc táo, táo rụng vào đầu nghĩ ra định luật vạn vật hấp dẫn. Cùng ngồi dưới gốc cây mà sao Hai tinh thần khác nhau quá. Mặt trời cứ chiếu sáng, Cuộc sống vẫn cứ trôi. Tôi thích tư duy tích cực.
Lưu Manh  (28/12/2014 04:09:14)
theLuuManh@hataco.com
Con của mình đi mẫu giáo. Yêu cầu lắp camera quan sát xem nó ăn uống thế nào, đủ đầy hay không, cô giáo đối xử với nó thế nào? Con họ phơi nắng, nhịn đói ra đường...ăn xin. Họ hôi hám, yếu kém, họ làm ta thấy mình kém văn hóa như cái gai. Con người với nhau.
Chí Phèo  (26/12/2014 12:29:05)
chipheo@gmail.com
Ta đang nói về con người, những người không có tiếng nói, không có cơ hội (ngồi bàn phím) phản biện cùng chúng ta. Dù sao đi xin là lương thiện so với cùng đường đi trộm cướp và sáng suốt hơn nhiều so với tuyệt vọng gieo mình tự tử. "Ai cho tôi lương thiện?"
Bùi Kiệm  (26/12/2014 09:15:42)
buivankiem@gmail.com
Tôi thấy rất nhiều ý kiến ủng hộ quyết định này như thể họ vừa tìm được "cơ sở lý luận" cho mình về việc chẳng mấy khi họ cho ăn xin. Sẽ là vô nhân đạo nếu không đi kèm với nó một xã hội không có người nghèo đói đến mức phải đi ăn xin nữa. Nước Việt Nam mình đã "ai cũng có cơm no, áo mặc" rồi chăng!
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến